Nguyễn Thuyết Phong: Nhạc dân tộc trong tâm hồn

08 Tháng Một, 2013 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Nguyễn Thuyết Phong

 

Nơi ông là cả một tâm hồn tràn trề tình dân tộc với niềm đam mê nghiên cứu âm nhạc cổ truyền thuộc đủ mọi thể loại, đặc biệt là nhạc Phật Giáo. Với thễ loại này, giáo sư và là nhà âm nhạc học Nguyễn Thuyết Phong đã dùng để soạn luận án tiến sĩ của ông vào năm 1982 với đề tài “Âm Nhạc Phật Giáo Việt Nam Với Nhạc Phật Giáo Đại Thừa Của Các Quốc Gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc”. Luận án này đã được chấm hạng tối danh dự của đại học Sorbonne, Paris.

 

15 năm sau, cùng một con người đó, với những công trình nghiên cứu âm nhạc cổ truyền của mình, đã nhận thêm một vinh dự lớn lao khác khi được chính phủ Mỹ trao tặng giải National Heritage Fellowship, dành cho những nghệ sĩ  có công gìn giữ  những di sản văn hoá cho nước Mỹ, trong đó âm nhạc cổ truyền Việt Nam được đánh giá như  di sản của nền văn hoá Hoa Kỳ. Tại Tòa Bạch Ốc vào năm 1997, chính tay bà Hillary Clinton đã trao giải thưởng cao quý này cho giáo sư Nguyễn Thuyết Phong. Cựu tổng thống Bill Clinton trong thời gian này bận tham dự một buổi  họp tại Liên Hiệp Quốc, nhưng cũng gửi đến ông một lá thư riêng với những lời khen ngợi nhiệt liệt.

 

Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong sinh trưởng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và “là người của hai con sông Tiền và sông Hậu”, như ông nói với một niềm hãnh diện. Đó là nơi ngày xưa thuộc tỉnh Cần Thơ, có lúc trở thành tỉnh Trà Vinh tức Vĩnh Bình, nhưng bây giờ lại thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ông sinh ra trong một gia đình yêu âm nhạc, có truyền thống về đàn ca tài tử.

 

Thân phụ ông – đã qua đời – hợp cùng các chú, bác ông thành lập một  ban nhạc lễ riêng, chuyên thực hiện phần lễ nhạc cho các hội hè đình đám và tang tế . Người em út của ông trong số 8 người con trong gia đình, không kể 2 người đã mất sớm,  sau đó đã thay thế thân phụ ông trong vai trò  trưởng ban nhạc lễ.

 

Do ảnh hưởng của gia đình cộng thêm khả năng bẩm sinh, từ khi lên 5 tuổi Nguyễn Thuyết Phong đã tỏ ra rất say mê âm nhạc. Ngay lúc đó, ông đã biết ca nên được đi theo ban đàn ca tài tử của gia đình phục vụ cho các đám giỗ, đám cưới. Cũng nhờ khả năng của mình, khi được 7 tuổi, ông đã được giao phó việc phụ giúp các sư  trong chùa về việc tụng niệm nên rất được các thầy quý mến.

 

Và cũng do đó ông đã có một sự gắn bó mật thiết với nhạc Phật Giáo là thể nhạc ông đã bỏ ra nhiều thời giờ để nghiên cưu sau này. Được như vậy, Nguyễn Thuyết Phong cho biết ông đã học bằng cách vận động thính giác trong việc tiếp nhận âm thanh từ khi lên 7. Ba năm sau ông đã đi theo những đoàn nhạc lễ để đi diễn rất nhiều nơi tại những đám cúng chùa, cúng đình, những trai đàn chẩn tế cùng những đám tang.

 

Trong số những đoàn đó có đoàn của nhạc sư Trầm Văn Kiên, tức Mười Kiên là bạn của nhạc sư Cao Văn Lầu, tác giả của bài vọng cổ đầu tiên “Dạ Cổ Hoài Lang”. Với đoàn nhạc lễ cự phách về đàn ca tài tử, cải lương, hát bội và nhạc lễ của nhạc sư Mười Kiên ông đã có dịp đi trình diễn chung khắp nơi. Từ Vĩnh Long,Mỹ Tho và  xuống tới tận Cà Mâu. Ngoài khả năng ca, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong còn là người sử dụng được rất nhiều nhạc khí cổ truyền ngoài bộ gõ là đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, đàn cò cùng những loại nhạc khí thông dụng ở miền đồng bằng sông Cửu Long…

 

Phong Nguyen Ensemble

 

Sau đó ông còn tiếp tục học đàn nguyệt ở Huế với thầy Nguyễn Gia Cẩm, một tay đàn nguyệt lừng danh tại đài phát thanh Sài Gòn. Ông còn ra tận Hà Nội để học đàn đáy với thầy Đinh Khắc Bang, qua đời cách đây khoảng 8, 9 năm. Không những ông  nghiên cứu về các loại nhạc khí ở miền đồng bằng, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong còn lên miền núi ở Tây Nguyên và Việt Bắc  để học gần như hầu hết các nhạc cụ của dân tộc thiểu số như T’rưng, Klongpút, Hi Ho, Đinh Tút, Brố, Goong, vv…  và những loại kèn từ năm 1996.. Ông chủ trương đi tới đâu phải học đến đó, vì càng học càng thấy thiếu nên đã đi dọc dãy Trường Sơn, từ Quảng Trị tới Sông Bé cũng như đặt chân lên suốt quốc lộ 14, dọc theo Kontum, Gia Lai bằng đủ mọi phương tiện để “học được nhạc cụ nào thì học nhạc cụ đó”, như lời ông nói với tất cả say mê. Cùng một lúc ông mua về Mỹ đủ loại nhạc cụ để biểu diễn trước khán giả bản xứ.

 

 Ông đã thực hiện được những việc trên sau nhiều lần trở về Việt Nam để chuẩn lại những điều đã học hỏi qua băng từ thu thập được. Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong trở về quê hương lần đầu tiên năm 1991 kể từ khi ra đi vào cuối năm 1973.  Cũng nằm trong một số những chuyến đi trên, ông đã hướng dẫn một phái đoàn người Mỹ trong phái đoàn Earth Watch, một tổ chức quốc tế hỗ trợ những nhà nghiên cứu về  khảo cổ học, đặc biệt hỗ trợ ông trong việc thu thập các tài liệu về âm thanh. Theo ông, đó có thể là những âm thanh cuối cùng của những nghệ nhân  đã lớn tuổi. Qua đó nguồn tài liệu của giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã lên tới hàng trăm cuốn video hay băng ghi âm…

 

Năm 1973, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, cựu sinh viên các trường đại học Văn Khoa và Vạn Hạnh ở Sài Gòn, lên đường sang Nhật nghiên cứu âm nhạc. Đến năm 1975, ông sang Pháp để ghi danh theo học ngành âm nhạc học tại trường đại học Sorbonne ở Paris và ra trường năm 1982 với bằng tiến sĩ danh dự tối ưu về âm nhạc. Sau đó ông làm việc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học ở Pháp cho đến khi sang Mỹ theo lời mời của nhiều trường đại học ở đây.

 

Ông sang Mỹ lần đầu tiên năm 1983  theo yêu cầu của Viện Bảo Tàng Metroplitan Museum Of Art ở New York  để nói chuyện và trình diễn. Sau nhiều lần đi đi, lại lại; ông chính thức cư ngụ tại Hoa Kỳ từ năm 1985, khởi đầu với việc dạy học tại trường đại học U.C.L.A ở nam California. Hiện ông là giáo sư tại đại học Kent State University thuộc tiểu bang Ohio, gần nơi ông cư ngụ là thành phố Cleveland cùng tiểu bang.

 

Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã đứng ra thành lập một đoàn biểu diễn nhạc cổ truyền Việt Nam dưới tên Phong Nguyen Ensemble, được thai nghén từ  năm 1983, khi ông sang New York. Thời kỳ đầu tiên vì không quen biết nhiều trong cộng đồng người Việt nên mới chỉ có sự tham dự của cô Kim Oanh. Cho đến năm 87 mới có thêm sự gia nhập của 2 nhạc sĩ Hoa Kỳ Miranda Arana (sử dụng sáo) và David Badagnani (kèn bầu Huế), Nguyễn Ngọc Tố Trinh  (từng đoạt giải nhì đàn tranh toàn quốc ở VN), Dock Rmah (nhạc sĩ gốc dân tộc thiểu số Gia Rai), và Nguyễn Thuyết Phong (sử dụng nhiều loại đàn). Những lần trình diễn mới đây nhất với thành phần này diễn ra tại Kennedy Center và Thư Viện Quốc Hội Mỹ.

