Hoàn toàn “made in Australia”: Star Melody & Tình khúc Từ Duy, đại nhạc hội trực tiếp thu hình DVD, Thứ sáu 1 tháng 7

28 Tháng 6, 2011 | Điện ảnh

 


                                                  Hương Bình


 









Nhạc sĩ của “Tình khúc Từ Duy”, một dự tính báo bạo, lần đầu tiên ở Úc

 


 


Từ Duy là một nghệ sĩ tuy chưa phải là một tên tuổi nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại nói chung và ở Úc nói riêng, nhưng có lẽ sẽ được cộng đồng yêu văn nghệ ở Melbourne đón nhận vì anh đang làm một việc mà chưa có người nào ở Úc dám làm.


 


Cây nhà lá vườn


 


 Đó có thể là những show của các trung tâm lớn như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn hay bởi những ông bà bầu ở Úc mời họ sang trình diễn. Cũng có thể là những show được trình diễn bởi những ca sĩ ở Mỹ và từ Việt Nam. Ca sĩ ở Úc nếu có, chỉ đóng vai trò đệm rất khiêm nhượng gọi là “các màn phụ diễn bởi ca sĩ địa phương”.


 


Cuối tuần này, một chương trình đại nhạc hội quy mô sẽ được thực hiện bởi các ca sĩ tại Úc, chính xác hơn, các ca sĩ tại một thành phố nổi tiếng là thủ đô văn hóa nghệ thuật của cả nước—Melbourne.


 


Qua cuộc tiếp xúc với người chủ trương chương trình nhạc hội này -nhạc sĩ Từ Duy- chúng tôi được biết một số thông tin như sau:


 


– Đại nhạc hội sẽ diễn ra tại The Quin Auditorium,  một hí viện sang trọng, đạt tiêu chuẩn quốc tế.


 


– Chương trình sẽ được trực tiếp thu hình DVD sau này để bán ra thị trường như các trung tâm ở Mỹ.


 


– Người thực hiện thu hình là Andrew Teleky, một chuyên viên làm việc freelance cho đài số 7 và đài số 10.


 


– Ban nhạc, ngoài những nhạc công người Việt, còn có ba người Úc chơi các nhạc cụ như trunpet, saxo, trống.


 


– Có 3 nhóm vũ của Úc phụ diễn để sân khấu được đầy và linh động như các show của người Việt ở Mỹ.


 


– Nhưng đáng nói là tất cả các ca sĩ đều là những “ca sĩ địa phương”, những người đang sinh sống tại Melbourne. Họ là ca sĩ địa phương nhưng trong đó có những tiếng hát không thua gì những ca sĩ có tên  tuổi ở Mỹ hay Việt Nam. Sự khác biệt là những ca sĩ địa phương đó không chọn nghề ca hát là nghề chính, mà chỉ coi như nghề tay trái hoặc để vui chơi cuối tuần.


 


– Và đáng nói hơn cả là  các nhạc phẩm trình diễn trong đại nhạc hội này đều do một người viết.  32 ca khúc được 17 ca sĩ trình diễn đều do nhạc sĩ Từ Duy viết.


 


Tuy chưa phải là một nhạc sĩ “thành danh” theo nghĩa thông thường, Từ Duy đã có ít ra 3 bản nhạc được một trung tâm nhạc ở Mỹ thực hiện vào cuối thập niên 1990, đó là trung tâm Asia với 3 bài  “Mái tranh mơ”, “Con gái nhà lành” và Nhớ người dưng”.


 


Từ Duy cho biết mặc dù một nhạc sĩ “ôm hết” các ca khúc của một chương trình đại nhạc hội, anh nghĩ rằng người nghe sẽ không nhàm chán bởi giòng nhạc của anh bao gồm những bản nhạc từ thể loại quê hương tình tứ ủy mị qua điệu bolero, những tình khúc êm dịu sâu lắng với slow đến những điệu nhạc sôi nổi như samba, rock & roll, hip hop…


 


Chúng tôi đã được anh cho nghe một CD quảng cáo (demo) gồm vài ca khúc tiêu biểu sẽ được trình diễn trong đêm đại nhạc hội  bởi các ca sĩ Melbourne như bài “Mãi mãi yêu anh” do Hoàng Yến hát, “Dù đã yêu anh” qua giọng hát Đoan Trang, “Em về đi” bởi  Tony Trịnh và “Giã từ” bởi Tina Cao và nhận thấy rằng các ca khúc này có triển vọng sẽ đạt kết quả về mặt thương mại, nghĩa là sẽ thỏa mãn thị hiếu của quần chúng, lớp người trẻ tuổi và những người thích loại nhạc mà người ta thường gọi là “nhạc sến” như  đã được định nghĩa và bàn luận qua vài bài viết trên báo TVTS hồi gần đây.


 







 


Vì lý do kỹ thuật, nhạc thu qua băng đĩa thường đặt tiêu chuẩn hơn nhạc thu ở trên sân khấu. Nhưng như Từ Duy cho biết, anh đã bỏ công luyện tập cho các nghệ sĩ và những người trình diễn sẽ có một ngày tổng dượt tại sân khấu The Quin Auditorium nên anh rất hy vọng chương trình của anh sẽ đạt tiêu chuẩn, không thua gì các chương trình của các trung tâm lớn ở Hoa Kỳ, mà giá vé thì tương đối tượng trưng $35 cho hạng ba, nghĩa là vừa túi tiền của mọi người trước một thử nghiệm được coi là táo bạo của anh. Tất cả đều được “sản xuất tại Úc”.


