Nhìn Ukraine nhớ VNCH: thêm một bài học?

22 Tháng Sáu, 2024 | Bình Luận
Tổng thống Zelensky thị sát các công sự mới dành cho quân nhân Ukraine trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine gần biên giới Nga ở vùng Chernihiv, Ukraine, ngày 5 tháng 4 năm 2024. Photo:  Báo chí Tổng thống Ukraine via  REUTERS

Chiến tranh Nga và Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2/2022 khi Nga vượt biên giới ồ ạt tấn công Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin dự trù chỉ trong vài ngày là chiếm được thủ  đô Kiev và Tổng thống gốc diễn viên hài Volodymyr Zelensky sẽ đầu hàng, bị giết hay sẽ bỏ chạy.

Với sức mạnh của quân đội Nga và quyết tâm của nhà độc tài Putin đã từng chiếm được bán đảo Crimea của Ukraine một cách dễ dàng vào năm 2014 nên các chiến lược gia Hoa Kỳ cũng nghĩ như vậy. Hoa Kỳ đã đề nghị đưa Tổng thống Zelensky ra nước ngoài tị nạn như đối với nhiều lãnh đạo quốc gia khác khi không còn chống cự được địch quân.

Cuộc chiến kéo dài đã 2 năm 3 tháng nhưng Nga vẫn chỉ chiếm được 20% lãnh thổ rộng lớn của Ukraine với thiệt hại rất lớn về nhân mạng, bởi tấn công kéo dài mà không thắng thì bên công luôn luôn tổn thất cao hơn bên thủ. Tại sao Ulraine cầm cự được và đã có một thời gian đẩy lùi được quân Nga xâm lăng trên nhiều mặt trận ở biên giới rất dài giữa hai nước? Đó là nhờ ý chí của vị tổng thống can trường và quyết tâm cũng như sự hy sinh của quân và dân Ukraine. Thật là một đất nước và con người đáng được khâm phục.

Nhưng gần đây Nga đã tiến chiếm thêm một số đất đai, thị trấn và đánh sập nhiều cơ sở hạ tầng của Ukraine bao gồm gây tổn thất nhân mạng của thường dân. Lý do là Ukraine thiếu vũ khí mặc dù Tổng thống Zelensky kêu gào tây phương và nhất là Hoa Kỳ nhưng Quốc hội Hoa Kỳ đã ngăn chận viện trợ quân sự mà Tổng thống Joe Biden muốn cung cấp cho Ukraine.

Đã thấy ánh sáng cuối đường hầm với việc Quốc hội chấp thuận gói viện trợ $60 tỉ Mỹ kim vào cuối tháng 4 vừa qua. Số đáng kể này Washington bắt đầu bơm qua Kiev, nhưng còn rất chậm trong khi đó Anh và vài nước Liên Âu như Đức, Pháp, Ba Lan, Bỉ v.v… đã cam kết viện trợ thêm và bắt đầu vận chuyển vũ khí cho Ukraine.

Các nhà lãnh đạo tây phương bắt đầu mạnh miệng hơn khi bàn về việc giúp Ukraine đánh bại cuộc tấn công của Nga. Trước đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng nói Pháp có ý định đưa quân qua Ukraine nhưng rất mập mờ khi bị đa số các nước Liên Âu phản đối. Tuần qua Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói nước ông không loại trừ việc đưa quân sang Ukraine nhưng không nói binh sĩ họ đóng vai trò gì. Các bộ trưởng Quốc phòng Liên Âu họp ở Brussels tuần qua cho rằng vũ khí tây phương giúp Ukraine là để tấn công Nga vì theo nguyên tắc “tôi sẽ đáp trả hoặc chiến đấu chống kẻ tấn công tôi từ lãnh thổ của họ”.

Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cũng như một số nước Âu châu cùng chia sẻ quan điểm này nhưng Mỹ, Đức và một số nước không đồng ý, sợ dẫn đến xung dột trực tiếp với Nga. Cũng trong tuần qua, một lần nữa người rất ủng hộ Ukraine là Tổng thống Mascron tuyên bố cho phép Ukraine dùng hỏa tiễn hành trình của Pháp (có khả năng bắn xa hơn 500 km) nhưng chỉ đánh vào những căn cứ quân sự nào đã tấn công Ukraine. Khi Tổng thống Putin đe Pháp rằng các “nước nhỏ đó” sẽ lãnh hậu quả khi Nga dùng tới vũ khí nguyên tử.

Thế là Hoa Kỳ và tây phương vì sợ đối đầu với Nga nên chỉ giúp Ukraine tự vệ trong cuộc chiến cục bộ, giống như Mỹ đã làm với Việt Nam Cộng Hòa, buộc Sài Gòn không được thả bom hay “Bắc tiến”. Đánh trận mà không được tấn công kẻ thù ngay trong đất kẻ thù thì chỉ có thua. VNCH là một bài học “thủ” và Do Thái hiện nay là một bài học “công” cho Mỹ và tây phương. Sợ là thua!

(Trích xã luận báo điện tử www.etvts.com.au số 1986 phát hành Thứ Tư 05/06/2024)