Thật vậy, hôm qua tờ báo điện tử Vietnamnet ở Việt Nam bỗng dưng chạy tin trang nhất bài của một nhà báo viết nhân dịp mừng ông Võ Văn Kiệt 85 tuổi. Nhưng bài báo có tựa “Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo xuất sắc thời kỳ đổi mới”, chẳng ăn nhằm gì vào ngày sinh nhật của ông (vì ông Kiệt sinh ngày 23.11.1922). Té ra, không được chạy tin hay cáo phó ông cựu thủ tướng chết thì “cánh nhà báo” đành đăng bài mừng… sinh nhật của ông… lúc ông vừa chết! Và bài báo sau đó cũng đuợc lệnh cất đi.
Người dân trong nước chỉ biết tin cựu Thủ tuớng Võ Văn Kiệt chết qua tin đài ngoại quốc hoặc các báo điện tử ở ngoại quốc.
Hôm qua, trả lời phỏng vấn của Đài BBC Luân Đôn về tang lễ của ông Kiệt, bà Hiếu Dân con gái của ông Kiệt nói: “Các anh trong Ban Bí thư ngày mai họp và thông báo, chứ gia đình cũng chưa biết gì”.
Tin từ Việt Nam cho hay thi hài của ông Kiệt đã được chở bằng phi cơ của Thái Lan về phi trường Tân Sơn Nhất vào trưa hôm qua. Lúc tin này lên mạng TVTS Online vào trưa nay, vẫn chưa có tin chính thức về cái chết cũng như tang lễ của ông Võ Văn Kiệt, một người được coi là một “kiến trúc sư” của sự đổi mới ở Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, ông Kiệt thường có những bài viết chỉ trích chính quyền và đảng của ông, bàn về vấn đề dân chủ và nhất là chỉ trích tham nhũng, vì thế ông gặp sự chống đối của phe bảo thủ, do đó khi ông chết, các phe phái vẫn còn ngần ngại chưa có quyết định khi tuyên bố cái chết và việc tổ chức tang lễ cho ông ta.
Võ Văn Kiệt từng nói với đài BBC: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.
Sau 6 giờ chiều (giờ VN) hôm nay, các báo điện tử mới bắt đầu đăng tin ông Kiệt chết sau khi Ban chấp hành Trung uơng ĐCSVN đã ra thông cáo tổ chức quốc tang cho ông.
Báo VnExpress đưa tin lúc 6.30pm:
Tổ chức Quốc tang nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Sáng 11/6, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời tại một bệnh viện ở Singapore vì bệnh tuổi già, hưởng thọ 86 tuổi. Tang lễ của ông được quyết định tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày.
Những người thân cận ông Kiệt cho biết, ông đã sang Singapore để chữa bệnh từ tuần trước.
Trong thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng chiều nay viết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi.
“Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, nhà nước và nhân dân ta, để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt với nghi thức quốc tang”, thông cáo viết.
Linh cữu ông quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM. Lễ viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, bắt đầu từ 8h ngày 14 đến 8h30 ngày 15/6. Lễ truy điệu bắt đầu lúc 9h ngày 15/6. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM.
Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu ông Võ Văn Kiệt ở TP HCM, Ban tang lễ sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội và trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Long.
Trong hai ngày quốc tang (14-15/6), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Ban lễ tang nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt gồm 33 lãnh đạo cấp cao do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh làm trưởng ban.
Ông Võ Văn Kiệt có tên khai sinh là Phan Văn Hòa, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long. Bí danh hoạt động cách mạng là Sáu Dân.
Tham gia cách mạng năm 1938, vào Đảng tháng 11 năm 1939, ông là Thủ tướng Chính phủ khóa 1991-1997. Từ tháng 12/1997, ông Kiệt được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) chấp thuận rút khỏi Bộ Chính trị và cử làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa 6, 8, 9, huân chương Sao Vàng, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Những năm cuối đời, ông Kiệt sống tại TP HCM. Với tư cách công dân, nguyên Thủ tướng vẫn hết sức quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước và thường xuyên đóng góp ý kiến, viết bài thể hiện quan điểm, chính kiến.