Rút dây động rừng? Chống tham nhũng PMU 18, hai nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt

13 Tháng 5, 2008 | Tin Việt Nam

 


Trong số báo ra ngày hôm nay, tờ Thanh Niên chạy tin như sau:


 


* Nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã tác nghiệp như thế nào mà bị quy vào tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”?


* Có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, sao lại bắt 2 nhà báo của Thanh Niên Tuổi Trẻ?


* Những câu hỏi chờ được trả lời!


 


Và báo Thanh Niên viết tiếp:


 


Ngày 12.5, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên, và nhà báo Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM, về tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (điều 281 Bộ luật Hình sự) trong việc đưa tin bài về vụ tham nhũng tại Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18).


 


Cùng ngày Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cũng tiến hành khám xét nơi ở và nơi làm việc của nhà báo Nguyễn Việt Chiến và nhà báo Nguyễn Văn Hải.









Nguyễn Việt Chiến (thứ hai từ phải) đang bắt tay từ giã đồng nghiệp để lên đường tới… nhà giam


 


Khi thực hiện lệnh khám xét tại nơi làm việc của nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an không đọc lệnh bắt tạm giam công khai đối với nhà báo Nguyễn Việt Chiến mặc dù được đại diện của Báo Thanh Niên yêu cầu.


 


Trong buổi khám xét nơi làm việc, đại diện của Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Phong – Phó tổng biên tập đã phản ứng: “Tại sao lại đọc lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam ở nhà, trước mặt vợ và những đứa con còn nhỏ của anh Chiến mà không đọc tại Báo Thanh Niên – cơ quan quản lý của anh Chiến và cũng là nơi anh Chiến thực hiện các công việc có liên quan? Đọc quyết định như vậy có phải là một việc làm hợp tình người không?”.


 


Cho đến cuối buổi khám xét, Báo Thanh Niên vẫn không được biết chính thức nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt giam với thời hạn bao lâu. Một nguồn tin cho hay, nhà báo Nguyễn Việt Chiến sẽ bị tạm giam ít nhất 4 tháng.


 


Báo Thanh Niên đã mời Văn phòng luật sư Hà Đăng và luật sư Hoàng Văn Quánh (Đoàn luật sư Hà Nội) đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến.


 


Hiện tại, Báo Tuổi Trẻ đã mời luật sư Trần Văn Tạo – Văn phòng luật sư Trần Văn Tạo (TP.HCM) đứng ra bảo vệ cho nhà báo Nguyễn Văn Hải trong vụ án này.


 


Câu hỏi mà báo Thanh Niên đặt ra là tại sao có rất nhiều người viết về vụ tham nhũng PMU 18 và thời gian đã trôi qua hơn hai năm, nay đột nhiên hai nhà báo của hai tờ báo chống tham nhũng hàng đầu trong cả nước lại bị bắt.


Báo Thanh Niên phân trần và kết luận trong đoạn viết sau đây:


Trong vụ việc này, PV Nguyễn Việt Chiến hoàn toàn làm theo chức phận của một nhà báo, là đưa tin (với những thông tin lấy từ nguồn tin có căn cứ) cung cấp đến bạn đọc, để chống tiêu cực. Anh không hề có động cơ cá nhân, không vì vụ lợi, không vượt quyền hạn cho phép. Tất cả chỉ vì một động cơ: Chống tham nhũng, bảo vệ chế độ. Vậy tại sao phóng viên này lại bị khép tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”?


Những thông tin mà PV Nguyễn Việt Chiến có được đều từ các nguồn tin có căn cứ, nguồn tin từ cơ quan điều tra, từ Viện Kiểm sát… mà phóng viên này đã xây dựng suốt hơn 10 năm làm mảng nội chính của Báo Thanh Niên. Động cơ phóng viên viết bài hoàn toàn trong sáng.


Còn về hậu quả, nếu vụ án PMU 18 có oan sai, có làm dư luận hiểu sai về một số cán bộ, cơ quan nhà nước thì lỗi đó trước hết thuộc về những người từ cơ quan tố tụng đã cung cấp thông tin cho nhà báo. Không thể vì có oan sai mà đổ hoàn toàn lỗi này cho các nhà báo.


Và nếu như trong thời điểm nào đó các nhà báo chân chính có sai sót, thì các cơ quan chức năng có thể góp ý rút kinh nghiệm trên tinh thần đồng chí, trên tinh thần đồng đội cùng chiến hào chống tham nhũng, chống tiêu cực.


