Chuyện dài VBT – kỳ 5: Khi đã phóng lao… Chống ai, chống cái gì? Vụ kiện thế kỷ?

Từ một dự án của Cộng Đồng NVTD-Vic với tên “Trung Tâm Văn Hóa Việt-Úc và Bảo Tàng” nay trở thành “Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc” (Vietnamese Museum Australia). Hình chụp tại Hội Chợ Tết Quý Mão ở Richmond ngày 5.2.2023

(TiVi Tuần-san) Cho đến hôm nay, theo sự hiểu biết của TVTS, cái tít “bom 17 tấn sắp nổ tung” với dấu chấm hỏi được đăng trên bìa báo TVTS số 1925 phát hành ngày 1.3.2023 chưa nổ. Chưa nổ nhưng cũng đã gây “thương tích nhẹ” cho vài người người lập ra cái Công ty trách nhiệm hữu hạn Viện Bảo Tàng có tên tiếng Anh Vietnamese Museum Australia Limited. Từ đây cho đến ngày 19.3 là lần tường trình lần thứ ba và cuối cùng của Tiểu ban Tái xét Dự án Trung tâm Văn hóa Việt-Úc và Bảo tàng, bạn đọc sẽ còn nghe thêm một số chuyện của việc “điều tra”, hoặc trên trang báo này, trên chương trình Thời Sự Trong Tuần của TVTS ONLINE hay trên facebook của Cộng Đồng Người Việt Tự Do TB Victoria (VCA-VIC).

Trong khi chờ đợi, TVTS xin tiếp tục chuyện dài Viện Bảo Tàng.

Thật ra, phải nên gọi “chuyện dài Công ty Viện Bảo Tàng” mới đúng vì Viện Bảo Tàng (một cơ sở, building chưa thành hình, chỉ là dự án chẳng biết bao giờ thành hiện thực, mới chỉ có hình vẽ trên giấy mà thôi) nhưng vì cách gọi đã bị lẫn lộn bấy lâu nay, bằng cố ý hay vô tình khiến quen tai, nên tạm thời cứ gọi Viện Bảo Tàng.  Tuy nhiên,  chúng ta phải hiểu đó là một dự án (project) mang tên đầy đủ Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc (Vietnamese Museum Australia)  của Công ty Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc (VMA Limited) hoàn toàn độc lập với Cộng Đồng Người Việt Tự Do-Victoria.

Chống ai, chống cái gì? Rõ mồn một

Phải nói cho rõ, người ta chỉ chống Công ty Viện Bảo Tàng hay chống dự án Viện Bảo Tàng của Công ty Viện Bảo Tàng. Đến lúc này, vẫn còn những người trong Công ty Viện Bảo Tàng hay phe ủng hộ của họ nói Ban Chấp hành Cộng Đồng hay những thành phần ủng hộ BCH CĐ  đang chống phá Viện Bảo Tàng. Đất chưa có, gạch cũng đang bị đòi lại thì mục tiêu đâu mà tới để chống với phá. Không lẽ chống phá mấy cái poster, tờ rơi?

Và một lần nữa, xin nhắc lại để độc giả thấy cái trò chơi chữ không ngay thẳng của Công ty Viện Bảo Tàng khi nhập nhằng giữa cái tên vốn không có chính danh, không ngay thẳng.

Họ đăng bạ hai tên khác nhau mặc dầu nhóm người này rất rành tiếng Anh và tiếng Việt: Vietnamese Museum Australia để dành cho người Úc và Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do  Úc Châu dành cho người Việt.

Nhóm chữ Vietnamese Museum Australia cũng có thể hiểu hay dịch là Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc hay Viện Bảo Tàng người Việt tại Úc hay gọn hơn nữa Viện Bảo Tàng Việt tại Úc. Cái tên bằng nhóm chữ tiếng Anh này chẳng dính dáng đến thuyền nhân, người Việt tị nạn cộng sản hay sự quan tâm về chuyện chính trị của người Việt, và vì thế sẽ dễ dàng xin funding của chính phủ hay sự hỗ trợ của các tổ chức, cộng đồng khác như TVTS có lần được nghe giải thích về cái tên “vô thưởng vô phạt” đó!

Chỉ nội đặt cái tên thôi là đủ thấy họ là những người không ngay thẳng, nếu không muốn nói có ý hướng dẫn sai lạc người nghe, nhất là người Úc.

Bởi vậy cho đến nay, khi Công ty Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc đi gây quỹ hay quyên góp, nhiều người Việt Nam vẫn nghĩ họ quyên tiền xây Viện Bảo Tàng của Cộng Đồng Người Việt Tự Do. Viết thì may ra còn nhìn và suy nghĩ để phân biệt, chứ nói miệng và thoáng nghe thì sẽ nghĩ cái dự án Viện Bảo Tàng VMA đó là của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu hay Victoria (như cái tên đăng bạ bằng tiếng Việt).

Có người nhận xét rằng nhóm thành lập Công ty Viện Bảo Tàng quả là “bậc thầy” khi dùng những cụm từ vừa nói để đạt mục tiêu. Nhưng ở đời, vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Hai buổi tường trình của Tiểu bang Tái xét Dự án Trung tâm Văn hóa Việt-Úc và Bảo tàng đã đưa ra ánh sáng về sự làm ăn không minh bạch của Ban Chấp hành tiền nhiệm và việc chuyển giao bất hợp lệ ngân khoản trợ cấp của chính phủ và tiền đóng góp của đồng hương lên tới $17 triệu Úc kim.

