Úc: Mềm với Tàu, lạnh nhạt với Mỹ

22 Tháng 7, 2025 | Bình Luận
Anthony Albanese (phải) và Tập Tập Cận Bình tại G20, Brazil, 19/11/2024. Photo: Reuters

Hơn ba năm cầm quyền, Thủ tướng Anthony Albanese cho thấy ông đi hàng hai giữa một đồng minh truyền thống và một đối thủ trở thành bạn hàng lớn nhất. Điều này thể hiện trong câu thần chú nổi tiếng của ông “Chúng ta hợp tác với Trung Cộng khi có thể, bất đồng khi chúng ta phải bất đồng và tham gia vì lợi ích quốc gia của chúng ta”.

Câu thần chú (mantra) này được lặp lại mỗi khi có “sự cố” xảy ra như máy bay chiến đấu Trung Cộng bắn hỏa châu chận đường trực thăng của Úc hay tập trận đạn thật ngoài khơi biển Tasman Sea cách Sydney khoảng 340 hải lý.  Tiếp theo là những chuyến hải hành của các chiến hạm vòng quanh nước Úc và tàu thăm dò đáy biển gần đây của Trung Cộng. Thủ tướng Úc đã im lặng dù Liên đảng đối lập thúc đẩy lên tiếng. Và khi lên tiếng ông cho rằng tàu chiến của Úc cũng từng hiện diện ở Biển Đông nơi Trung Cộng nói là vùng biển của họ.

Điều này cho thấy ông Albanese đã làm đúng với hai vế đầu và cuối. Hợp tác khi có thể và tham gia vì lợi ích quốc gia, tức đã có công khiến Trung Cộng ngưng trừng phạt kinh tế làm ngành xuất cảng Úc mất $20 tỉ đô la mỗi năm sau khi Chính phủ Tự do Scott Morrison yêu cầu điều tra đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán. Nhưng ông Albanese đã không thực thi đúng vế thứ hai của thần chú “bất đồng khi chúng ta phải bất đồng” vì ông ưu tiên lợi ích kinh tế hơn lợi ích an ninh quốc phòng.

Hiện tại, ngân sách quốc phòng Úc chỉ 2.02% GDP và dự trù sẽ tăng lên 2.3% trong vòng 8 năm tới bất chấp áp lực và đe dọa quân sự của Trung Cộng như đã nói trên.  Khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu 32 quốc gia khối NATO phải tăng chi tiêu quốc phòng lên 5%, một số nước từ chối. Nhưng qua hội nghị NATO mới đây tại Hòa Lan sau khi Mỹ dội bom GBU-57 xuống nhà máy nguyên tử của Iran, các nước đều chấp nhận ngoại trừ chính phủ  cánh tả Tây Ban Nha vẫn duy trì ngân sách 2% viện lý do dành ngân sách cho an sinh xã hội của người dân. Không biết Thủ tướng Pedro Sanchez sẽ thay đổi chính sách khi ông Trump dọa sẽ đánh thuế thẳng tay không?

Riêng Úc, trước những đề nghị của Mỹ tăng ngân sách quốc phòng lên 3.5% và yêu cầu của Liên đảng, Thủ tướng Úc trả lời báo chí rằng bất cứ quyết định nào đều dựa vào lợi ích quốc gia chứ không vì áp lực bên ngoài và “Tôi đã nói rất rõ rằng chúng ta đã đầu tư theo khả năng mà Úc cần”.

Tiếp theo lời tuyên bố của Thủ  tướng Albanese, Đại sứ Trung Cộng Xiao Qian tại Canberra đã lên lớp nói rằng Úc không nên tăng chi tiêu quốc phòng vì sẽ tạo áp lực lên nền tài chánh của Úc, nên dùng tiền lo cho an sinh của người dân.  Xiao nói người ta cứ thổi phồng mối đe dọa của Trung Cộng để đổ tiền mua sắm vũ khí, gây chiến trong khi Trung Cộng là một nước chủ trương hòa bình, rằng “Trong hơn 70 năm qua, Trung Cộng chưa bao giờ phát động chiến tranh hoặc chiếm đóng một tấc đất của nước ngoài”.

Albanese có nên tin Xiao không? Năm 1979 Bắc Kinh đã đưa quân tấn công các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Hiện nay vẫn gây hấn và tấn công hòng chiếm biển đảo Phi Luật Tân và cương quyết sẽ chiếm Đài Loan bằng vũ lực.

Làm ăn với Trung Cộng chỉ có tính cách giai đoạn. Làm đồng minh với Mỹ là lâu dài. Phải tăng quốc phòng, nếu không Úc sẽ bị thuế nặng và có thể sẽ không có tàu ngầm AUKUS. Sao cứ gặp Tập mà không một lần gặp Trump? Quyền lợi kinh tế và an ninh quốc gia, cái nào trọng hơn?

(Trích xã luận etvts.com.au Thứ Tư, 9/7/2025)