Có lẽ nhiều độc giả TiVi Tuần-san không để ý rằng, chương trình tin tức buổi chiều của đài truyền hình SBS lúc nào cũng có ghi câu biết ơn một bộ lạc Thổ dân và những trưởng lão Thổ dân quá khứ và hiện tại. Trong các dịp lễ lạc hầu như các lãnh đạo của Lao động, đảng Xanh cấp liên bang, tiểu bang và thành phố đều nói câu giống đài truyền hình SBS trước khi họ vào đề. Thậm chí, vài lãnh tụ cộng đồng Việt Nam khi phát biểu, nhất là trước cử tọa gồm người Úc và sắc tộc, cũng đọc câu “thần chú” đó giống như rất nhiều người Công giáo nói riêng và Thiên Chúa giáo nói chung đọc Kinh Trước Bữa Ăn (Grace Prayer).
TiVi Tuần-san chưa thấy các chính trị gia đảng Tự do đọc những lời biết ơn Thổ dân trong các dịp lễ hội, đọc diễn văn nhưng đã nghe những lời phê bình cái mốt thời thượng, làm dáng (political correctness) này từ một số nhà báo bảo thủ. Ở một nước dân chủ như Úc, nói lời biết ơn không cần thiết, cũng không sao, chưa kể là có lợi cho sự nghiệp chính trị của người nói ra, dù trong bụng họ nghĩ khác.
Thổ dân (Aboriginal và Torres Strait Islander) hiện diện ở lục địa Úc từ hàng chục ngàn năm nhưng người da trắng mới đến đây vài trăm năm và họ đã chính thức làm chủ vùng đất này từ năm 1788. Từ vài trăm hay vài ngàn năm trước, nhiều vùng đất trên thế giới đã bị các sắc dân khác tới chiếm và lập ra một quốc gia mới trong đó người bản địa (hay thổ dân) trở thành một sắc dân thiểu số hay một thành phần của một quốc gia dù đó là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hy Lạp, Ý hay Trung Hoa, Việt Nam…
Thổ dân Úc (Aboriginal Australian) may mắn được người Anh tới lập quốc chứ bị người Hán (do Đô đốc Trịnh Hòa đã từng đến Úc từ thế kỷ 15) chiếm thì Thổ dân Úc sẽ bị đối xử tàn bạo hơn người Úc da trắng hiện nay, là điều chắc chắn. Các chính phủ Lao động và Liên đảng đã cố gắng cải thiện đời sống của Thổ dân trong mấy chục năm qua, nhưng không thể một sớm một chiều mà nâng đời sống của họ lên ngang hàng với người Úc chính mạch, di dân bởi Thổ dân vẫn còn gắn bó với văn hóa và tập tục có từ hàng chục ngàn năm trước.
Tuy nhiên, một số chính trị gia và những nhà hoạt động đã đặt mốc thời gian gọi là “hòa giải thực sự” với Thổ dân bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý để Hiến pháp Úc thừa nhận Thổ dân có một tiếng nói trong Quốc hội liên bang (Indiginous Voice). Một số viện cớ rằng, Thổ dân chỉ chiếm 3% dân số Úc cho nên không thể nào có tiếng nói chính thức của họ trong Quốc hội. Tiếng nói Thổ dân với bao nhiêu phần trăm ghế trong quốc hội sẽ bảo đảm sự công bằng cho Thổ dân vốn bị thiệt thòi nhiều mặt, và vì Thổ dân hiểu nhu cầu của họ hơn. Nếu vậy, Quốc hội Úc sẽ có ba viện: Hạ viện, Thượng viện và viện Thổ dân. Liệu mai sau có có viện Sắc tộc nào nữa không nếu sắc tộc này mạnh và đòi hỏi bằng áp lực nào đó?
Một trong những người bị coi là bảo thủ nhưng thật lòng với Thổ dân là cựu Thủ tướng Tony Abbott đã dùng một số ngày trong năm để đến sống chung và tìm hiểu người Thổ dân khi ông còn làm thủ tướng. Tuy nhiên ông Abbott cũng như các cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull, Scott Morrison đều cho rằng Indigenous Voice là một viện thứ ba (third chamber).
Nhiều năm trước, một vài nhà bình luận đã gọi Úc là một nước gồm nhiều bộ lạc khi các sắc tộc đưa ra nhiều đòi hỏi. Nhưng Úc hiện là một nước có nhiều nước. Các chính trị gia, nhà báo, nhà hoạt động thường dùng danh xưng “First Nations people” khi nói về Thổ dân. Thổ dân và chính trị gia gốc Thổ dân cũng tự xưng họ là người dân của Những Quốc gia Đầu tiên. Việc Úc cắm hai cờ Úc và Thổ dân trong những dịp lễ lạc là bình thường. Nhưng nay Tiểu bang NSW dự tính chi $25 triệu đô để dựng cột cờ Thổ dân vĩnh viễn trên Cầu Sydney Harbour là chuyện đáng ngại. Chưa hết, Thủ lãnh đảng Xanh Adam Bandt tuần qua dẹp cờ Úc chỉ chừa hai cờ bản địa khi họp báo là đáng báo động, nhất là khi ông Bandt gọi cờ Úc là biểu tượng của xâm lăng và dân biểu Xanh Lidia Thorpe gọi đấy là biểu tượng diệt chủng.
Chúng ta cần giúp Thổ dân nhiều hơn và một cách phù hợp, nhưng chỉ có một nước Úc, một quốc kỳ trong đó mọi người đều bình đẳng.
Xã luận báo giấy TVTS số 1892 ngày 29.6.2022