Giáo sư Tử Vi Gia Thiên Phúc
Xem phong thủy một căn nhà ở hay một cơ sở thương mại cũng thế, trước hết phải dùng la bàn xác định chính xác phương vị. Chúng ta chỉ đơn giản nói đến bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Nhưng căn cứ vào tuổi của gia chủ phải phân biệt cụ thể tám hướng chính là: Chính Bắc, Đông Bắc, Chính Đông, Đông Nam, Chính Nam, Tây Nam, Chính Tây, Tây Bắc. Mỗi phương vị là 45%. Trong phương vị học lại có thể chia 8 phương vị này thành 24 phương vị nhỏ hơn để ứng dụng. Rồi căn cứ gia trạch nằm hướng nào mà đoán định cát hung mới thật chính xác.
Trước hết phải xác định địa điểm trung tâm trong nhà. Rồi đứng tại đó, dùng la bàn địa lý xem xét phương vị mới thật chính xác. Hình dạng cơ bản của gia trạch nếu vuông vức là tốt. Phòng ngủ chủ tĩnh nên lấy hình vuông làm chính. Phòng khách là động, nên hình dạng không bị câu thúc, có thể là tròn. Trong nhà, mầu sắc đừng nhạt quá, phối hợp với các đồ đạc trong gia đình mầu đậm. Nếu tất cả đều mầu nhạt, thì con người sống ở đó sinh ra lạnh lùng không tốt.
Sau đây là những điều cần chú ý trong nhà:
- Trong nhà, nền nhà phải bằng phẳng.Ở mọi chỗ như phòng ngủ, phòng tắm, nhà bếp, lối đi không được lồi lõm lên xuống dễ bị vấp váp té ngã.
- Nhà ở trong phạm vi diện tích 100 mét vuông, tốt nhất không nên dùng kiểu cửa vòm khung tầu vò.
- Trần nhà kỵ dùng tranh ảnh, họa đồ có đường nét hình vuông, đường thẳng.
- Mầu sắc của trần nhà phải nhạt hơn so với mầu bốn bức tường chung quanh.
- Bất luận quán ăn, quán trọ, phòng ngủ kỵ bố trí các vật kiểu hình tròn như chậu cảnh, gương soi, bàn trang điểm đều nên dùng hình vuông hoặc chữ nhật, bởi hình tròn chủ về “động” không tốt. Phòng ngủ nên tĩnh, không nên động.
- Trong cùng một căn phòng, nếu có cửa hai cánh đại kỵ mở sang hai bên; tốt nhất là mở cùng về một bên.
- Phòng vệ sinh kỵ liền với nhà bếp, hoặc đối diện với nhà bếp.
- Kỵ dùng hai vòi nước mở về hai phía.
- Bếp ga không được đối diện với đầu vòi nước.
- Cửa phòng ngủ không đối diện thẳng vào tắm.
- Trong phòng ngủ, không nên có gian phụ làm toilet, để bảo đảm hình vuông hoặc hình chữ nhật. Nếu có toilet phải là gian riêng ở bên ngoài.
- Giường ngủ kỵ đối diện với cửa.
- Phòng ngủ nên là hình vuông tốt. Tối kỵ hình chữ nhật hẹp và dài.
- Các cửa sổ trong cùng một phòng ngủ có độ cao như nhau.
- Phòng ngủ lấy tĩnh làm chủ. Tĩnh thuộc “Ngẫu” vợ chồng là “phối ngẫu” nên phải lấy hình vuông làm chủ. Vị thế phòng ngủ không nên có cửa sổ hình tròn. Kỵ có cột hình trụ, bán trụ, bàn cũng tránh hình tròn.
- Trong phòng ngủ, tuyệt đối không bố trí thành hình tròn.
- Phòng ngủ dù lớn hay nhỏ, hình chữ nhật hay hình vuông không được có hình thức (xéo, vát, chếch). Gương trên bàn trang điểm không nên đối diện với giường nằm.
- Trần phòng ngủ không nên trang trí thêm; trần nhất thiết phải “Thanh” không nên có vật trang trí hoặc lồi lõm.
- Phòng khách nhìn phải xuyên suốt, tầm nhìn không bị che ngắn.
- Thảm chùi chân phải đặt ở bên ngoài cửa.
- Dọc lối đi hai bên vào nhà không nên bày các chậu câycảnh cao, to khiến người ta có cảm giác bị trấn áp, thiếu thoải mái.
- Không nên có bình phong che kín lối đi vào cửa chính.
- Phòng khách không dùng các vật phản quang.
