![]() |
Khi còn tranh chấp: Tòa Khâm Sứ vào tháng 12 năm 2007 |
(TVTS) Thông thường, các công tác xây dựng của nhà nước VN tiến hành rất chậm chạp bởi phải đi qua nhiều cửa ngỏ, nhiều con dấu đỏ của con rùa hành chánh xã hội chủ nghĩa dù nay có pha thêm kinh tế thị trường, nhưng việc biến Tòa Khâm Sứ ở số 42 Nhà Chung thành Công viên, Vườn hoa và Thư viện đã được thư hiện nhanh chóng, nếu không muốn nói quá vội vã.
Thông tấn xã nhà nước —Thống Tấn Xã Việt Nam—hôm qua đưa tin và hình ảnh về việc Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm khánh thành vườn hoa ở khu đất mà họ cho xe ủi và san bằng cách đây khoảng 2 tuần như sau:
![]() |
Ủi và san bằng: Tòa Khâm Sứ ngày 20.9.08 |
“Sáng 3/10, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã khai trương Vườn hoa Hàng Trống tại số 42 Nhà Chung, nhân kỷ niệm 54 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Đây là nỗ lực rất lớn của các đơn vị chức năng thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm, nhằm tạo không gian thoáng đãng và trong lành tại khu vực trung tâm của thành phố, phục vụ nhu cầu thư giãn và vui chơi giải trí của cộng đồng dân cư trong khu vực.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi khẳng định ý nghĩa xã hội lớn lao của dự án quy hoạch và triển khai xây dựng Công viên, vườn hoa-Thư viện tại 42 Nhà Chung.
Công trình văn hóa này sẽ là không gian trong lành để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các cụ cao tuổi, các cháu thiếu nhi trong quận và phường Hàng Trống đến đọc sách, giải trí, vui chơi, luyện tập thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân Thủ đô nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng”.
![]() |
Công viên mới khánh thành: Tòa Khâm Sứ ngày 3.10.08 |
Việc nhà nước đột nhiên san bằng một số tòa nhà trong khu Tòa Khâm Sứ để xây công viên, vườn hoa và thư viện mà không tham khảo ý kiến của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và đặt giáo hội Công giáo Việt Nam trước sự việc đã rồi đã gây nên làn sóng chống đối dữ dội, không những từ phía giáo dân mà còn cả từ hàng giáo phẩm cao cấp.
Trong một cuộc họp giữa Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Đức cha Ngô Quang Kiệt đã dùng những lời lẽ cứng rắn và mạnh mẽ để lên án chế độ khi Đức cha cho rằng “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”.
Chính câu nói xấu hổ vì cầm hộ chiếu Việt Nam mà nhà nước và các phương tiện truyền thông trong nước đã tìm cách bôi bẩn Đức cha Kiệt, cho rằng ngài nói “xấu hổ làm người Việt Nam” và vì thế nên tước hộ chiếu, tống đi ở chỗ khác v.v…
Chưa bao giờ một vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Công giáo VN bị mạ lỵ bằng các phương tiện truyền thông của nhà nước Việt Nam nhiều như thế kể từ khi Việt Nam mở cửa và quan hệ với thế giới bên ngoài trong vòng hai thập niên qua.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Hội đồng Giám mục VN ngày 1.10.08 |
Trong một cuộc gặp gỡ với đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam vào ngày 1.10.08 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm của nhà nước Việt Nam là “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai”.
Cuộc họp và trao đổi giữa hai bên đã không mở ra một lối thoát bởi Giáo hội CGVN vẫn chủ trương đòi lại đất mà giáo hội sở hữu trong khi nhà nước không chịu trả, không công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân và tiếp tục kế hoạch biến khu vực của Tòa Khâm Sứ cũ thành công viên và thư viện.
Ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Đức cha Kiệt “hãy tự xem xét lại hành vi của mình để có cử chỉ sửa mình và hành động thiết thực để khắc phục những sai trái vừa qua”, đồng thời ông thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng Giám mục “với tinh thần đồng đạo và lợi ích chung hỗ trợ giúp đỡ Tổng Giám mục Kiệt nhiều hơn nữa, trước hết là chấp hành pháp luật”.
Nhưng như trong một bức thư do Giám mục Nguyễn Văn Nhơn, thay mặt Hội đồng Giám mục, gởi cho Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội vài ngày trước, đã xác nhận Đức cha Kiệt và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế đã không làm gì sai trái và việc Giáo hội đòi lại đất nhà chung là một việc làm đúng, phù hợp với tuyên ngôn quốc tế của Liên hiệp quốc về Nhân quyền và quyền tư tư hữu tài sản.
Thế là đã có lằn ranh rõ ràng trong việc đòi lại đất của Giáo hội, đặc biệt là đất ở Tòa Khâm Sứ cũ và ở giáo xứ Thái Hà.
Người ta đang chờ đợi nhà nước phản ứng trước việc giáo dân đòi đất bằng lối “biểu tình”… cầu nguyện.