Ngân hàng Trung ương châu Âu đã rót hơn 2.500 tỉ euro để mua trái phiếu nhằm hỗ trợ một số quốc gia sử dụng đồng euro đang gặp khó khăn
Trong bối cảnh thị trường quốc tế hỗn loạn, với tác động lớn đến từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nền kinh tế khu vực đồng euro nhìn có vẻ như là một trong số ít nền tảng vững chắc của hệ thống tài chính toàn cầu. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ chưa giải quyết được ở Ý, đồng tiền mạnh thứ hai thế giới – sau đồng USD – dường như vẫn không suy suyển.
Tuy nhiên, đó cũng có thể là ảo tưởng, tương tự thời gian dài ổn định từ lúc đồng euro trở thành đồng tiền chính thức vào năm 1999 đến khi bắt đầu cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cuối năm 2009. Rốt cuộc, liên minh tiền tệ này vẫn mang nhiều lỗ hổng cấu trúc cơ bản, đe dọa làm suy yếu đồng euro một lần nữa nếu khủng hoảng bất ngờ xảy ra như cách đây 10 năm.
Một số nước như Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… vẫn rất dễ tổn thương trước những cú sốc bên ngoài và đầu cơ trên thị trường trái phiếu. Khu vực đồng euro bị chia rẽ một cách nguy hiểm giữa kẻ thắng và người thua, ít cơ hội để chỉnh sửa sự mất cân bằng trong một sớm một chiều. Ulrike Herrmann, nhà báo kinh tế người Đức và là tác giả của một cuốn sách viết về khủng hoảng euro, từng bình luận: “Chuyện 19 quốc gia dùng chung một loại tiền tệ nhưng có 19 trái phiếu chính phủ khác nhau và thị trường lao động khác nhau với chênh lệch tiền lương lớn là điều bất khả”.
Ở một quốc gia có cấu trúc liên bang với một số bang có kinh tế thay đổi từ năm này sang năm khác – một số tốt hơn, một số tệ hơn, các định chế liên bang giúp cân bằng sự bất bình đẳng. Làm được điều này đòi hỏi một định chế được trao những quyền lực liên quan. Đối với Liên minh châu Âu (EU), đó chính là ECB.
Cuộc khủng hoảng đang đe dọa khu vực đồng euro xuất phát từ tình trạng thiếu vắng các cơ chế như thế. Các nền kinh tế ở Nam Âu hiện chưa thể cạnh tranh với các cường quốc phía Bắc châu Âu trong thị trường xuất khẩu. Ngày nay, họ cũng không thể điều chỉnh lãi suất và giá trị tiền tệ như khi còn đồng tiền riêng trước đây. Một động thái như thế làm cho hàng xuất khẩu rẻ hơn và duy trì nợ trong tầm kiểm soát. Trong những năm 2000, họ vay tiền để bù đắp tổn thất. Khi quy mô khoản nợ bị phơi bày – cùng với tình trạng mất khả năng trả nợ – diễn biến trên thị trường trái phiếu chống lại họ, khiến các khoản nợ gia tăng và đẩy các quốc gia gặp khó đến gần bờ vực vỡ nợ.
Nhiều biện pháp đã được thực hiện để giải quyết tình trạng mất cân bằng này, đồng thời gắn kết các nền kinh tế của khu vực đồng euro với nhau nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra thêm bất ổn thời gian tới. Vai trò và quyền hạn của ECB giờ đây được gia tăng, cho phép họ can thiệp chủ động hơn. Thông qua một quỹ giải cứu, ECB đã rót hơn 2.500 tỉ euro để mua trái phiếu nhằm hỗ trợ một số quốc gia sử dụng đồng euro đang gặp khó khăn.
Tuy nhiên, các đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về những công cụ chi tiêu chung nhằm tạo ra sự thống nhất trong liên minh tiền tệ này gần như không đi đến đâu. Trong chiến dịch tranh cử năm 2017, ông Macron kêu gọi chuyển giao các nguồn lực và sức mạnh kinh tế từ cấp quốc gia sang cấp khu vực đồng euro. Một chiến thắng nhỏ dành cho nhà lãnh đạo Pháp (và toàn bộ khu vực đồng euro) là sự ra đời của ngân sách chung dành cho khu vực này. Dù vậy, với quy mô khiêm tốn – ít hơn nhiều so với con số hàng trăm tỉ euro mà ông Macron hình dung – ngân sách chung này sẽ không có vai trò quá đáng kể. Đó là chưa kể vẫn chưa có sự đồng thuận về cách sử dụng ngân sách này.
Một lần nữa, những nước bảo thủ về tài chính cản trở chương trình bảo hiểm thất nghiệp hoặc mô hình bảo hiểm tiền gửi. Đức và Hà Lan – được sự ủng hộ của một số quốc gia Bắc Âu – tuyên bố không đóng góp thêm cho việc bù đắp “những bước đi sai lầm” của các nước khác. Tất cả điều đó có nghĩa cuộc khủng hoảng nợ tiếp theo hoặc một thảm họa khác sẽ ảnh hưởng tới các nước có thu nhập thấp hơn, chủ yếu ở Nam Âu.
EU và đồng euro không thể biến thành trò chơi trong đó Đức và các nước láng giềng phía Bắc của họ luôn giành chiến thắng vì họ đưa ra luật lệ. Các nước Bắc Âu vốn mạnh về xuất khẩu đang hưởng lợi nhiều từ đồng euro trong lúc Nam Âu lại chịu tổn thất từ nó.
Đức mạnh tay đòi hỏi các biện pháp thắt lưng buộc bụng dành cho Ý và các nước khác vì lý do họ vi phạm các giới hạn nợ hiện tại. Trong khi đó, bản thân nước Đức đã vượt quá mức trần về các thặng dư trong nhiều năm qua. Vì thế, đã đến lúc cung cấp cho khu vực đồng euro “loại thuốc” cần thiết – một phương pháp điều trị sẽ mang lại lợi ích cho mọi người.
Theo NLĐ