- Cửa phòng khách kỵ đối diện với cửa sổ phòng khác.
- Phòng khách đại kỵ có cầu thang cuốn.
- Phòng khách chỉ nên có một bộ salon. Tối kỵ chỉ có nửa bộ hoặc một bộ mà cọc cạch.
- Nhà có hai phòng khách, thì diện tích hai phòng phải một lớn, một nhỏ. Phòng lớn ở đằng trước, phòng nhỏ ở phía sau. Kỵ trước nhỏ, sau lớn.
- Bếp ngày nay thường là bếp ga, nên đặt cùng phía với ông dẫn nước.Kỵ đối diện với hướng cổng hoăc cửa lớn. Nếu hai bên bếp ga đều có vòi nước, thì gọi là qủe Ly (Nhị âm nhất dương” tối kỵ.
- Qủe Khảm có thể được, nếu hai bên kê hai bếp ga, còn vòi nước ở gi74a là quẻ Khảm thì được.
- Bếp kỵ đặt cạnh phòng ngủ, phòng vệ sinh hoặc cạnh bàn thờ.
- Gian bếp tối kỵ lộ thiên.
- Bếp lò ga không nên đối diện với đường ống nước.
- Nhà bếp tối kỵ bố trí phía trước cửa nhà hoặc phía trước phòng khách.
- Nên bố trí nhà bếp ở nửa phía sau của toàn ngôi nhà.
- Nhà bếp kỵ bố trí thành hình tròn hoặc hình bán nguyệt.
- Trong nhà không nên bày quá nhiều đồ đạc hình tam giác.
- Vừa bước vào nhà đã thấy bếp, thấy nhà vệ sinh thì chín phần mười là thất bại.
- Phòng vệ sinh ở giữa nhà là tối kỵ. Đó là cách “uế xứ trung cung” của Dương trạch.
- Phòng khách và nhà bếp không nên quá gần nhau, phòng ăn không nên quá xa nhà bếp.
- Không làm liền ba cửa vòm thành một đường thẳng, gọi là cách “xuyên cung” tối kỵ.
- Nhà hình vuông mới dùng cửa vòm được.
- Cổng chỉ nên mở vào phía trong; ngụ ý nghênh tiếp khách.
- Ngoài cửa, cổng, nếu có tượng sư tử hoặc kỳ lân nên đặt quay mặt ra ngoài ngụ ý nghênh tiếp.
- Nhà ở đang hưng thịnh dần, không nên dời đi nơi khác.
- Nhà trước hẹp sau rộng là cát trạch, ở tốt. Nhà trước rộng sau hẹp là hung trạch ở không tốt.
- Nhà ở hai bên có đường đi là hung trạch, ở không tốt.
- Nhà sau lưng có núi là cát trạch ở tốt. Nhà đối diện nơi núi lớn án ngữ là hung trạch, ở không tốt.
- Nhà mà bốn phía xung quanh bằng phẳng là cát trạch, vạn sự an khang ở tốt.
- Nhà ở vị trí thấp hơn mặt đường là hung trạch, ở không tốt dễ gặp thủy họa.
- Nhà ở cuối ngõ cụt, hẻm cụt là hung trạch, ở không tốt.
- Phòng ngủ của nữ, tối kỵ cảm giác cô đơn, lạnh lẽo.
- Phòng ngủ không nên lát đá trắng khiến có cảm giác trống trải.
- Không nên nằm giường sắt vì lạnh và cứng thiếu sự ấm cúng.
- Nhà hẹp và sâu dễ sinh cảm giác cô đơn, thiếu chỗ dựa.
- Phòng khách quá rộng cũng sinh cảm giác lạnh nhạt.
- Nền nhà phải cao hơn đất bằng, phía trước nhà cần có khoảng trống tốt.
- Bàn có hai cái, một tròn một vuông gây cảm giác “khô” không muốn ngồi lâu.
- Cửa vòm, cửa cuốn dù ngoại thất hay nội thất đều phải tròn trịa, không được khuyết méo.
- Vật trang trí trong nhà kỵ lấn át nhau.
- Nhà to rộng mà ít người, huynh đệ bạc bẽo ít vui.
- Nhà ở bên cầu lớn, bán cát bán hung trạch, dễ gặp tranh chấp. Nếu ly tổ lập nghiệp thì “tiền bần hậu phú”.
- Nhà gần bãi rác là hung trạch ở không tốt.
- Nhà ở gần chợ, khu hành chánh, công viên, trường học là cát trạch, ở tốt, là nơi cư trú lý tưởng.
- Trước nhà có con đường hình chữ xuyên là hung trạch, ở nhà này dễ gặp tai họa, nghèo khó suốt đời.
- Trước nhà có ngôi nhà hoang đổ nát là hung trạch, ở không tốt, khó được yên ổn.
- Nhà mà phía trước có cây chĩa hai cành lên trời là hung trạch, ở không tốt tai họa liên miên.
- Trước nhà có cây lớn rỗng ruột là hung trạch, không nên ở nghèo mạt.
- Nhà ở sát bờ sông là hung trạch, ở không tốt, khó được bình yên.
- Phía sau nhà có dòng chảy lung tung là hung trạch, ở không tốt, càng ở lâu càng khốn cùng.
- Trước nhà, ở phía xa có ao hồ hình tròn là cát trạch, ở nhà này gia đình càng ngày càng thịnh vượng.
- Nhà đối diện với miếu thờ thần là hung trạch, ở không tốt.
- Cổng nhà nhìn ngay ra ngã tư là hung trạch, ở không tốt, mọi việc khó khăn.
- Nhà mái ngói bị vỡ nát, gia trưởng bất lợi, ở không tốt.
- Mái nhà mọc rêu trắng là hung trạch, ở không tốt, mọi việc khó khăn.
- Nhà hư nát, bị nghiêng về cửa bên tả hay sinh kiện tụng.
- Tường rào xung quanh nhà bị đổ vỡ, nghiêng vào phía trong là hung trạch, gia đạo suy đồi, phải sửa gấp.
- Nhà nằm ở đất nghịch gọi là gia tướng bất giai, ở không tốt dễ gặp họa hại.
- Ở mỗi tầng lầu, nếu trải thảm nên dùng cùng mầu sắc giống nhau.
- Trong phòng ngủ, theo nguyên tắc phải lấy “ấm và nhu” làm chủ, tránh lạnh, cương. Vì vậy ít dùng vật phảm bằng kim loại như tủ sắt, giá sắt.
- Phòng ngủ cấm kỵ đặt bàn thờ.
- Nhà bên tả ngắn, bên hữu dài là cát trạch, ở tốt.
- Nhà bên tả dài, bên hữu ngắn là hung trạch, ở bất lợi, khó khăn.
- Nhà mà bốn bề có giao lộ hung trạch ở không tốt. Nếu không tán tài thì cũng dễ mất mạng.
- Nhà mà ở giữa lòng chảo, bốn bề cao là cát trạch ở tốt.
- Nhà bên cạnh bến đò, bến phà là hung trạch ở không tốt.
- Nhà ở giữa chợ là bán cát bán hung, chỉ người làm ăn buôn bán có lợi, còn mọi mặt khác đều dở, luôn luôn có sự phiền muộn.
- Nhà trơ trọi trong vòng hai dặm không có nhà cửa nào khác là hung trạch. Ở nhà này dễ bị suy nhược thần kinh, bệnh hoạn, lôi thôi.
- Mầu sắc của nhà ở trên nguyên tắc lấy mầu nhạt làm chủ yếu, sau mới phối hợp với mầu đậm của các vật dùng thì hợp gia bình an.
- Trong một phòng, không nên mở cả hai cửa cùng một lúc khiến người ngồi bên trong tâm thần bị phân tán.
- Nhà ở không được làm ở cửa ngõ ra vào trên sườn núi hoặc thung lũng.
- Nhà ở nên có bãi trống ở mặt Nam khi xây cất trên một khu đất rộng.
- Cổng nhà ở đối diện với góc nhà người khác không tốt.
- Mặt bằng của nhà ở phải trước cao sau thấp, không được sau cao trước thấp.
- Cầu thang đặt chính giữa nhà không tốt.
- Nhà quá to, nhân khẩu quá ít, không tốt.
- Khi xây cất nhà mới, cần chọn ngày, giờ, phương hướng mà động thổ.
- Kích thước cửa (cổng, cửa ra vào, cửa sổ) độ cao thấp của nhà ở đều phải theo một tiêu chuẩn nhất định, không được trái với Dương trạch lục sát.
- Khi dọn đến ở nhà mới phải chọn kỹ ngày giờ nhập trạch.
- Chủ nhà sinh năm nào, thuộc quẻ gì, tất nhà phải thuận theo “quái” vị ấy.
- Điều phối mầu sắc, sắc thái (mầu sắc, tranh ảnh) phòng khách nên sáng sủa, phòng ngủ có độ sáng dìu dịu.
- Năm nào xây cất tốt, năm nào kiêng kỵ phải tránh. Kim lâu thân, thê và tử tôn di hại về sau. Phải xem vào Chiêm Thiên Tuế tạo trạch cát hung.
Trên đây, chúng tôi trích tuyển 101 điều cấm kỵ trong 1001 điều cấm kỵ được sao chép trong cổ thư Hán Nôm của tiền nhân mà ngày nay cũng thấy ở nhiều quyển sách Phong Thủy hiện đại Việt, Anh, Pháp, Đức ngữ xuất hiện ngày càng nhiều. Riêng những sách chữ Hán về phong thủy được in ấn ở Đài Loan, singapore và nội địa Trung Quốc từ 17 năm nay sưu tập được trong tủ sách gia đình lên đến trên dưới 1000 quyển đủ loại. Sách phong thủy viết bằng Anh, Pháp ngữ rất phong phú và đa dạng của các tác giả gốc Trung Quốc như:
– Le Manueal du Feng Shui của Maitre Lam Kam Chuen.
– Feng Shui comment vivre heureux & en bonne santé dans sa maison & son jardin của Chao-Hsiu- Chen.
– Feng Shui The Ancient Wisdom of Harmonious Living For Modernn Times của Eva Wong.
– The Feng Shui Anthology Contemporary Earth Design của Jami Lin.
– Amazing Scientific Basic of Feng Shui của Dr. Ong Hean – Tatt Ph.D.
– Le Guide Illustré du Feng Shui của Lilliam Too v.v…
Nhìn chung các loại sách phong thủy của các tác giả gốc Trung Quốc và các tác giả Âu Mỹ có cách nhìn khoa học giúp cho độc giả hiểu rõ về nội dung hơn các sách cổ thư Trung Quốc tối nghĩa và khó hiểu. Tuy nhiên cho tới nay, bộ sách gồm 15 tập với tựa đề Hiện đại Cư Gia Biện Công Phong Thủy Toàn Thư của Lý Nhân Khuê chủ biên ấn hành tại Đài Bắc, Taiwan tháng 9 năm 1987 mà chúng tôi có trong tay vẫn được coi là bộ sách có giá trị thực dụng chưa có tác giả nào qua mặt được! Nó vẫn được coi là bộ Bách Khoa toàn thư dùng làm tài liệu tham khảo chuyên khoa có giá trị thực tiễn. Chúng tôi tạm thời trích tuyển 101 điều cấm kỵ này giúp độc giả mau chóng nhìn ra bí quyết huyền cơ của môn học có tính cách bí truyền này. Nhưng cũng xin thưa ngay với những điều cấm kỵ này vẫn còn nhiều điều cấm kỵ tối nghĩa hoặc vô lý như: Phong thủy dạy rằng “Ao trước nhà có góc nhọn chĩa vào cửa, dễ bị ốm đau”.
Nhận xét: Ốm đau không liên quan đến góc ao. Điều cấm kỵ này có sự vô lý? có vẻ huyền hoặc vậy! Nhưng điều cấm kỵ rằng: “Nhà ở không được làm trên giếng cũ”. Nhận xét: Giếng cũ thường là đất mới san lấp nên không vững chắc, rất dễ bị lún, đổ nhà dễ dàng. Giếng cũ có khi thoát địa khí hoặc rỉ nước mạch, bất lợi cho người cư ngụ ở đó. Xung quanh giếng nước cũ, nói chung, ẩm ướt, người ở đó dễ bị bệnh phong thấp. Điều cấm kỵ sau có thể tin được vị hợp lý.
Thực ra thì phong thủy có nhiều điều rất thực dụng và hợp lý. Nếu có những điều cấm kỵ không hợp lý, chúng ta cần suy nghiệm hư thực ra sao rồi mới tin. Do đó hàng nghìn điều cấm kỵ được bí truyền trong sách vở có điều đúng, có điều sai, nên chúng ta phải thận trọng kẻo nhắm mắt tin bừa dễ dẫn đến mê tín dị đoan lại không hay.
Sau hết lại còn những điều rất bí hiểm, phải giải thích đầy đủ mới hiểu được ý nghĩa đích thực của điều cấm kỵ ấy. Thí dụ như điều cấm kỵ 101 dạy rằng: “Năm nào xây cất tốt, năm nào kiêng kỵ phải tránh kim lâu thân, thê và tử tôn? Hoặc phải xem vào Chiêm Thiên Tuế Tạo trạch cát hung” Để giải thích điều cấm kỵ này, chúng ta phải biết cách tính Kim lâu xem năm bao nhiêu tuổi xây nhà thì phạm vào Kim lâu thân, kim lâu thê, kim lâu tử tức và kim lâu lục súc rất phức tạp. Một người nam xây cất nhà ở năm 38 tuổi, nếu người đó sinh năm 1963 (Qúy Mão) thì được tuổi làm nhà tốt. Nếu để năm 39 tuổi mới xây nhà thì phạm vào kim lâu thê không tốt. Còn xét về Tuế trạch thì năm 38 tuổi thuộc vào “trạch Đức” xây nhà tốt. Năm 39 tuổi xây nhà lọt vào “Trạch Bại” xấu.
