“Khủng bố, dùng súng tấn công” ở Đắk Lắk như Công An nói, vì sao? Người Thượng bị “cướp đất”

16 Tháng 6, 2023 | Tin Việt Nam
Ba người trong nhóm tấn công trụ sở công an bị bắt ngày 11/6/2023. Hình: Công an nhân dân

Dư luận rúng động trước sự kiện hai nhóm có vũ trang tấn công trụ sở xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lúc rạng sáng 11/6/2023 khiến bốn sĩ quan công an, hai cán bộ xã, ba người dân thiệt mạng, hai sĩ quan công an bị thương. Tính đến tối ngày 13/6/2023 (giờ Việt Nam), nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ 46 người bị cho là có liên quan đến vụ tấn công vừa kể.

Trong khi nhà cầm quyền VN gọi vụ này là “khủng bố”, “dùng súng tấn công” hay gây mất “an ninh trật tự”, có nhiều chuyên gia cho rằng vụ này có nhiều lý do sâu xa, gốc rễ từ vấn đề sắc tộc, tôn giáo và nhất là kinh tế, khi người Thượng (người ở cao nguyên), người sắc tộc thiểu số hay người dân tộc (tùy cách gọi của mỗi người hay của các nhà cầm quyền Việt Nam kể từ thời Pháp đến nay) bị người Kinh mà hiện nay là nhà cầm quyền CSVN chiếm đất làm ăn sinh sống từ tổ tiên họ.

Sau đây là một đoạn trong loạt bài của tác giả Trân Văn đăng trên mạng VOA Tiếng Việt:

Khi thông tin do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam cung cấp về “sự kiện Cư Kuin” vừa không đầy đủ, vừa có những dấu hiệu không khách quan (tự ý đục bỏ, liên tục sửa chữa – điều chỉnh nội dung nhưng không đính chính, xin lỗi), một số người và một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam đã sử dụng Google để tìm kiếm những thông tin liên quan đến hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu nói riêng cũng như huyện Cư Kuin nói chung để tìm câu trả lời về nguyên nhân…

Trong số những người và những cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam thử truy tìm nguyên nhân như vừa kể có tạp chí Luật Khoa (TCLK). Từ những thông tin đã được hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam loan báo trước đó, TCLK giới thiệu: Cả hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu đã cũng như đang là những điểm nóng về thu hồi đất và thanh toán tiền bồi thường cho hai dự án: Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột và Dự án Khu Đô thị mới Trung Hòa.

Cả hai dự án vừa kể đều cần thu hồi đất. Trên danh nghĩa, đất cần thu hồi thuộc quyền quản lý của một số công ty cà phê nhưng trên thực tế lại do dân chúng sử dụng. Đó cũng là lý do chính quyền địa phương phải tổ chức cưỡng chế. Hồi đầu tháng 3 năm nay, có vài chục gia đình “tự nguyện bàn giao đất” để thi công Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột. Cuối tháng 5 vừa qua, có vài chục gia đình bị cưỡng chế để thu hồi đất xây dựng Dự án Khu Đô thị mới Trung Hòa…

Cũng đã có một số người, một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam giới thiệu sự kiện xảy ra hồi cuối tháng 4 năm nay: Người Ê đê ở huyện Cư Kuin phản đối việc xả nước thải của khu vực là trung tâm hành chính huyện Cư Kuin vào hồ Ea M’tá, xã Ea Bhốk. Cuộc biểu tình này đã bị cảnh sát cơ động trấn áp bằng dùi cui, roi điện. Hàng chục người bị thương trong đó có phụ nữ đang mang thai và hàng chục người bị bắt nhưng dân chúng vẫn thề “thà chết để bảo vệ hồ Ea M’tá”.

Chưa thể xác định nguyên nhân thật sự dẫn tới vụ “khủng bố” trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu, nay đã được định danh lại là “dùng súng tấn công” nhưng không thể loại trừ bất đồng giữa chính quyền – bên có nhu cầu thu hồi đất với dân chúng ở Cư Kuin – bên bị thu hồi đất là thực tế hiển nhiên. “Sự kiện Cư Kuin” xảy ra rạng sáng 11/6/2023 và sau những nỗ lực tổng hợp thông tin để phán đoán nguyên nhân như vừa đề cập, trưa 13/6/2023, tờ Lao Động có một phóng sự…

Theo đó, dân chúng hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu đã giao đất để thi công Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (đầu tư bằng tiền từ công khố, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ, trong đó dự trù dành 400 tỉ cho bồi thường song chi phí bồi thường đã tăng thêm khoảng 331 tỉ, xấp xỉ 726 tỉ) nhưng chưa nhận được tiền bồi thường. Cứ như mô tả của Lao Động thì dự án có rất nhiều vướng mắc cả từ phía chính quyền lẫn nhà thầu song đáng chú ý nhất vẫn là vướng mắc giữa doanh nghiệp mà trên danh nghĩa là “chủ đất” với những gia đình đang sử dụng đất được gọi bằng mỹ từ “người lao động”. Dường như “chủ đất” mới là đối tượng trực tiếp nhận tiền bồi thường từ chính quyền nhưng sau đó, “chủ đất” và “người lao động” không đạt được sự đồng thuận về “phương án phân chia tỉ lệ ở khoản tiền bồi thường về tài sản trên đất” mà “người lao động” khẳng định là “không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi”.

Chưa rõ việc thực hiện các dự án ở khu vực huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, thu hồi đất, thay vì đối thoại thì tổ chức cưỡng chế, kể cả sử dụng vũ lực đối với những người phản kháng, rồi tình trạng “chủ đất” và “người lao động”, mâu thuẫn giữa các “chủ đất” (dường như không phải chỉ có một “chủ đất” trong khu vực) và “người lao động” trong việc phân chia tiền bồi thường,… có phải là nguyên dân nhân dẫn tới “sự kiện Cư Kuin”? “Sự kiện Cư Kuin” không phải là tập đầu…