Nguyễn Hồng Anh
* * *
Ði du lịch có lúc tôi nghiên cứu trước những nơi tôi sẽ đi thăm thú, nhưng mỗi lần đi với vợ chồng Luật sư Nguyễn Tân Hải, tôi để anh chọn. Chọn nơi sẽ đi du ngoạn và chọn cả thuê xe, tôi chỉ việc đi thăm trung tâm thành phố, nơi ăn uống mua sắm, phần khó khăn để bạn lo.
Hai khẩu đại pháo chưa bao giờ bắn địch
Chúng tôi có trọn hai ngày đi chơi với nhau từ sáng đến tối, giống như đi tour.
Ngày đầu, chúng tôi đi thăm Aviation Museum nơi trưng bày máy bay dân sự và quân sự. Darwin là thành phố đầu tiên và duy nhất của Úc bị kẻ thù tấn công vào năm 1942. Trận tấn công của không quân Nhật đã làm trên 230 người thiệt mạng. Chuyện đó nhiều người biết, nhưng có lẽ ít người biết Darwin là nơi đặt căn cứ của pháo đài bay B-52 còn được gọi là máy bay trải thảm, loại máy bay thả bom chiến lược tối tân của Hoa Kỳ được dùng trong chiến tranh Việt Nam. Thả bom ở đường mòn Hồ Chí Minh dọc Trường Sơn và cả Miền Bắc.
Sau đó chúng tôi đi ngang qua Military Museum ở East Point nhưng không vào bên trong bảo tàng viện xem mà đi thẳng ra hướng bờ biển ở Dudley Point để quan sát công sự phòng thủ thời Ðệ nhị Thế chiến còn tồn tại với lô-cốt rất kiên cố, nơi từng để khẩu đại pháo 9.2 inches (khoảng 233 ly) gọi là Big Gun để chống kẻ thù từ biển vào.
Việc xây khẩu đại bác ở biển East Point để bảo vệ Darwin được đưa ra từ năm 1925 nhưng đến năm 1931 lại đề nghị làm 4 khẩu 6 inches để giảm chi phí. Ðến năm 1941 trở lại với đề nghị nguyên thủy nhưng chỉ bắt đầu từ giữa năm. Nhưng trớ trêu thay, công tác phải gián đoạn vì tới ngày 19.2.1942 thì Thành phố Darwin bị Nhật oanh tạc nên phải di dời vật liệu và dụng cụ xây cất đi nơi khác.
Phải 2 năm sau trận dội bom, khẩu pháo 9.2 inches đầu tiên mới được mang tới đặt tại East Point (nơi chúng tôi đến thăm) và bắn thử phát đầu tiên vào ngày 10.4.1944. Khẩu thứ hai được mang đến đặt ở nơi ngày nay là RAAA Military Museum và bắn thử phát đầu tiên ngày 3.3.1945.
Cả hai khẩu đại bác lớn nhất nước Úc thời bấy giờ đã chưa bao giờ bắn vào quân địch mà như người Úc nói thì “too little too late”. Quá ít và quá trễ, hai khẩu đại pháo mới bắn được một phát đã được một công ty Nhật cắt thành sắt vụn chở về nước cùng với những xác chiếc tàu bị Nhật bắn chìm ở biển này vào ngày 19.2.1942 lịch sử đó.
Tiếp đến chúng tôi đến Crocodylus Park & Zoo không với mục đích đi xem cá sấu hay các thú vật của công viên cá sấu mà để thưởng thức thịt cá sấu barbecue nó ra làm sao. Thì ra, không phải thịt cá sấu nướng được cắt ra và nướng như ta nướng thịt cừu mà là thịt cá sấu xay rồi nướng làm burger ăn với mì ổ. Tôi cảm thấy thịt cá sấu dễ ăn vì nó không béo, có thể gọi là ngon, nhưng ngon nhất là bánh mì ở đây, dòn và thơm.
