Khả năng Tô Lâm làm Chủ tịch nước với cái “dớp” của chiếc ghế: chết hay bị truất phế

16 Tháng 5, 2024 | Tin Việt Nam
Ông Tô Lâm và ông Trần Thanh Mẫn khả năng cao sẽ nắm giữ chức lần lượt chức vụ chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội. Hình chụp lại hình ảnh, nguồn: BBC

Hai chiếc ghế trống – chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội – dự kiến sẽ có chủ nhân trong những ngày sắp tới? Và những ai sẽ ngồi vào hai chiếc ghế trống ấy?

Theo Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 và Quy định số 214-QĐ/TW của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiện không có quá nhiều sự lựa chọn cho vị trí chủ tịch nước và chủ tịch Quốc hội còn trống.

Nếu không xét các trường hợp ngoại lệ thì bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm có thể sẽ lần lượt là chủ tịch Quốc hội và chủ tịch nước hoặc ngược lại.

Cũng có thông tin rằng, trong bối cảnh Việt Nam cần lấp đầy hai vị trí “Tứ Trụ” nhanh nhất có thể để sớm ổn định tình hình nhân sự thượng tầng và gửi tín hiệu tích cực cho giới đầu tư, khả năng cao ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, sẽ được chọn cho vị trí chủ tịch Quốc hội. Còn vị trí chủ tịch nước sẽ do ông Tô Lâm nắm.

Sau sự ra đi của ông Huệ thì ông Mẫn đang được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Nếu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước

Nếu ông Tô Lâm nhậm chức chủ tịch nước, “Tứ trụ” sẽ có hai người đi lên từ ngành công an, là ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.

Viết về khả năng này trên trang web của Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh), Tiến sĩ Bill Hayton đánh giá rằng Việt Nam sẽ càng tô đậm ấn tượng về một nhà nước “công an trị”. Theo ông Hayton, điều này sẽ khiến các quốc gia dân chủ gặp khó khăn trong việc hợp tác với Việt Nam.

Ông Tô Lâm cũng từng có một số bê bối được quốc tế biết tới. Tháng 7/2017, ông Trịnh Xuân Thanh bị “bắt cóc” tại Berlin, Đức và bị đưa trở về Việt Nam.

Truyền thông Đức năm 2017 gọi vụ bắt giữ ông Thanh là “vụ bắt cóc ở Berlin” và đặt câu hỏi liệu Slovakia có đóng vai trò trung gian trong sự việc này.

Khi đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia đã trở nên căng thẳng.

Tới năm 2021, Bộ trưởng Công an Tô Lâm lại dính vào một bê bối khác, sau khi video ông ăn bò dát vàng do đích thân đầu bếp nổi tiếng “Thánh rắc muối” Salt Bae phục vụ tại nhà hàng ở London (Anh) được đăng lên mạng xã hội.

Những điều trên có thể gây ra những bất lợi nhất định cho ông Tô Lâm trong công tác đối ngoại trên cương vị chủ tịch nước.

Tính đến nay, ông Tô Lâm đã giữ chức vụ Bộ trưởng Công an gần hai nhiệm kỳ và sẽ không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa, theo Khoản 1 Điều 41 Nghị định 138/2020.

Do đó, theo quy định, ông Tô Lâm sẽ phải về hưu vào năm 2026 nếu ông tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Công an từ nay cho đến thời điểm Đại hội 14.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng cương vị chủ tịch nước sẽ giúp ông Tô Lâm có thể chuẩn bị tốt hơn cho chức tổng bí thư, từ đây cho tới Đại hội Đảng năm 2026.

Theo quy định, chỉ có các chức danh trong “Tứ Trụ” và thường trực Ban Bí thư mới được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị xem xét “trường hợp đặc biệt”.

Xét các đời tổng bí thư từ sau Đổi mới tới nay, có thể thấy một thông lệ là các vị này đều đã nắm chức vụ trong “Tứ Trụ” hoặc là thường trực Ban Bí thư (trường hợp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Lê Khả Phiêu).

Việc ông Tô Lâm không phải là “Tứ Trụ” cũng như không là thường trực Ban Bí thư sẽ khiến việc ông trở thành tổng bí thư vào năm 2026 là một sự “vượt cấp”, theo nhận định của một nhà quan sát giấu tên từ Hà Nội.

Do đó, dù không “mặn mà” với chức vụ chủ tịch nước, đây có lẽ là một trong ít cách để ông Tô Lâm tiếp tục duy trì sự hiện diện đỉnh cao trong chính trường Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Tô Lâm sẽ mất đi quyền lực to lớn của một bộ trưởng Công an khi rời khỏi bộ này.

Cái “dớp” của chức Chủ tịch nước

Bốn chủ tịch nước gần đây nhất, từ trái qua lần lượt là các ông: Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng. Chụp lại hình ảnh, nguồn: BBC

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đánh giá rằng chiếc ghế chủ tịch nước có “dớp”.

Từ năm 2016 đến nay, chiếc ghế này đã có bốn người ngồi, gồm:

-Ông Trần Đại Quang: từ tháng 1/2016 đến năm 9/2018 (khoảng 2 năm 8 tháng); ông Quang qua đời khi đang làm chủ tịch nước.

-Ông Nguyễn Phú Trọng (kiêm nhiệm): từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2021 (khoảng 2 năm 3 tháng).

-Ông Nguyễn Xuân Phúc: từ tháng 4/2021 đến năm 1/2023 (khoảng 1 năm 9 tháng); ông Phúc bị mất chức do liên quan đến sai phạm.

-Ông Võ Văn Thưởng: từ tháng 3/2023 đến năm 3/2024 (khoảng 1 năm); ông Thưởng cũng bị mất chức tương tự ông Phúc.

Có thể thấy rằng trong thời gian tám năm, tức hơn 1,5 nhiệm kỳ, đã có tới bốn vị chủ tịch nước và thời hạn giữ chức thì ngày càng ngắn lại.

Trong số bốn người trên, chỉ có ông Trọng là rời chức vụ nói trên một cách nhẹ nhàng.

Ông Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018, chỉ hơn một năm sau khi ông bị nhiễm “virus hiếm và độc hại”. Thời điểm qua đời, ông Quang vẫn đang tại chức chủ tịch nước.

Ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Võ Văn Thưởng đều mất chức với lý do “chịu trách nhiệm của người đứng đầu”.

(Trích từ BBC)

Nghe bình luận về việc sắp xếp 2 ghế Tứ Trụ trên  youtube Thời Sự Trong Tuần phát hình Thứ Tư 15/05/2024 dưới đây: