Về 4 ca khúc mới của NHA: Từ Bạch Đằng đến Biển Đông (đăng kèm bản nhạc) và… kiếp nhân sinh

29 Tháng Sáu, 2014 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 Hoàng Như Lan

 

Nguyễn Hồng Anh: tình yêu âm nhạc trở lại, mạnh mẽ ở cái tuổi đi vào… mùa thu cuộc đời. Hình cung cấp

 

  

Cái hứng cuối mùa lại một lần nữa trỗi dậy trong tâm hồn của Nguyễn Hồng Anh (NHA) trong thời gian gần đây qua việc sáng tác và cho thu âm những ca khúc mới.

 

TỪ BẠCH ĐẰNG ĐẾN BIỂN ĐÔNG là tên một bài hát được ông viết xong vào đầu tháng 6 năm 2014, nhịp điệu hành quân (marche)với lời ca hùng hồn như:

 

Kìa kìa Biển Đông sóng dậy rồi

Khắp nơi nơi bừng lên lửa thiêng Hồn Nước

Đây là Bạch Đằng Giang

 

Với ca từ mạnh mẽ trong bài hát, NHA dường như đang muốn đánh thức lòng yêu nước của mỗi người trong chúng ta trước sự ngang tàng hống hách của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam.

 

Vì thế, cho dù có ra sao thì:

 

Quân và dân cả nước đứng lên

Ra tay lần nữa trong đời

Phen này ta quyết đập tan

Đập tan bá quyền phương bắc.

 

Với những lời ca này, chắc chắn đây không chỉ đơn thuần là một cái hứng cuối mùa bất chợt mà phải chăng đã được nung nấu từ tấm lòng yêu nước của một người mang dòng máu Việt (Như người Việt Nam, CD-2 phát hành ngày 25.12.2013) khi nhìn thấy đất nước mình đang đứng trước nguy cơ của cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc.

 

Sau hàng loạt diễn biến căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian vừa qua, ai trong chúng ta cũng đều lo ngại nguy cơ chiến tranh sẽ xảy ra trên quê hương Việt Nam.

 

Cùng với sự ngang tàng và ngày một lộng hành của Trung Quốc, chính quyền Việt Nam dường như chỉ biết dùng đến một thứ “võ mồm” để hành động, để mặc cho Trung Quốc lấn lướt trên phần lãnh hải của nước mình.

 

Trung Quốc đã kéo giàn khoan HD 981 vào lãnh hải Việt Nam trong khi nhà cầm quyền Việt Nam cứ “kiên trì  tuyên truyền” trong tuyệt vọng, chỉ yêu cầu Trung Quốc hãy rút giàn khoan đi.

 

Rồi liên tiếp Trung Quốc lại đưa thêm giàn khoan thứ hai nữa tới vùng biển Việt Nam, trong khi việc giải quyết cho giàn khoan thứ nhất vẫn đang còn bỏ ngỏ.

 

Trong lịch sử hai ngàn năm qua, quân Tàu đã bao lần xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam nhưng lần lượt bị đánh bại.

 

Còn nhớ Việt Nam đã từng trải qua cuộc chiến trên sông Bạch Đằng và đã đả bại được quân Trung Quốc vào năm 938 và 1288.

 

Cuộc chiến vào năm 938 dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, Việt Nam đã tiêu diệt quân xâm lược Nam Hán khi họ vừa tiến vào cửa ngõ đất nước. Trong khi đó cuộc chiến vào năm 1288 Trần Hưng Đạo cũng đã dùng tài trí thao lực của mình để đánh đuổi quân Mông-Nguyên ra khỏi lãnh thổ.

 

Tuy nhiên, cả hai trận chiến trên Bạch Đằng Giang của Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đều có một điểm chung đó là họ đã dùng mưu lược cắm cọc trên sông Bạch Đằng. Họ đã lợi dụng nước thủy triều rút xuống, thuyền của quân Tàu dính cọc, bị quân ta tấn công không có đường rút ra biển nên thua to.

 

Nhưng ngày nay, nếu chiến tranh xảy ra, Việt Nam sẽ dùng những gì để đối phó với Trung Quốc? Hiện tại, Việt Nam có hai chiếc tàu ngầm mới mua của Nga, không biết có đủ sức để tham chiến với lực lượng hải quân quá hùng hậu của Trung Cộng, nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ?