Trở về khách sạn nghỉ ngơi một lát. Ðược biết rằng không nên tắm biển vì nguy hiểm do cá sấu đớp hay sứa chích, chúng tôi đã hưởng một buổi tắm hồ bơi trên lầu 10 nhưng ngoài trời của khách sạn 20 tầng này. Tắm hồ bơi ở Darwin rất đã vì nước ấm tự nhiên.
Do nghiên cứu trước nên vợ chồng bạn hướng dẫn chúng tôi đi xem chợ trời lớn nhất ở Darwin là Mindil Beach Sunset Market và ngắm mặt trời lặn ở bãi biển cùng tên. Nhưng khi chúng tôi đến nơi thì chợ được quảng cáo có tới 200 sạp vắng như chùa bà đanh vì chợ trời này chỉ mở từ tháng 4 đến tháng 10.
Vì vậy chúng tôi ra bãi biển cạnh đó để ngắm hoàng hôn. Thấy biển là mê nhưng những tấm bảng dựng ở đây cảnh cáo phải coi chừng những con sứa có thể làm chết người, cảnh cáo từ tháng 10 đến tháng 5 không được xuống biển. Về thời gian từ tháng 6 đến tháng 9, cũng đã có những báo cáo bị sứa chích nghiêm trọng, do đó không nên tắm, đặc biệt là trẻ con, và có tắm thì phải mang áo bảo vệ và mang theo dấm để bôi lên chỗ bị sứa chích.
Suối tiên: không “tắm tiên” mà tắm (kiểu) trần… (gian)
Xin giải thích ngay để tránh hiểu lầm. “Suối tiên” ở đây là suối đẹp được ví như trong chuyện thần tiên, có thể đẹp hơn Suối Mơ của nhạc sĩ Văn Cao. Và “tắm trần” không phải là để ngực trần (trừ các ông) mà là tắm theo kiểu dân gian trần tục, tắm mặc áo kín từ cổ tới chân như ông bà mình ngày xưa, như các thiếu nữ Hồi giáo ngoan đạo, hay hiện đại hơn thì tắm với bikini hay monokini chứ không như kiểu “tắm tiên” nói theo chữ nghĩa “văn hóa cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN” bây giờ được thấy trên một số video nhằm câu người xem.
Bạn Nguyễn Tân Hải đã lên chương trình một ngày du ngoạn ở công viên quốc gia Litchfield National Park. Ðây là một trong những công viên nổi tiếng của Bắc Lãnh rộng mênh mông.
Chúng tôi được biết ở công viên quốc gia này ngoài những con suối đẹp còn có những con đường để du khách đi bộ trong rừng, lái xe 4-WD để thưởng thức cảnh vật hoang dã hay đi xem “The Lost City” nơi chỉ có thể tới được bằng xe 4-WD, nghe nói những núi đá, khối đá bị hao mòn với thời gian trông giống như một thành phố điêu tàn của thời La Mã hay tượng 12 Thánh Tông Ðồ ở Tiểu bang Victoria. Nếu có thì giờ và có sức, có thể đổi hướng đến Adelaide River nơi nổi tiếng cá sấu. Nhưng do thời gian không cho phép, chúng tôi dự trù đi tắm suối và ngắm vài thác nước, thác xa nhất là Wangi Fall. Anh Hải lái, Bích Thi làm “đài lô” xem bản đồ trên máy điện thoại chỉ đường cho chồng.
Ðường đi công viên quốc gia Litchfield là loại highway, cho chạy trung bình 100 cây số giờ nhưng có một số đoạn cho chạy tới 130 cây số, là điều tôi hiếm thấy ở Úc.
Trên đường đi, bạn sẽ qua thị trấn Batchelor và sau đó chỉ là rừng không còn tiệm bán thức ăn hay trạm xăng. Trước khi vào công viên bạn nên dừng lại ở Litchfield Tourist Park, nơi đây có bảng hướng dẫn các địa điểm du ngoạn của công viên và khoảng cách từ đây đến các địa điểm du lịch. Hình như đến đây chúng tôi mới quyết định chỉ tới Florence Falls là nơi xa nhất (khoảng 150 cây số) và được biết rằng chỉ có Wangi Falls là nơi có bán thức ăn và nước uống mà đường từ Florence Falls đi Wangi Falls, cách nhau đến 30 cây số.
