Kamala Harris vẫn còn trong thời kỳ trăng mật? Nhưng sau ngày 10/9?

10 Tháng Chín, 2024 | Bình Luận
Trump (trái) và Harris đối diện ngày 10/9 trong một cuộc tranh luận sẽ quyết định sự thay đổi trong cuộc chạy đua của năm 2024. Photo courtesy: Reuters

Lần đầu tiên trong lịch sử một cựu tổng thống rời Tòa Bạch Ốc gần bốn năm, đang tranh cử và còn hai tháng nữa sẽ có thể làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, có thể trước ngày 5/11/2024 sẽ bị tuyên án phạt về 34 tội danh liên quan đến vụ án dùng tiền bịt miệng cô đào phim người lớn?

Donald Trump có thể  bị án tù, tranh cử trong tù và thắng cử. Như người ta nói, chuyện gì cũng có thể xảy ra ở Mỹ. Như một phụ nữ da đen và nâu có thể trở thành tổng thống và tổng tư lệnh của quân đội đầu tiên của Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ.

Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Phó Tổng thống Kamala Harris được nhiều cử tri ưa thích hơn ông Trump. Nhưng trong những tiểu bang chiến trường nơi thường quyết định ai sẽ vào ngồi trong phòng bầu dục thì số phiếu cử tri dành cho Trump và Harris tương đối bằng nhau, lên xuống không đáng kể. Đấy là nơi sinh tử mà hai ứng viên tổng thống phải làm thế nào để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho họ.

Bà Harris may mắn có cơ hội ngàn vàng nhờ ông Joe Biden rút lui vào phút chót và đề cử bà làm ứng viên tổng thống. Các khuôn mặt triển vọng của đảng Dân chủ không có thời gian và tiền bạc để  thách thức bà Harris và vận động tranh cử. Sau một tuần lễ đắn đo, các cựu tổng thống, trưởng lão và những tên tuổi Dân chủ muốn tranh cử đã “nhất trí” ủng hộ Harris. Cho nên không lạ gì, vài chục ngàn đảng viên Dân chủ trong đại hội đảng toàn quốc đã tung hô Harris, còn náo nhiệt và hưng phấn hơn cả đại hội đảng Cộng hòa toàn quốc đề cử ông Trump trước đó.

Từ đó đi đâu bà Harris vốn đã cười nhiều, lại càng rạng rỡ hơn với chếc ghế tổng thống hầu như đã nằm trong tầm tay. Nhưng hơn một tháng Harris chưa cho các nhà báo phỏng vấn, nói gì để các cơ quan truyền thông bảo thủ đặt câu hỏi về chính sách của bà. Thứ Năm tuần qua, cuối cùng bà đã để cho đài CNN, một đài nổi tiếng cấp tiến và thường ủng hộ đảng Dân chủ phỏng vấn một lúc cả bà và ứng viên phó Tim Walz.

Cuộc phỏng vấn này được xem như là giữa “người nhà” với nhau nên phóng viên đã không chất vấn một cách sâu sắc, chi tiết, vặn hỏi để người bị phỏng vấn phải trả lời những câu  hỏi mà các cử tri cần biết về lập trường của bà như thế nào trong lúc này. Harris là người trước đây ủng hộ di dân và chống quyết liệt việc khai thác dầu hỏa và khí đốt khi còn là thượng nghị sĩ.

Nhưng Harris nói bà là người chống di dân lậu, chứng minh khi còn là công tố viên của Tiểu bang California, bà đã truy tố những tay buôn người qua biên giới. Nhưng bốn năm qua, nhiệm vụ ông Biden giao cho bà bảo vệ biên giới, bà đã làm được gì, có bao nhiêu lần tới biên giới với Mễ Tây Cơ để thăm quan, chỉ thị, đề ra phương án  giải quyết nạn di dân lậu? Cũng vậy, bà nói sau khi lên làm phó tổng thống bà không còn chống khai thác năng lượng hóa thạch quyết liệt như trước. Bị cho là đã chuyển từ cánh tả sang trung, Harris nói bà vẫn không thay đổi lập trường. Thế là nghĩa gì?

Phóng viên CNN đã quá “thân thiện” với Harris nhưng trong thời gian tới, nhất là qua cuộc tranh luận do đài ABC tổ chức vào ngày 10/9 giữa bà và ông Trump, cử tri Mỹ sẽ thấy khả năng tranh luận cũng như chính sách của bà. Thời kỳ trăng mật sẽ chấm dứt sớm và khả năng làm tổng thống của Harris sẽ lộ ra, không đợi đến khi bà vào Tòa Bạch Ốc. Hai tháng nữa là một thời gian dài trên đấu trường tranh cử.

(Trích xã luận báo điện tử www.etvts.com.au số 1999 phát hành ngày 4/9/2024)