 

Trong thời gian qua, người dân Việt Nam trong nước và trên khắp thế giới đã đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc. Những cuộc biểu tình của dân chúng là một hội nghị Diên Hồng thời đại, khi toàn dân đồng tâm chống lại sự xâm chiếm của Tàu dù hải quân Việt Nam không thể sánh nổi với người đông thế mạnh của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, với tấm lòng yêu nước và ý chí ngàn đời không khuất phục, nhân dân Việt Nam sẽ tái hiện lại lịch sử để có thể biến Biển Đông thành Bạch Đằng Giang thuở nào.

 

Có lẽ chính vì tâm tư này, mà NHA đã dùng Từ Bạch Đằng đến Biển Đông” để làm tựa đề cho bài hát của mình. Ca khúc này đã được đưa lên YouTube và trên mạng lưới của TiVi Tuần-san.

 

Ca khúc mới sáng tác của Nguyễn Hồng Anh

 

Quay trở lại với những ca khúc của Nguyễn Hồng Anh, trong dịp này người yêu nhạc chắc chắn không chỉ nghe được duy một bài hát, mà còn sẽ được thưởng thức thêm nhiều ca khúc khác nữa như bài hát Đứng Dậy Dân Ta Ơi được ông hoàn thành sau bài Từ Bạch Đằng đến Biển Đông, hay các bản tình ca Mùa Thu Cuộc Đời, Đợi Tình Lên Ngôi, cũng được ông viết xong trong tháng này.

 

 

 

Giấc mơ giành lại biển đảo bị chiếm

 

 

– ĐỨNG DẬY DÂN TA ƠI  được thu âm theo điệu fox, nhịp 2/4,  âm giai thứ với những ca từ như:

 

Đứng dậy! Đứng dậy! Dân ta ơi đứng dậy mà đi

Đường còn xa còn nhiều gian nguy

Ta tiến lên nào có sá chi

Bên kia ta là đất của Mẹ

Phía trước mặt là mồ của Cha

Non sông này đồng bào chúng ta cùng nhau giữ lấy

 

Hoàng Sa đã bị chiếm đoạt từ năm 1974, một vài đảo trong Trường Sa cũng bị mất vào năm 1988 vào tay  đồng chí “16 chữ vàng” và “4 tốt”. Chiếm lại muôn vàn  khó khăn gian nguy, nhưng chúng ta không từ bỏ và vẫn ôm giấc mơ, như người Do Thái trong gần hai ngàn năm lưu vong, mỗi khi gặp nhau nói “hẹn mai này ở Jerusalem”. Hẹn ở Hoàng Sa, hẹn ở Trường Sa? có thể lắm chứ!

 

…Ơi! Hò ơi! Hò hò Hò hò Hò hò Hò ơi!

Mai kia ta giành lại đảo của ta

Biển Đông dân chài từng đoàn ra khơi

Thôn quê vang câu hò

Phố xá vọng nhạc điệu hân hoan

Dân mình vui mừng hớn hở

Ca bài toàn thắng chiến sử lưu danh.

 

 

 

Lãng mạn mà thủy chung

 

 

NHA viết nhiều đề tài và nhiều thể điệu khác nhau như có thể thấy qua 3 CD đã phát hành từ mùa xuân năm ngoái. Hai bài vừa nói ở trên hùng hồn, thúc dục bao nhiêu, hai bài sau thơ mộng êm dịu bấy nhiêu.

 

Bài hát ĐỢI TÌNH LÊN NGÔI  nhịp  3/4 mở đầu với ca từ mượt mà như bài thơ:

 

Tìm lối cũ tôi tìm những bến đợi

Tìm nơi xưa tôi tìm những giấc mơ

Tìm em mong mỏi trông chờ

Ngày qua tháng lại cũng mờ hơi sương

 

Nhưng vẫn chung tình:

 

…Xin em chớ chần chừ

Xin em chớ lần lừ

Đời sau còn có

Bây chừ còn yêu, còn yêu

Yêu mãi sớm chiều

Ngàn sau vẫn đợi dáng người năm xưa

 

Đến mù quáng?

 

Buồn dâng ôm kín khung trời

Tình đã hóa dại đợi tình lên ngôi.

 

* * *

Ca khúc MÙA THU CUỘC ĐỜI  điệu pop/ surf  nhẹ nhàng đầy nhân bản và thoáng chút thiền:

 

Cám ơn trời, cám ơn đời, cám ơn người

Đã cho tôi tôi một thời để nhớ

Để yêu thương tha nhân

Để cưu mang ân tình

Để ấp ủ trần gian trong lòng này

 

Cám ơn đã được cho cuộc sống, nhưng cũng nhận ra những sai lầm khi sống:

 

Cúi xin trời, cúi xin đời, cúi xin người

Đã cho tôi một thời khó quên

Vì tranh đua hơn thua

Vì gây bao oán thù

Để chuốc lấy nghiệp oan cho đời sau

 

Con người có sinh thì có tử, nhưng sẽ ra đi như thế nào?