Chúng tôi không mang theo thức ăn, chỉ vài chai nước nhưng may mắn buổi sáng hôm đó thức ăn của khách sạn quá ngon nên chúng tôi đã dằn bụng khá kỹ, có thể không cần ăn trưa, dù bữa trưa trong chuyến du ngoạn rất cần thiết (kinh nghiệm này rất cần cho các du khách chỉ đi đến Florence Falls mà thôi).
Tại địa điểm thông tin đơn giản này chúng tôi đã có dịp xem một số gò mối cao gần 2 mét, bị vài con mối bay tới chích vào chân dưới trời nắng nóng trên 35 độ C nên khi đi ngang qua khu vực có biển hướng dẫn Magnetic/ Cathedral Termite Mounds chúng tôi không ghé xem. Tôi nghĩ khu đó có nhiều gò mối nằm san sát nhau trông giống như những bia mộ trong nghĩa địa và có thể có những gò mối cao hơn với những hình thù khác nhau nên mới trở thành địa điểm du lịch.
Tuy không thấy những gò mối hình dạng như các nhà thờ chính tòa (cathedral) nhưng dọc đường thấy rải rác vô số gò mối trông giống hình người, vợ chồng ôm nhau, cặp song sinh…
Vào trong công viên, đường rất vắng, hình như chỉ gặp một hai chiếc xe. Từ đây điện thoại không còn bắt được làn sóng nên có vài người trong chúng tôi bắt đầu sợ… Sợ lỡ xe bị hư giữa đường, có vài chai nước nhưng thức ăn thì sao? Sợ không gọi được ai để thông báo vì chẳng thấy chiếc xe nào chạy theo mình hay chạy ngược chiều. Sợ phải ngủ lại giữa rừng!
Nhưng rồi chúng tôi đã tới Buley Rockhole và thấy vài du khách trong bãi đậu xe. Thế là mọi người mới bắt đầu nói về nỗi “sợ” để trong bụng. Cá nhân tôi nói chỉ sợ tai nạn vì có đoạn cho phép chạy 130 cây số và được biết Darwin đang có chiến dịch thổi nồng độ rượu trong mùa Giáng sinh và Tết dương lịch (đi mua rượu bia, dù tóc bạc cũng phải trình thẻ chứng minh ID có hình do nạn uống rượu bia ở Darwin).
Lần đầu tiên chuẩn bị cho một chuyến tắm suối (thác) nên chúng tôi khá nô nức. Xem bảng chỉ dẫn, thấy ghi xuống suối cách khoảng 300 mét. Có phòng thay áo quần và phòng vệ sinh sát bãi đậu xe.
Bây giờ tôi mới hiểu chữ rockhole, có nghĩa là cái hố giữa đá hay bằng đá, có dòng suối chảy qua và có đoạn đá cao tạo cảm giác như là một cái thác nhỏ. Du khách muốn hiểu sao cũng được. Nước chảy không mạnh, có nhiều hố (hay hồ nhỏ) nước cạn nên tôi thấy có nhiều ông bà lớn tuổi trầm mình dưới nước.
Mới thấy cảnh suối là thích ngay, nhưng chúng tôi không tắm ở đây vì hố nhỏ và nước chảy yếu. Ngắm cảnh chụp hình một hồi, chúng tôi trở lại xe để đi thác Florence Fall. Trên đường ra bãi đậu xe, tôi thấy những bảng quảng cáo và hướng dẫn cho biết từ Buley Rochhole tới Florence Falls có lối đi bộ (track/ đường mòn), đi và trở về chỗ cũ đường dài 3.2 cây số và mất khoảng một tiếng rưỡi. Cũng có hướng dẫn đi bộ xem thắng cảnh quanh hố nước suối này.
Vì gần như thế, nên chỉ lái thoáng là tới bãi đậu xe của Florence Falls. Nhìn vị trí, chúng tôi đoán ngay từ bãi đậu xe xuống thác nước khá xa, khoảng một cây số gồm cả đi xuống cầu thang. Sau này khi phải đi ngược lên, chúng tôi mới được biết cầu thang này có khoảng 150 bậc, nhưng đi giữa thiên nhiên mát mẻ, cảnh đẹp và có những decking để dừng chân hay ngồi nghỉ, nên chẳng mệt chút nào so với các bậc thang xoắn ở các tháp nhà thờ!
Nếu vì lý do gì mà du khách không thể xuống tận thác Florence, họ có thể đứng ở bục platform (look out/ vọng cảnh) gần bãi đậu xe để ngắm cảnh, có thể nhìn thấy trọn vẹn hai thác nước chảy từ trên cao xuống dưới hồ nước.
Nếu bạn khỏe mạnh và thích tìm hiểu, trải nghiệm tắm suối thiên nhiên, “suối tiên” như anh bạn Nguyễn Tân Hải gọi, thì hãy cùng chúng tôi bước xuống bậc thang đầu tiên. Cứ chừng mười bậc thang, sẽ có một bục bằng phẳng (platform/ decking) vì vậy bạn sẽ không cuồng chân như khi đi lên các tháp của lâu đài hay tháp chuông nhà thờ. Các cầu thang gỗ này xây rất an toàn với thành sắt để du khách vịn. Từ trên núi cao nhìn xuống vực sâu, khung cảnh rất lý tưởng để chụp hình. Ở một vài đoạn, có ghế dài để du khách nghỉ dưỡng sức. Và cuối cùng, bạn đã đi hết chiếc cầu hơn một trăm bậc, bắt đầu nghe tiếng nước chảy róc rách và thấy chiếc cầu gỗ bắt ngang con suối nhỏ.
Ở đây có bảng chỉ dẫn với mũi tên chỉ hướng đi: 4WD Campground 30 minutes return. Lookout & Carpark mà tôi nghĩ đấy là bảng chỉ dẫn cho những người rời Thác Florence.
Tôi đoán có thể nước suối này từ Buley Rockhole chảy tới Thác Florence. Ðây là mùa mưa (The Wet) nên nước chảy mạnh nhờ thế mới thấy được vẻ đẹp hùng vĩ hay thơ mộng của thác nước đôi mà chúng tôi đang đi tới.
Ði một đoạn trong rừng cây, chúng tôi thấy cái hồ lớn và tiếng nước chạy mạnh. Trước khi bước xuống nước, tôi đọc bảng hướng dẫn an toàn dưới nước:
“Coi chừng: đá và thân cây ngầm, những mặt bằng trơn trượt, nước sâu và những dòng nước ngầm chảy mạnh ở đây. Các tai nạn đã gây nên thương tích và chết chóc.
– Hãy bước xuống nước một cách cẩn thận.
– Không được nhảy hay phóng đầu xuống từ các tảng đá hay cây cối.
– Không được trèo lên các vách đá.
– Hãy coi chừng chỗ nước sâu và dòng nước ngầm.
Khi tôi viết bút ký du lịch này thì được biết có một người đàn ông đã chết khi tắm ở hố của thác nước trong công viên quốc gia Grampians ở Tiểu bang Victoria của Úc dịp lễ Giáng Sinh. Nên tôi nghĩ đấy là những lời cảnh báo hữu ích cho du khách, nhưng đáng lẽ họ cũng nên cảnh báo về rắn nữa. Bởi khi tôi đặt cái ba-lô xuống bãi đá thì cách đấy chừng hai mét cạnh một đôi dép của một du khách nào đó, lòi ra cái lưng của một con rắn to bằng ngón chân cái. Một vài du khách chạy tới xem. Có anh thanh niên dùng chiếc dép đánh vào lưng con rắn khiến tôi la lên “đừng đánh rắn, rất nguy hiểm!”.
