Hoàng Cầm, thi sĩ “Lá Diêu Bông” đã qua đời

06 Tháng 5, 2010 | Tin Việt Nam

 









Hoàng Cầm. Hình Dân Trí


 


Người từng có dính líu vào vụ Nhân văn Giai phẩm cách đây nửa thế thế kỷ đã qua đời tại Hà Nội hôm nay, thọ 88 tuổi. Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như Lá Diêu Bông, Bên kia sông Đuống, Về Kinh Bắc, Kiều Loan…


Năm 1955, một nhóm văn nghệ sĩ, gồm Trần Dần, Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Trúc Lâm, Tử Phác đệ trình “Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa”, yêu cầu cần có tự do sáng tác.


Năm 1956, số Giai phẩm mùa xuân đăng bài thơ Nhất định thắng của nhà thơ Trần Dần. Bài này bị phê phán mạnh mẽ. Họ bị thất sủng.


Chỉ đến năm 1988 một số người liên quan đến vụ Nhân văn Giai phẩm như Hoàng Cần, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quấn mới được phục hồi hội tịch nhà văn.


Năm 2007, bốn trong số các nhân vật chính của “vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm” đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, cùng 154 người khác.


Trả lời phỏng vấn BBC ngày 22.02.2007, nhà thơ Hoàng Cầm nói rằng phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm thực chất là một tiếng nói đòi thay đổi cách lãnh đạo văn nghệ.


Ông nói mong muốn duy nhất của Nhân Văn-Giai Phẩm là có tự do sáng tác chứ không hề muốn “chống Đảng, chống nhà nước.”



Báo Dân Trí  ở Việt Nam hôm nay viết về thi sĩ Lá Diêu Bông như sau:


Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình nhà nho lâu đời. Năm 1938, ông ra Hà Nội học trường Thăng Long và đỗ tú tài toàn phần, bước vào nghề văn từ năm 1940. Cũng từ thời gian này, bút danh Hoàng Cầm đã được ông sử dụng dựa trên tên một vị thuốc quí.


Ông tham gia trên nhiều lĩnh vực: thành lập đoàn kịch Đông Phương trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám; thành lập đội tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên và được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị năm 1952. Sang năm 1955, ông chuyển sang làm trưởng đoàn kịch nói và không ít lâu sau về Hội Văn nghệ Việt Nam làm công tác xuất bản.


Tháng 4/1957, ông tham gia thành lập Hội nhà văn Việt Nam, và được bầu vào Ban chấp hành. Tuy nhiên, không lâu sau, do vụ án“Nhân văn giai phẩm”, ông thôi công tác tại Hội nhà văn.