Tân Chủ tịch nước Lương Cường được xét trường hợp đặc biệt! Và nhờ yếu tố nước ngoài?

24 Tháng Mười, 2024 | Tin Việt Nam
Tân Chủ tịch nước Lương Cường. Hình: Báo Chính Phủ VN

Ngày 21/10/2024, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đã được Quốc hội bầu làm chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15.

Nhất trí: Một trăm phần trăm

Nghị quyết bầu ông Lương Cường làm chủ tịch nước được Quốc hội thông qua với 440/440 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Chiều 20/10, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết tại hội nghị lần thứ 10 (diễn ra từ ngày 18-20/9), Trung ương Đảng đã biểu quyết giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để bầu chủ tịch nước.

Nguyễn Thanh Hải nói việc thực hiện quy trình bầu chủ tịch nước là “cụ thể hóa chủ trương của Đảng tại Quốc hội”.

Phát biểu của bà Hải một lần nữa cho thấy việc bầu chủ tịch nước tại Quốc hội là thủ tục tái khẳng định ý chí của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc sắp xếp nhân sự chủ chốt.

Kỳ tích: 3 năm, có tới 4 chủ tịch nước

Trước đó, vào buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm. Như vậy, ông Tô Lâm hiện chỉ còn giữ chức tổng bí thư, tập trung cho công tác đảng.

Sau khi được bầu, tân chủ tịch nước đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định.

Với diễn biến mới nhất này, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chứng kiến bốn lần tuyên thệ chủ tịch nước của các ông: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Tô Lâm và Lương Cường. Trong đó, ông Tô Lâm có nhiệm kỳ chủ tịch nước ngắn nhất lịch sử, chỉ vỏn vẹn 5 tháng.

Đây được coi là một nhiệm kỳ đầy sóng gió, với các diễn biến trời long đất lở trong đội ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước.

‘Không mơ làm cấp này, chức kia’

Trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, ông Lương Cường nói:

“…Cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tin cậy, giới thiệu tôi đảm nhiệm trọng trách cao cả này“.

Tháng 2/1975, trong không khí hào hùng cả nước hướng về miền Nam ruột thịt, tôi xung phong đi bộ đội với ý thức và tâm niệm đi chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chỉ mong đến ngày chiến thắng, còn sống trở về là sung sướng hạnh phúc, tuyệt nhiên không nghĩ, không mơ làm đến cấp này, chức kia.

Trường hợp đặc biệt

Việc ông Lương Cường làm chủ tịch nước có thể thấy là ông được Trung ương xét “trường hợp đặc biệt”.

Xét theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn các chức danh, để làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên và “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương”.

Bộ Chính trị khóa hiện tại là nhiệm kỳ đầu tiên ông Cường tham gia nên ông chưa đạt yêu cầu “trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị trở lên”.

Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu “trường hợp đặc biệt” cho Tứ Trụ, nên dù ông chưa hội đủ một số tiêu chuẩn thì Ban Chấp hành Trung ương có thể quyết định trường hợp ngoại lệ.

Yếu tố nước ngoài?

Đáng chú ý, trước khi được bầu làm chủ tịch nước, ông Lương Cường đã có chuyến đi khá lặng lẽ đến Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 9-12/10. Tại đây, ông đã có dịp hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.

Việc ông Lương Cường, lúc đó là thường trực Ban Bí thư, có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình cho thấy có yếu tố của nước ngoài, tức Trung Quốc.

Tân Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, hiện đã quá 65 tuổi, nếu ông không được vào Tứ Trụ để có suất đặc biệt tại Đại hội 14 (diễn ra tháng 1/2026) thì ông sẽ phải về hưu.

Với việc được bầu làm chủ tịch nước, ông có cơ hội tiếp tục sự nghiệp chính trị ở nhiệm kỳ kế tiếp (2026-2031).

(Tổng hợp)