Phán quyết của phiên xử ‘Chuyến bay giải cứu’: Tội to như con voi, án nhỏ như con kiến

31 Tháng 7, 2023 | Tin Việt Nam
Hoàng Văn Hưng (trái), cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an bị án chung thân, và bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (phải), cựu Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, 5 năm tù. Hình: BBC

Tòa ra phán quyết cho các bị cáo với các mức hình phạt có cả cao hơn, cũng có mức thấp hơn đề nghị của Viện Kiểm sát. Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an là bị cáo duy nhất bị tuyên phạt mức án cao hơn mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị, cũng là mức cao nhất đối với tội danh mà bị cáo này bị truy tố và xét xử, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Án chung thân về tội nhận hối lộ được tuyên đối với các bị cáo Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan và Vũ Anh Tuấn, tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Các bị cáo còn lại, năm người bị mức từ 10 đến 20 năm tù, 12 người chịu mức từ 5 năm đến dưới 10 năm, và 33 người án dưới 5 năm tù, trong đó có cả án treo.

Trong số 48 bị cáo bị xử tội nhận, đưa hoặc môi giới hối lộ, có tới 40 người phạm tội với số tiền trên 1 tỷ đồng. Đây là các tội có khung hình phạt tối đa lần lượt là tử hình, 20 năm tù, và 15 năm tù; và tối thiểu là 20 năm, 12 năm và 8 năm tù.

‘Tội to như con voi, án nhỏ như con kiến’

“Nhìn vào mức án tòa vừa xử, tội thì to như con voi nhưng án thì nhỏ như con kiến,” Luật sư Nguyễn Duy Bình từ TP Hồ Chí Minh bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 30/7. “Đặc biệt, khi so sánh hành vi phạm tội với mức án của giới quan chức và dân thường thì có sự bất bình đẳng quá lớn.”

“Cụ thể, một người nhận môi giới hối lộ cả chục tỷ đồng như cựu Phó giám đốc công an thành phố Hà Nội chỉ bị xử 5 năm tù, nhưng một hiệu trưởng [Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên, Nghệ An] để thất thoát mấy chục triệu thì bị xử 5 năm tù, một cán bộ nhỏ [phó phòng tư pháp huyện Minh Hoá, Quảng Bình] nhận hối lộ 9 triệu đồng thì bị xử ba năm tù giam.”

“Vì vậy, tôi nhận thấy tính bình đẳng của Bộ luật Hình sự nhiều lúc chỉ mang tính hình thức. Bộ luật Hình sự hiện có rất nhiều quy định bất hợp lý về mức hình phạt đối với các tội danh và khung hình phạt trong mỗi tội. Chính vì những bất hợp lý đó nên tòa có thể áp dụng tùy tiện để quyết định mức án theo ý chí của mình,” Luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết.

Cùng nhận xét trên, từ Ba Lan, nhà văn Trần Quốc Quân nói phán quyết của tòa chưa đủ nghiêm khắc.

“Đây là vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhất, có quy mô và số người tham gia lớn nhất, gây căm phẫn trong dư luận xã hội nhất từ trước tới nay. Thế nhưng mức án đối với nhiều bị cáo chưa nghiêm khắc, chưa bám sát các điều khoản qui định của bộ luật,” nhà văn Trần Quốc Quân nói. “Việc định án còn tùy hứng, không bám theo theo chuẩn mực chung, mang nặng cảm tính của hội đồng xét xử, của cơ quan công tố và cá nhân các công tố viên. Hình phạt thiếu tính răn đe khiến quan tham không sợ bị trừng phạt, kích thích tình trạng tham nhũng ngày càng phát triển.”

Việc các bị cáo nộp tiền được cho là tình tiết giảm nhẹ để được giảm án sâu như trong phiên tòa này cũng là điều gây phản ứng trogn dư luận. “Tham nhũng ở Việt Nam xảy ra từ trên xuống dưới. Nộp tiền tham nhũng để được giảm án cũng thật tréo ngoe,” từ Sài Gòn, ông Lê Thân, cựu tù binh Côn Đảo, bình luận với BBC News Tiếng Việt.

Nhà văn Trần Quốc Quân cho rằng điều này sẽ mở ra tiền lệ rất xấu cho hoạt động tố tụng ở Việt Nam, đó là việc ‘dùng tiền chạy án’ được công khai chấp nhận.

“Nếu khắc phục hậu quả được giảm án sâu như Hội đồng xét xử đã tuyên đối với nhiều bị cáo nhận hối lộ trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, điều đó sẽ tạo ra tiền lệ dùng tiền để chạy án, khiến ‘bệnh nhờn thuốc’.

Án chung thân gây tranh cãi

Nếu như đa số các bị cáo đều được toà ra mức án ‘nương tay’ so với tội danh, mà nhiều người cho là chưa đủ mức nghiêm khắc để răn đe, thì án chung thân tòa dành cho bị cáo Hoàng Văn Hưng được cho là quá nặng và không đủ sức thuyết phục.

Cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, trước giờ tuyên án bị Viện Kiểm sát đề nghị mức 19-20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hội đồng xét xử tuyên án cao hơn, ở mức kịch khung đối với tội danh bị xét xử, với lý do đưa ra là bị cáo “không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và khắc phục hậu quả do mình gây ra.”

(Tổng hợp từ BBC Tiếng Việt)