 


Từ Galang tới Melbourne


 


Sở dĩ có bài viết giới thiệu những ca khúc của Từ Duy trong số báo này là do tình cảm phát xuất từ “Galang: cửa ngõ tình người” ở Nam Dương, nơi tôi và nhạc sĩ Từ Duy gặp nhau từ năm 1980 đến năm 1981.   Từ Duy sống nửa năm ở Galang và tôi suýt trở thành “chúa đảo” vì trụ trì hơn một năm.


 


Ngày đó tôi hoạt động trong Trung tâm Sinh hoạt Thanh niên (Youth Center) nên có dịp tiếp xúc với nhiều giới, từ những nhà khoa bảng, những nghệ sĩ nổi tiếng đến dân anh chị. Galang là một nước Việt Nam thu hẹp  với khoảng, tùy thời gian, từ 10,000 đến 15,000 người sống chen chúc như cá hộp trong các barrack.


 


Vì phụ trách tổ chức văn nghệ nên tôi có dịp tiếp xúc với những nhạc sĩ như Lê Văn Thiện,  ca sĩ Vân Trung (ca sĩ phòng trà của thập niên 60 nổi tiếng ở trại tị nạn Galang trong những lần trình diễn một lúc 3 bài Hòn Vọng Phu) và nhiều anh chị em nghệ sĩ từng chơi ở các phòng trà tại Việt Nam trước đây. Trong lớp trẻ mà tôi thường có dịp tiếp xúc, mời cộng tác với các ban nhạc trình diễn hàng tuần ở Trung tâm Thanh niên, có Từ Duy. Anh sử dụng guitar và trống (sang Úc tôi thấy anh chơi thêm saxo).


 


Nhưng mối giao hảo nhiều nhất ngày đó với Từ Duy là việc mời anh làm người chụp hình cho các sinh hoạt văn nghệ của Trung tâm, dĩ nhiên là chụp hình có trả tiền vì Trung tâm có quỹ hoạt động do Linh mục Dominici tài trợ.


 


Ngoài nghề chụp hình, một nghề mang lại lợi tức cho anh ở trại tị nạn, Từ Duy còn phụ trách lớp dạy may ở trung tâm huấn nghệ bởi anh là người chuyên vẽ kiểu áo (design).


 


Sự quen biết đó còn kéo dài khi vào khoảng giữa thập niên  1980, gặp nhau tại Úc, anh đã nhờ tôi giới thiệu với những người giỏi tiếng Anh và biết luật lệ ở nước này để anh xin đăng ký bằng sáng chế. Tôi rất nhạc nhiên bởi một phó nhòm và một văn công nay lại muốn trở thành một khoa học gia, một nhà sáng chế. Anh cho biết anh đang làm việc với Telecom (nay là Telstra) và vừa thực hiện được một sáng chế về điện thoại alarm.


 


Bẵng một thời gian gặp lại, anh cho biết đã không tiến hành được việc đăng ký bằng sáng chế vì thủ tục khó khăn nên anh đã chuyển sang hoạt động trong lãnh vực âm nhạc mà anh mê hồi nhỏ, từ khi được huấn luyện trong đội kèn đồng của giáo xứ. Chính nơi đây giúp anh học được căn bản về xướng âm (solfège) làm nền tảng cho việc sử dụng các nhạc cụ và sáng tác nhạc sau này.


 


Tại quê hương thứ hai này, “tác phẩm” nghệ thuật đầu tay của Từ Duy là việc thực hiện băng nhạc “Đi Hoang Ngày Qua” của Nhóm Vào Đời và sau đó là băng nhạc “Tị Nạn Ca” của Bích Ngọc. Vào khoảng năm 1985 – 1986  Từ  Duy làm phòng thu âm để thu băng, tự phối âm để ra hai cuốn cassette là một chuyện lạ đối với người Việt ở Melbourne.


 


Từ những bước đầu chập chững đó, Từ Duy ngày nay đã có một phòng thu âm đúng tiêu chuẩn, chuyên nghiệp, thực hiện những dịch vụ thu âm cho những ai muốn có những audio cho họ, như CD demo hay CD quảng cáo.


 


Quá trình 30 năm từ ngày vượt biên sang định cư ở Úc cho thấy Từ Duy là một người đa nghệ, nhưng hầu hết dính dáng đến nghệ thuật. Hỏi anh hiện nay nghề nào là nghề chính của anh, Từ Duy nói đấy là dạy nhạc. Trong số 17 ca sĩ trình diễn trong chương trình đại nhạc hội, có hai người là học trò của Từ Duy.


 


Làm một chương trình đại nhạc hội quy mô với hoàn toàn nhạc do mình viết,  với ca sĩ hoàn toàn địa phương, có thu âm để ra video bán là một tính toán táo bạo. Không có đầu tư nào mà không có nguy hiểm. Nhưng đầu tư vào nghệ thuật thường ít mang lại lợi nhuận.


 


Từ Duy đã chọn con đường này, đưa nghệ thuật của cộng đồng địa phương lên tầm mức thương mại là việc làm đáng khen và đáng ủng hộ.


 


Sự thành bại không thể biết được. Nhưng vì mối duyên văn nghệ của 30 năm về trước, của thời tị nạn đáng nhớ ở trại Galang, tôi mong cho Từ Duy hoàn thành được ước nguyện mà anh đã ấp ủ và tiến hành trong hai năm qua để có thể thực hiện chương trình đại nhạc hội trực tiếp thu hình DVD này vào ngày Thứ Sáu, 1.7.2011  lúc 7pm tại The Quin Auditorium, 204 Churchill  Avenue, Braybrook.