 

NHA tự nhận là người thích nghe và thích viết nhạc với cung trưởng mà ông thường gọi là  “nỗi buồn cung trưởng”—một nỗi buồn bâng khuâng sâu lắng, nhưng nhạc của ông nhiều lúc xen kẽ cung thứ– một nỗi buồn lê thê, tê tái, da diết, đau đớn thường thấy trong âm nhạc Việt Nam. Nhưng “nỗi buồn cung thứ” trong bài này pha lẫn sự hân hoan. Kỳ lạ, buồn mà vui do tăng lên nửa nốt nhạc (dấu thăng) vào mấy chữ trong câu “bâng khuâng còn nở nụ cười” trước khi chuyển qua phiên khúc cuối  với âm giai “nỗi buồn cung trưởng” cố hữu của ông. 

 

Đó là nét nhạc tiêu biểu của Nguyễn Hồng Anh:

 

Ngày mai

Ngày mai sẽ xa đời

Lòng tôi

Lòng tôi vẫn yêu đời

Người ơi còn nhớ

Tuổi thanh xuân mộng mơ

Thoáng bóng chiều mù mờ

Mùa thu cuộc đời

Mùa thu đời người

Dù lòng bâng khuâng còn nở nụ cười.

 

Và ca khúc Mùa Thu Cuộc Đời  trở về “nỗi buồn cung trưởng” để nói những lời tạ ơn trời đất và con người, vì có gì đẹp hơn trong cuộc đời hơn hai chữ Tình Yêu?  Đó là “chung khúc” của một kiếp nhân sinh mà NHA đã có lần đề cập khi trả lời một nhà báo.

 

Cám ơn trời, cám ơn đời, cám ơn người

Đã cho tôi một thời để sống

Còn cho nhau tin yêu

Còn cho nhau tấm lòng

Còn giữ mãi tình yêu mãi ngàn sau.

Cúi xin trời, cúi xin đời, cúi xin người

Cho tôi lời tạ ơn.

 

Vẫn yêu đời. Vẫn nở nụ cười. Và cám ơn.  Một ca khúc thật dễ thương qua phần soạn hòa âm của một nhạc sĩ nổi tiếng và một giọng ca nam đang được nhiều người yêu chuộng (hát rất rõ lời).

 

Vâng, tôi chép lại nguyên lời bản nhạc mà tôi nghĩ rất hay về ca từ cũng như nhạc điệu để bạn đọc thưởng thức, bởi tôi không biết khi nào tác giả NHA mới cho phổ biến Mùa Thu Cuộc Đời.

 

* * *

 

Nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam trong bài viết Ca khúc Nguyễn Hồng Anh: một thời để nhớ đăng trên TiVi Tuần-san cách đây gần một năm, đã kết thúc bài viết nói về ca khúc NHA  như sau:

 

“Một trong những điều mâu thuẫn trong kiếp nhân sinh là khi còn ở tuổi thanh xuân, người ta luôn mơ ước, khát khao một tương lai huy hoàng rực rỡ, để rồi tới mùa thu cuộc đời, lại có khuynh hướng hoài niệm tuổi thanh xuân đã qua, đã mất. Sự hoài niệm ấy đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc bâng khuâng hay nỗi hối tiếc muộn màng là tùy thuộc tuổi thanh xuân ấy là một thời để nhớ hay chỉ là một quá khứ đáng vùi quên. NHA cho biết anh đã cảm nhận niềm hạnh phúc khi nhớ về. Và, nguyên văn lời anh, “nếu hứng đến, tôi có thể sẽ viết thêm một hoặc hai bản chiêm nghiệm cuộc đời, như là ‘chung khúc’ của một kiếp nhân sinh trên cõi đời này”.

 

Nhưng NHA đã không chỉ viết một hoặc hai bài, mà đã viết liên tiếp 4 ca khúc. Quả thực “cái hứng cuối mùa” của Nguyễn Hồng Anh đang trở nên ngày một mãnh liệt khi ông liên tiếp cho ra đời những bài hát mới và biết đâu trong tương lai không xa, các thính giả và độc giả của  TiVi Tuần-san sẽ lại đón nhận một CD thứ tư bao gồm những bản tình ca về con người và quê hương đất nước!

 

Hoàng Như Lan

Đông Chí 2014