 

Ngoài ra Phong Nguyen Ensemble từng tham dự rất nhiều chương trình nhạc hội toàn quốc tại Hoa Kỳ, lần mới nhất tổ chức vào mùa hè năm 2004 với sự tham dự của hàng trăm nhạc sĩ cùng sự có mặt của trên 10 ngàn khán giả tại thành phố Bangor, tiểu bang Maine. Với Phong Nguyen Ensemble cung như với riêng cá nhân mình, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã thu thanh trên nhiều CD dưới những nhãn hiệu nổi tiếng chuyên về nền âm nhạc quốc tế, trong số có những CD mang tựa đề Musical Theater From Vietnam, Eternal Voices, Song Of The Banyan, Music From The Lost Kingdom Hue,Vietnam Music Of The Truong Son Mountains, vv…

 

Ngoài ra với công trình nghiên cứu của mình, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế về âm nhạc, trong đó giải National Heritage Fellow của chính phủ Mỹ đối với ông là một phần thưởng cáo quý nhất. Từ đó, ông đưa ra một nhận xét có phần tế nhị là ttrong khi người Mỹ rất quan tâm đến nền văn hoá truyền thống của các nước khác, trong đó có Việt Nam thì người Việt Nam lại tỏ ra thờ ơ với nền văn hoá cổ truyền của mình. Do đó những chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc được tổ chức một cách rất hiếm hoi và cần đến sự nhiệt tình và hăng say của ban tổ chức. Và thực tế cho thấy số khán giả đến với những buổi tổ chức này có phần hạn hẹp…

 

Khi được hỏi thích sử dụng nhạc cụ nào  cũng như đam mê thể loại nhạc nào nhất trong số những thể loại như ca trù, cải lương, ca Huế, dân ca, Quan Họ Bắc Ninh hay nhạc lễ, v.v… giáo sư Nguyễn Thuyết Phong chỉ trả lời một câu vỏn vẹn là “tôi say mê tất cả”. Ông nhấn mạnh thêm…

 

Còn về hát bội, đối với ông còn là cả một vấn đề thích thú vì thể loại này gắn liền với âm nhạc nghi lễ  trong chùa, trong đền. Chính vì thế ông đã theo học từ khi còn nhỏ.

 

Riêng về nhạc Phật Giáo, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã bỏ ra trên 10 năm để tự mò mẫm nghiên cứu mà không có được một sự hướng dẫn nào. Ông bắt đầu thu thập những tài liệu ghi âm về âm nhạc Phật Giáo  của miền Nam và miền Trung, đặc biệt là nhạc Phật Giáo Huế  từ sau năm 1968. Và ông đã là sở hữu chủ một bộ sưu tập nhạc Phật Giáo đồ sộ trong lúc đó. Cũng từ sự nghiên cứu này, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã viết một quyển sách về sự tương quan giữa nhạc Phật Giáo và nhạc lễ Nam Bộ vào đầu thập niên 70 do nhà Sen Vàng ở Sài Gòn xuất bản.

 

Ông cũng thực hiện việc ghi âm các tụng niệm tại các chùa ở Nhật trong thời gian ở đây vào những năm 73, 74.  Do đó khi sang Pháp vào năm 75, ông đã được một nữ giáo sư, chuyên khảo cứu về nhạc tôn giáo và đặc biệt là nhạc Tin Lành, khuyên nếu có khả năng về nhạc Phật Giáo  thì tại sao không làm luận án tiến sĩ về đề tài này. Giáo sư Trần Văn Khê, trong thời gian đó làm việc ở Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Hoc Pháp cũng rất khích lệ ông trong việc này. Do đó ông đã tiến hành luận án tiến sĩ về đề tài “Âm Nhạc Phật Giáo Việt Nam Với Nhạc Phật Giáo Đại Thừa Của Các Quốc Gia Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc” để được chấm hạng tối danh dự của đại học Sorbonne năm 1982.

 

Trước thắc mắc về nguồn gốc của nhạc Phật Giáo, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho biết đã bắt nguồn từ tất cả những dân tộc chịu ảnh hưởng rất lớn của đạo Phật. Nên “Chính vì thế, âm nhạc Phật Giáo bắt nguồn từ dân tộc đó rồi phối ngẫu với  tinh thần, với tinh túy  về giáo lý của đạo Phật, đưa vào trong những lời tụng, lời tán để trở thành một hình thức  âm nhạc dân tộc và Phật Giáo”

 

Ông đưa ra thí dụ bằng cách so sánh giữa nhạc Phật Giáo Nhật Bản và Việt Nam để thấy không có sự tương đồng nào về làn điệu cũng như hệ thống hay thang âm. Điều này cho thấy đạo Phật có một sự hoà nhập với từng dân tộc, với từng nền văn hoá để trở thành một bản thể của dân tộc và nền văn hoá đó. Cũng từ đó ông kết luận là Nhạc Phật Giáo của mỗi dân tộc mang một sắc thái riêng biệt…

 

Về hình thức tạm gọi là đưa nhạc đời vào đạo bằng âm nhạc trong những nghi thức hành lễ  như một số tôn giáo khác, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đưa ra ý kiến là vấn đề này tùy thuộc vào ý thức và trí tuệ của những vị sư lãnh đạo các chùa,  để làm sao áp dụng được tinh thần âm nhạc  một cách đứng đắn trong  đạo Phật thì rất hay, như ông nói”Chẳng hạn như  một bài vọng cổ không phải là nhạc của  các sư viết ra, nhưng nếu  chúng ta ca một bài vọng cổ trong chùa  thì cũng được. Miễn lời ca, lời văn thể hiện được  tinh thần của đạo Phật thì  cũng tốt thôi. Bây giờ chúng ta ca một bài tân nhạc mà có tinh thần đạo Phật  trong chùa thì cũng chấp nhận được thôi”