Rắn chỉ tấn công người khi nó bị tấn công hay vô tình bị ai đạp lên nó. Nhưng con vật này cựa quậy một lát rồi biến mất trong các hốc đá, còn tôi thì lo chuẩn bị nhảy xuống hồ nước bởi thấy nước trong vắt, quá đẹp dưới thác nước chảy từ trên cao ở vách đá hùng vĩ, choáng ngộp. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi tắm ở hồ nước thiên nhiên đẹp như thế, có lẽ còn đẹp hơn tắm ở Ngũ Hồ trên núi Bạch Mã (Phú Lộc – Huế) khi tôi còn là một cậu học sinh tiểu học.
Anh Hải xuống tắm trước và không ngơi khen nước mát, thơm, có thể uống được. Nước trong vắt nên từ trên bờ chúng tôi có thể thấy những đàn cá mà tôi đoán là baramundi nhởn nhơ trước khách lội nước. Nhà tôi phải cẩn thận bước trên những phiến đá trơn để đến gần bầy cá khá to, khác với đàn cá khi lặn ở biển san hô tại thành phố Cairns. Chúng tôi may mắn tắm ở đây vào mùa mưa nên hồ có nhiều nước, thác chảy mạnh, lại gặp ngày trời nắng đẹp. Cũng được may mắn khác, trong hồ lúc đó không quá mười người nên không khí tĩnh mịch. Tôi nói với mấy người bạn nếu lúc này mà có chừng 100 du khách cùng xuống tắm thì cái hồ thơ mộng này chẳng khác hồ bơi công cộng ở thành phố.
Dù không mang theo thức ăn trưa nhưng chúng tôi đã tắm ở đây trong vòng 2 tiếng rưỡi đồng hồ, có lúc chỉ còn 4 người chúng tôi, cho đến khi có một nhóm gia đình di dân trên mười người đến tắm. Nếu biết trước và chuẩn bị ít thức ăn mang theo, có lẽ chúng tôi sẽ tắm cho đến chiều mới trở về thành phố.
Trong chương trình thời sự hàng tuần sau đó, khi nói về chuyến du lịch ngắn ngủi mấy ngày và cũng là cách để giới thiệu thắng cảnh nước Úc với mọi người khắp năm châu, Luật sư Hải đã nói như sau:
“Chỗ mà tôi nghĩ sẽ ghi nhớ trong đời tôi là đó là thăm thác nước Florence Fall, tôi thấy là chỗ hay nhất bởi vì hai dòng thác chảy từ trên xuống và đồng thời ở dưới có thể bơi lội được nữa. Và ở dưới toàn là cá, cá baramundi. Phong cảnh thơ mộng và khi bơi ở đó, tự nhiên tôi cảm thấy khỏe vô cùng, có lẽ vì nước hay vì không khí không ô nhiễm. Và tôi thấy tôi bơi mạnh hơn là bơi ở swimming pool ở đây”.
Cá nhân tôi sau hơn hai tiếng ngâm mình dưới nước suối, tôi thấy người sảng khoái, yêu đời, thích có thêm những chuyến du lịch du ngoạn như thế này. Bạn đọc hỏi tôi so với chuyến du lịch ở Cairns vừa qua, tôi thích nơi nào hơn, thì quả thật tôi khó trả lời. Cairns có cái đẹp của thành phố biển và lặn ở biển san hô đẹp nhất và lớn nhất thế giới sẽ khác với tắm suối thác trong rừng nguyên sơ của Darwin. Nhưng nếu bạn chưa đi cả hai nơi, tôi gợi ý bạn nên đi Darwin trước (trong mùa wet/mưa này) vì theo tôi nghĩ, thác chỉ đẹp hơn khi có nhiều nước chảy.
Và cũng xin lưu ý bạn đọc, theo tập chỉ dẫn du lịch Tourism Top End ấn bản năm 2018/ 2019, nội trong công viên quốc gia Litchfield mà thôi, có gần hai mươi địa điểm du lịch cắm trại mà chúng tôi và vợ chồng anh bạn Nguyễn Tân Hải mới chỉ đi được vài nơi trong ngày như đã kể trong bài viết này.
Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 27.12.2018
* Mời quý độc giả đón xem bút ký kể chuyện đường xa (du lịch Bắc Mỹ) trong những số tới.