Nhận xét: Điều này khó giải thích mà chỉ do kinh nghiệm thời gian mới chứng minh đúng hay sai được thôi. Có những điều bí hiểm, khi sự việc xảy ra rồi mới tin theo được. Phức tạp là vậy. Lẽ dĩ nhiên chỉ những người làm thầy có nhiều kinh nghiệm mới rõ được bao nhiêu điều đúng, bao nhiêu điều sai? Vì thế người làm thầy còn phải học và tích lũy được nhiều kinh nghiệm mới đáng tin cậy. Thế nào là “Học như Hải dụng như Kim?”
Danh sư nào phải tài hèn,
Hồi sinh khởi tử mới nên thày người.
Quán thông sách vở Đông Tây,
Xuất Kinh nhập Sử có tài chân Nho.
Đi sâu vào phong thủy học thấu hiểu được phải có thời gian và được tâm truyền bởi các bậc danh sư mới hiểu thế nào là “Lộ lương phòng; Lộ tích phòng; Thán hoán phòng; Cô dương phòng; Trung lương phòng; Cổ trương phòng; Xích cước phòng; Lộ cốt phòng” v.v… và v.v… Điều quan trọng là cách giải hóa các điều cấm kỵ trên phải làm sao mới có hiệu nghiệm như người thầy thuốc chữa bệnh vậy. Chỉ đọc sách phong thủy, đem ứng dụng bừa bãi, hoặc thấy nhà người ta treo Bát Quái ở trước nhà cũng bắt chước tương tự mà không hiểu khi nào mới cần treo Bát Quái và còn có nhiều loại Bát Quái mặt kính bằng phẳng, lồi và lõm khác nhau. Phương pháp yểm trấn giải hóa trong thuật phong thủy có nguyên tắc riêng của nó mà mỗi sách mỗi khác nhau thì căn cứ vào đâu biết rõ hư thực đây.
Nào Trần Đoàn, Tử Bình, Tứ Tự
Đọc càng nhiều trí lự hoang mang!
Ngay từ buổi thiếu thời, trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ở miền quê Bắc Việt Nam. Tôi được đi theo Cụ Phúc Lộc Đường, thân phụ tôi vừa chữa bệnh đông y vừa coi địa lý phong thủy, tử vi tại các làng quê nên được thực tập nhìn thấy tận mắt những phong cảnh đẹp kỳ tú của non sông gấm vóc Việt Nam khi được dừng lại ít ngày coi về nhà cửa và mồ mả tổ tiên của các gia đình phú hộ nhiều nơi trong các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam vào đến Ninh Bình, Nho Quan, Thanh Hóa thì lúc đó đã gợi trong đầu óc tôi những suy nghĩ về môn học huyền bí này. Năm 1971 tại Sàigòn Việt Nam, tôi cùng với giáo sư Nguyễn Hữu Lương, tác giả luận văn Kinh Dịch Với Vũ Trụ Quang Đông Phương tại trường Đại Học Văn Khoa, Sàigòn, xuất bản tuần báo Nho Y Lý Số cũng không ngoài mục đích tìm hiểu và học hỏi thêm liên tục đến nay. Tài là phải học, phải thật tinh tường, nhận xét cho thấu đáo mọi vấn đề hư thực và học đến nơi đến chốn mới mong giúp đỡ được tha nhân. Nếu không, không những không mang tốt lành đến cho gia đình người ta, mà còn gây tổn hại có khi không nhỏ đáng kết tội lắm vậy.
Kiến thức về phong thủy qua sách vở nhiều vô tận. Còn nhiều khi có dịp thuận tiện sẽ viết tiếp dài dài không hết.
Nghĩ ta ta đã học thông đâu nào!
Giáo Sư Tử Vi Gia Thiên Phúc
Phone: (514) 342 2809 – Montreal – Canada
Tuần báo Nho Y Lý Số Sàigòn 1971
Tác giả sách Tử Vi Giảng Minh và Câu Chuyện Tử Vi