 

Tuy nhiên dưới nhãn quan của một nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho là  từng “note” nhạc  đều có một giá trị  cần phải cân nhắc để đặt giá trị âm nhạc đúng chỗ. Thí dụ không thể đem nhạc Rock And Roll  là loại nhạc ồn ào  vào nghi lễ trong chùa chiền thì không thể thích hợp. Rõ rệt hơn nữa là “nếu chúng ta càng quan tâm hơn nữa  về giá trị đích thực của  âm nhạc đạo Phật là âm nhạc dân tộc thì  những yếu tố không dân tộc thì chúng ta phải đặt nó  ở vào một chỗ đúng  vị trí của nó chứ đừng có nhầm lẫn”, như ông nhận định.

 

Khi so sánh nhạc Phật Giáo với  những thể loại nhạc dân tộc cổ truyền khác, giáo sư Nguyễn Thuyết  Phong đưa ra những nét đặc biệt về kệ tụng cùng rất nhiều điệu Tán với những giai điệu trầm bổng khác nhau trong nghi lễ Phật Giáo. Những thể điệu này có những âm sắc và âm hưởng khác biệt hẳn với những thể loại nhạc khác. Theo ông, đó chính là điểm sáng tạo trong âm nhạc Phật Giáo của các vị sư  ngày xưa mà ông coi như những nhà làm âm nhạc lớn, khi viết ra không cần đến  bút hoặc ký âm pháp 5 dòng  nên đừng nghĩ rằng nếu viết nhạc giống Âu Châu mới gọi là sáng tác. 

 

Cũng nhân dịp trao đổi về nhạc dân tộc với TiVi Tuần San, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong đã đưa ra lời kêu gọi không nên tỏ ra cực đoan để cho rằng âm nhạc Việt Nam là cổ hủ hoặc là xưa,  cũ… Ông kết luận: “Hãy nghĩ rằng nếu chúng ta nắm được sự  hiểu biết, kiến thức  của nhạc dân tộc, chúng ta  mới thích, mới yêu và  mới quí. Để rồi thấy đó là cả một gia tài  lớn thì chúng ta không  nên cực đoan. Chúng ta tiến đến thế giới bằng bản sắc của chúng ta, chứ  không phải là học trò của những nước khác.Nếu không muốn nói chúng ta phải là người thầy của những nước khác. Hồn thiêng sông núi không cho phép chúng ta  tự ti mặc cảm là không có  nền âm nhạc của chính dân tộc Việt Nam.”

 

Cùng một lúc, ông khẳng định âm nhạc Phật Giáo Việt Nam là âm nhạc của dân tộc Việt Nam vì không thể nhầm lẫn với âm nhạc của các đạo Phật của các quốc giakhác. Ông cho âm nhạc Phật Giáó là “một đóng góp rất  vĩ đại  cho âm nhạc dân tộc Việt Nam”, do đó “phải hiểu nó với một trạng thái rất đặc biệt và chúng ta phải trân trọng nó. Nếu không,  tức là chúng ta đánh mất bản sắc của mình”

 

Đối với nhạc cổ truyền dân tộc nói chung, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong cho rằng muốn duy trì và bảo tồn một cách hữu hiệu nơi thế hệ trẻ, một trong những điều cần làm là tổ chức  thường xuyên những cuộc thi về nhạc dân tộc như  Giải Thưởng Vàng Nhạc Dân Tộc doTrung Tâm Giáo Dục Hồng Đức ở Montreal, Canada sắp thực hiện trong vài ngày tới với phần chung kết được diễn ra vào ngày 26 tháng 6 trong khuôn khổ chương trình Nhạc Phật Giáo “Nhánh Mai Sương”, có sự góp mặt đặc biệt của ông.

 

Với một người có tâm hồn  gắn bó với nhạc dân tộc suốt cả cuộc đời, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong mong thấy những buổi diễn thể loại nhạc này được tổ chức thường xuyên hơn, cùng với những cuộc thi với “những giám khảo  có khả năng nắm vững được vấn đề,  yếu tố của âm nhạc như thế nào để  chấm điểm thì chừng ấy chúng ta sẽ có một nền âm nhạc  dân tộc Việt Nam ở hải ngoại  phát huy tốt đẹp hơn. Đó là một điều tôi rất mong mỏi!”.

 

Trường Kỳ –  (TVTS – 1004)