Trong những ngày qua, nhiều bài viết trên mạng xã hội cho rằng báo chí và một số người ở VN ủng hộ Putin xâm lăng Nga. Như Nhà văn Trần Quốc Quân từ Ba Lan viết:
Nhóm ủng hộ Nga và Putin ở Việt Nam mà nòng cốt là một bộ phận cựu du học sinh Liên Xô, cùng một số dư luận viên cuồng tín ở Việt Nam thì múa bàn phím hô hào quân đội Nga tiến chiếm Ukraine, một nước Cộng hòa hơn 30 năm trước còn là anh em trong đại gia đình Liên bang Xô viết. Một số kẻ còn hung hãn, đòi “làm cỏ” thủ đô Kiev của Ukraine.
Các bài viết về cuộc xung đột Nga – Ukraine của truyền thông được gọi là chính thống ở Việt Nam những ngày qua đa phần ủng hộ Nga và Putin. Có nhiều nguyên nhân. Hoặc là bởi chính sách của tuyên giáo qui định thế, không thể viết khác. Hoặc đó chính là tư duy, nhận thức của người viết thế, không thể viết khác.
Nhưng độc đáo nhất là thái độ của Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch tại Ukraine, theo một bài viết trên BBC sau đây.
* * *
Hai hôm trước cuộc xâm lăng của Nga, Đại sứ VN tại Ukraine, Nguyễn Hồng Thạch vẫn tin rằng “tâm lý xáo trộn là từ Việt Nam sang” và nêu phương án “để bà con sơ tán sang Nga”.
Ông cũng nêu ra ý tưởng “khi cần thì để bà con Việt Nam sơ tán sang Nga”, điều đang được các Facebooker người Việt tại Ukraine cho là “phi lý”.
Trả lời truyền hình Quốc hội VN hôm 22/02 sau khi Nga công nhận CHND Donetsk và Lugansk, ông Nguyễn Hồng Thạch tự tin cho biết:
“Cộng đồng [người Việt] ở ngay Donbass vẫn sinh hoạt rất bình thường, vẫn đi chợ, làm ăn bình thường. Tất nhiên vẫn có tiếng súng nổ, ngay cả khi nói chuyện với tôi, có cộng đồng nói rằng khi nói chuyện với Đại sứ vẫn nghe tiếng lộp bộp ở đằng xa.”
“Tình hình là bà con vẫn làm ăn bình thường, không có gì xáo trộn cả. Và cũng phải nói rằng, nhiều khi tâm lý xáo trộn là từ Việt Nam sang. Ở nhà nhiều khi giục giã quá, khiến bà con bên này hoang mang”.
Ở một đoạn khác, ông nói:
“Và nếu tình hình không diễn biến xấu hơn thì chúng ta không nên quá lo ngại. Tất nhiên ĐSQ vẫn chuẩn bị những phương án trong trường hợp xấu nhất. Chúng tôi cũng đã liên lạc với Đại sứ quán của chúng ta ở Nga.
Trong trường hợp xấu nhất, nhiều khi phương án sơ tán ở Ukraine là khó, thì có thể bà con sơ tán sang vùng của Nga chẳng hạn, thì chúng tôi có chuẩn bị các phương án.”
Một ngày trước cuộc tấn công xâm lăng của Nga, hôm 23/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng:
“Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây xung quanh tình hình Ukraine và kêu gọi các bên kiềm chế, tăng cường nỗ lực đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên toàn thế giới,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.
Về công tác bảo hộ công dân Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng trả lời:
“Về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong những ngày qua đã thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình bà con, đồng thời tích cực xây dựng các kế hoạch để sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Đại sứ quán đã cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin. Theo Đại sứ quán, hiện có khoảng 100 công dân đang sinh sống trong khu vực Donetsk và Lugansk. Tình hình bà con hiện nay cơ bản ổn định.
“Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine.”