Trong một cuộc họp gần đây với lãnh đạo các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo chủ trì, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Quốc Phong đã bày tỏ mối băn khoăn về thông tin đang lan truyền sẽ có khởi tố bị can những người viết bài liên quan đến vụ PMU 18.


Ông Phong có nêu: Không rõ vụ việc nói trên cơ quan pháp luật có trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo với tư cách là những cơ quan định hướng dư luận, quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi nhà báo?


Ông Phong nhắc lại câu chuyện cũ cách đây khoảng chục năm. Khi đó, cũng tại một buổi họp với báo chí, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, ông Hữu Thọ đã kể lại một câu chuyện: khi cơ quan pháp luật ra lệnh bắt giam nhà báo Hoàng Linh, Tổng biên tập Báo Doanh nghiệp Việt Nam, ông Hữu Thọ có nói rằng khi nghe phong thanh có chuyện bắt Tổng biên tập Hoàng Linh, ông Thọ đã bày tỏ quan điểm là phải thật thận trọng. Nhưng vì không có sự trao đổi nên phía Ban Tư tưởng Văn hóa lúc đó cũng không có văn bản bày tỏ quan điểm chính thống.


Đến khi vụ án Nguyễn Hoàng Linh không xử được, thì các cơ quan pháp luật có đặt vấn đề tham khảo ý kiến ông Hữu Thọ, ông đã trả lời: “Lúc bắt có hỏi tôi đâu, đến khi không kết tội được và muốn thả, thì mới hỏi tôi là thế nào?”… Không biết trong vụ việc bắt hai nhà báo lần này, các cơ quan trên có được tham khảo ý kiến?


Về trách nhiệm của Bộ Công an. Trong 2 năm phản ánh về diễn biến vụ án PMU 18, tòa soạn và Ban Biên tập Báo Thanh Niên không hề nhận được bất cứ một văn bản nào từ cơ quan điều tra vụ án, từ Tổng cục Cảnh sát, từ Bộ Công an, từ Viện KSND tối cao thông báo về việc báo đăng tin, bài không chính xác về vụ PMU 18.


Tại sao Bộ Công an có người phát ngôn nhưng không công khai đưa ra những thông tin cảnh báo báo chí từ khi các cơ quan báo chí mới đưa tin về vụ án này. Tại sao Bộ Công an không cung cấp thông tin chính thống từ phía Bộ?


Nếu cho rằng báo chí có nhiều sai sót trong việc phản ánh vụ án PMU 18, thì trước hết, Bộ Công an cần làm rõ trách nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, Cơ quan điều tra vụ án, trách nhiệm người phát ngôn Bộ Công an, của Văn phòng Bộ Công an, của Trung tâm báo chí Bộ Công an… là những người, những cơ quan đã không liên lạc với báo chí trong suốt 2 năm qua để điều chỉnh những thông tin mà họ cho là báo chí đã đưa không chính xác về vụ PMU 18.


Những phóng viên theo dõi ngành, trong suốt 2 năm qua đã dự rất nhiều cuộc họp với các cơ quan của Bộ Công an để tuyên truyền công tác cho ngành, nhưng chưa có cuộc họp nào nhắc nhở kịp thời về những thông tin sai (nếu có). Trong suốt thời gian báo chí đăng nhiều tin, bài về vụ án PMU 18, chúng tôi cũng không hề thấy Bộ Công an phối hợp kịp thời với Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương trong các thời điểm “nóng” để chỉ ra những thông tin chưa chính xác của báo chí và có hướng điều chỉnh. Vậy sự “im lặng” kéo dài của Bộ Công an trong thời gian này có nguyên cớ gì?


Thật đáng tiếc, trong khi Đảng, Chính phủ kêu gọi chống tham nhũng và đánh giá cao vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng thì hai phóng viên “nhiệt huyết, có nghề” của hai tờ báo có uy tín đã bị bắt. Trước khi bị đưa đến nơi tạm giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vẫn khẳng khái: “Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình”.


Báo Thanh Niên hoàn toàn ủng hộ và sẽ đứng bên cạnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong cuộc đấu tranh này. Chúng tôi tin tưởng bạn đọc sẽ tiếp tục đặt lòng tin vào Báo Thanh Niên và tất cả các nhà báo chân chính, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan pháp luật làm sáng tỏ sự việc vì lợi ích của đất nước và dân tộc.