Văn hóa CHXHCNVN: văn hóa học theo

21 Tháng Hai, 2018 | Bình Luận
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và vợ Trần Nguyệt Thu. (Hình: Reuters)

Khi chủ nghĩa cộng sản chưa du nhập vào nước chúng ta, người Việt Nam chẳng biết ông Các Mác, ông Lê Nin, ông Xì-ta-lin, ông Mao là ông nào. Nhưng từ khi có Hồ Chí Minh người Việt Nam được nghe họ có thêm các “bác Các Mác, bác Lê Nin, bác Mao” những người chẳng có bà con hay liên hệ giòng máu Việt tộc. Từ khi Việt Minh cướp chính quyền, người Việt Nam (phần lớn ở Miền Bắc) được nghe, bị buộc gọi một ông tuổi chừng 50 là “bác”, đó là “Bác Hồ”. Cái văn hóa gọi người ngoại quốc, những tên đồ tể  bằng bác chỉ là sản phẩm của người cộng sản gốc Việt.

Người Việt con cháu vua Hùng, từ Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt đến Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung không gọi những ngoại nhân (nhất là người Tàu) là bác. Người nhỏ tuổi không tự xưng là bác với những người lớn tuổi hơn mình. Văn hóa vong bản và vô lễ đó phát xuất từ chủ nghĩa cộng sản không tưởng (đảng cộng sản VN), chủ nghĩa xã hội ngoại lai (nhà nước xã hội chủ nghĩa VN) được mang vào Việt Nam bởi một con người nguồn gốc không rõ ràng (sắc tộc, tên họ, ngày sinh) và một quá khứ mờ ám, một người xác đang được trưng bày tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Văn hóa Việt tộc không có chuyện đem trưng bày, phơi xác cho công chúng xem trừ trường hợp hiếm hoi, ngoại lệ xảy ra trong một thời gian ngắn đối với một số tội phạm để răn đe hay hạ nhục, như phơi xác, treo đầu lâu tội phạm hay kẻ thù nhưng cũng không được văn hóa Việt tộc khuyến khích. Ấy thế mà đảng cộng sản cầm quyền hiện nay đã trưng bày xác Hồ Chí Minh gần nửa thế kỷ. Tội nhân thời mông muội đến thời quân chủ hà khắc cũng không bị một hình phạt nặng nề như thế khi đã chết! Nhưng đó là cái “nhân văn”, một từ mà người cộng sản ưa dùng khi nói về những điều mà họ cho là văn minh, nhân bản.

Cho nên không lạ gì, khi đội túc cầu U23 lần đầu tiên được vào chung kết giải Á Châu và mặc dù không đạt được cúp vô địch, các tuyển thủ trên đường trở về nước, đã phải vào đến nhìn xác chết để “báo công”. Huấn luyện viên người Nam Hàn mặc dù mệt mỏi sau nhiều ngày  huấn luyện, đi chuyến bay dài đường, cũng phải bấm bụng để đến lăng Hồ Chí Minh “báo công với bác” giống như văn hóa tôn sùng lãnh tụ, thần thánh hóa cha con nhà họ Kim của Bắc Hàn.

Ngày trước, người ta coi người cộng sản Việt Nam là những thành phần thấp trong xã hội như chính họ tự nhận: giai cấp nông dân, giai cấp công nhân. Trong chiến tranh Việt Nam, người cộng sản bị (người Miền Nam) gọi là những anh “răng đen mã tấu”, trêu bộ đội Bắc Việt ở rừng sâu xanh xao là những VC đu cành cây đu đủ cũng không bị gãy. Của đáng tội, VC bị khinh vì họ tự hào với giai cấp bần cố nông của họ.

Còn nhớ ngày mới chiếm Miền Nam, cán nữ giáo viên mặc áo bà ba đi dạy đã đành, các nữ sinh cũng bị cấm mặc áo dài trong nhiều năm cho đến thời kỳ đổi mới, là thời kỳ các cán bộ trở nên béo tốt, thay áo đại cán bằng áo còm-lê, đi xe hơi ở nhà lầu và thích gái đẹp. Sự ám ảnh với gái đẹp không những xảy ra đối với những cán bộ hủ hóa mà còn được biểu hiện qua lời phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khi lần đầu tiên qua Mỹ đã tuyên bố đại khái “hãy đến Việt Nam, con gái Việt Nam rất đẹp”.

Cho nên không lạ gì tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa qua, quan khách quốc tế đã được các nữ chiêu đãi viên phục vụ ẩm thực  bằng những chiếc yếm rất hở hang khiến những người Việt Nam tự trọng tức giận với các lối tiếp khách như thế. Cũng vì cái văn hóa từ “ao làng” nhảy vọt lên “hoành tráng” đã khiến công ty hàng không VietJet trên đường chở những cầu thủ “thua trong vinh quang” trở về bằng một chiếc máy bay riêng trên đó các nữ tiếp viên hàng không được thay thế bằng những cô gái mặc áo tắm hai mảnh, đi lắc lư khoe mông ngực, áp vào người các cầu thủ trẻ tuổi mới trải qua một trận đấu gay go, mệt mỏi.  Mà đây không phải lần đầu tiên công ty hàng không do quan lớn đỡ lưng coi khoang tàu bay là nơi biểu diễn các màn xếch xy rất thô tục. Nhưng những điều nói trên là “tinh hoa” phát tiết từ “đỉnh cao trí tuệ” của  người cộng sản gốc Việt!

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1663 phát hành ngày 07.02.2018)