Buổi họp tháng 10 năm 2022 trong đó chính phủ Daniel Andrews công bố cấp phát thêm $2.3 triệu đô la diễn ra tại lô đất dự tính xây Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc (VMA) nay đã bị Cộng Đồng NVTD-Vic cắm cái CAVEAT vào ngày 19.12.2022  nên không thể tiến hành việc mua bán đất và thanh toán. Hình: TVTS

Khi đã phóng lao…

Đến giờ phút này, không còn thời gian để nói chuyện thương lượng hay hợp tác giữa hai bên. Mọi sự trung gian không còn ý nghĩa, chỉ kéo dài mà không đi đến đâu.

Luật sư Nguyễn Tân Hải đại diện cho Ban Chấp Hành Cộng Đồng đã gởi thư cho công ty cố vấn luật pháp PwC yêu cầu trao lại cho ban Chấp Hành tất cả những giấy tờ gì liên quan đến việc PwC tư vấn cho Ban Chấp Hành tiền nhiệm thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn VMA Limited và các công ty liên hệ với dự án VMA.

Tuần qua, chắc một số người đã biết kết quả sơ khởi việc làm của Ban Chấp Hành CĐ với công ty cố vấn PwC? TVTS xin trích một bản tin ngắn trên facebook của VCA-VIC:

Ban Chấp Hành Cộng Đồng đã nhận được văn thư phúc đáp chính thức từ Công Ty Cố Vấn PwC (PwC) về việc Ban Chấp Hành yêu cầu PwC chuyển giao toàn bộ hồ sơ họ đang giữ liên quan đến Dự Án Thực Hiện Trung Tâm Văn Hoá Việt Úc và Bảo Tàng cho Văn phòng Luật sư Nguyễn Tân Hải.

Công ty PwC sẽ giải quyết yêu cầu của Ban Chấp Hành Cộng Đồng trong vài ngày tới đây.

Đồng thời, PwC còn thông báo với Ban Chấp Hành là Luật sư Tuanh Nguyen không còn làm việc cho Công Ty PwC nữa.

Ban Chấp Hành Cộng Đồng sẽ cập nhật những thông tin mới nhất đến quý đồng hương”.

Sau  ngày 19.3 (buổi thuyết trình cuối cùng tại Đền Thờ Quốc Tổ), một bản tường trình sẽ được gởi tới chính phủ các cấp cũng như công bố cho các thành viên trong Cộng Đồng tường.

Luận điệu ấu trĩ nói “chống Viện Bảo Tàng là làm lợi cho cộng sản” hay “ngăn trở Công trình Xây dựng Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do tại Victoria là sự đánh phá của Việt Cộng”, chỉ có thể thuyết phục những người trong nhóm ủng hộ Công ty Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc– VMA Limited mà thôi.

CAVEAT đã cắm vào miếng đất Hội đồng Thành phố Maribyrnong dự tính bán cho Công ty Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc, từ ngày 19.12.2022.

Chiến dịch đòi lại những viên gạch đã đóng với lý do bị hướng dẫn sai lạc cũng đã bắt đầu.

Công tác tìm sự thật qua việc duyệt xét lại Dự án trong vòng hai tháng qua cũng sắp hoàn tất.

Ban Chấp Hành Cộng Đồng đang chờ công ty cố vấn pháp luật PwC trả lại hồ sơ liên quan đến việc cố vấn cho  Ban Chấp Hành tiền nhiệm thành lập Công ty VMA Limited. (Tin giờ chót: vào Thứ Hai 6.3.2023, công ty PwC đã giao toàn hộ hồ sơ liên hệ cho Ban Chấp Hành Cộng Đồng).

Và sẽ còn nhiều chuyện bất ngờ khác xảy ra nếu Công ty Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc  không trao trả lại dự án $17 triệu.

Vuột đi ngân khoản $17 triệu tưởng đã nắm hay sẽ nắm trong tay thì rất đau, rất tiếc như một vài người nhận xét. Nhưng của Cesar phải trả lại cho Cesar, của Cộng Đồng trả lại Cộng Đồng.

“Bom 17 tấn” mà TVTS nói trong bài báo  tuần trước sẽ nổ tung, là điều chắc chắn! Không phải là sự đoán mò. Công ty Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc sẽ trả lại cho “khổ chủ” trong vài tháng, một năm hay vài năm? Thời gian sẽ trả lời.

Vụ kiện thế kỷ?

Đây là một biến cố chẳng đẹp gì  nhưng phải làm một lần cho xong (once and for all)  để  làm cho sinh hoạt Cộng Đồng được trong sáng, sạch sẽ, không còn cảnh úp úp mở mở, âm thầm, phe phái, bao che như đã xảy ra trong suốt hai thập niên vừa qua.

Nếu phải ra ba tòa quan lớn, thì đây sẽ là “vụ kiện của thế kỷ” trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản.

“Chuyện dài Đền Thờ Quốc Tổ” của Công ty VNCH Centre kéo dài 14 kỳ năm 2008 (viết tắt chưa được đúng của nhóm chữ Vietnamese Cultural Heritage Centre Australia Limited với gợi ý ám chỉ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để nghe cho có vẻ “chính nghĩa phe ta”) đang tái diễn vào năm 2023.  Nhưng hy vọng đây là lần cuối cùng!

(Trích báo giấy TVTS số 1926, phát hành ngày 8.3.2023)

***

Xem thêm tin cập nhật qua video dưới đây về buổi tường trình cuối cùng của Tiểu ban Tái xét Dự án diễn ra  tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng ở North Sunshine ngày 19.3.2023, phần thời sự Úc: