Thủ tướng Malcolm Turnbull (phải) và Phó Đô đốc
Timothy Barrett (trái) sau khi công bố Pháp đã trúng
thầu ở Nam Úc. Photo Courtesy: The Australian.com.au
Qua báo chí chính thống, Bắc Kinh đe dọa sẽ “tăng cường khả năng phản công” nếu quyền lợi của Trung Quốc bị Úc sử dụng hạm đội tàu ngầm tàng hình mua của Pháp “xâm hại”.
Tuyên bố này của Bắc Kinh đưa ra chỉ sau một ngày Thủ tướng Úc công bố chọn nhà thầu DCNS của Pháp để chế tạo 12 tàu ngầm nhằm thay thế hạm đội tàu ngầm đã lỗi thời của Hải quân Hoàng gia.
Theo truyền thông Úc đưa tin, 12 chiếc tàu ngầm này có thể sử dụng cả hai loại năng lượng diesel và điện, dài 97 mét, đó là loại tàu ngầm được DCNS đóng riêng cho Úc và đặt tên là Barracouda.
Theo chính phủ Úc, đây là việc chuyển giao kỹ năng và công nghệ. DNCS thiết kế, nhưng 12 chiếc tàu ngầm Barracuda sẽ được lắp ráp tại Adélaide ở miền nam nước Úc, tạo ra 2,800 việc làm. Và những chiếc tàu ngầm này sẽ được đóng bằng thép của Úc. Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố: “Đây là một ngày trọng đại cho Hải quân Úc, đồng thời cho nền kinh tế Úc trong thế kỷ 21”.
Để sở hữu 12 chiếc tàu ngầm này, Úc phải chi ra một số tiền không nhỏ đó là 50 tỷ Úc kim, nhưng cần thiết, vì mang tính chiến lược. Canberra sẽ khẳng định sức mạnh của mình ở Thái Bình Dương, và sát cánh với Mỹ vào lúc căng thẳng đang dâng cao tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc Phòng Úc nói: “Tàu ngầm là công nghệ mang tính chiến lược đối với Úc, mang lại những lợi thế quan trọng, trong bối cảnh phức tạp trên biển của khu vực. Từ nay cho đến năm 2035, khoảng phân nửa các đội tàu ngầm trên thế giới sẽ gặp gỡ nhau ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Úc sẽ trang bị hệ thống chiến đấu của Mỹ cho các tàu ngầm mới do Pháp đóng”.
Ngay sau khi thông tin này được phát đi, Thời báo Hoàn cầu, một phụ trang của tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải một bài xã luận chỉ trích thương vụ mua sắm tàu ngầm của Úc.
Bài xã luận có đoạn viết: “Canberra cần biết rõ rằng chương trình trang bị tàu ngầm của Úc nằm trong ván cờ địa chính trị tại châu Á-Thái Bình dương và sẽ được sử dụng trong cuộc phân tranh chiến lược tại khu vực”. Bắc Kinh cho rằng, thương vụ này sẽ giúp “tăng cường sức mạnh chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và tác động tiêu cực đến an ninh chiến lược của Trung Quốc”.
Thời báo Hoàn cầu cũng hối thúc các đồng minh của Mỹ không tranh chấp hàng hải (ở Biển Đông) và với Úc thì nên tránh để “bị các thế lực bên ngoài lôi kéo vào vấn đề tranh chấp”.
Tờ báo đe dọa: “Nếu tàu ngầm Úc tham gia gây sức ép quân sự, thì Trung Quốc buộc phải trả đũa, triển khai sức mạnh phản công và cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho quyền lợi của Úc”. Tờ báo cũng nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa Úc với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất.
Tổng hợp