Studley Park và Yarra Boulevard: đẹp nhất Melbourne (với làng dơi 30 ngàn con!)

05 Tháng Mười, 2015 | Úc châu

 

Thụy Văn

 

 

Sông Yarra thơ mộng với Boat House nằm trong khu Studley Park Picnic Area là nơi mà những ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ đầy du khách đến du ngoạn, barbecue và vui chơi ngoài trời với sông, đồi cỏ… Hình: TVTS

 

 

Ở thành phố Melbourne, nhà cửa đắt đỏ nhất  là ngoại ô Toorak, nơi có nhiều nhà lớn nhất, lộng lẫy nhất, đất rộng nhất, có nhiều triệu phú nhất, cả tỉ phú nữa. Nhưng có một ngoại ô nằm trong TOP 10  của Melbourne, tuy nhà không đồ sộ, đất không  lớn lắm nhưng được xem là thơ mộng nhất, đó là Kew, nơi đây cũng có tỉ phú nổi tiếng là Richard Pratt (ông đã qua đời) sống với vợ trong lâu đài Raheen trên đường Studley Park Road nguyên là nhà của Tổng Giám mục Giáo phận Melbourne.

 

Cố Tổng Giám mục Sir  Frank Little bán cho ông Pratt vì ngài nói tòa nhà rộng quá ở một mình phí. Sau này ông Pratt muốn tặng cho chính phủ tiểu bang Victoria, nhưng nghe nói Thủ hiến Jeff Kennett đòi mỗi năm phải cho chính phủ 100 ngàn đô la để bảo trì tòa nhà trị giá khoảng $50 triệu này nên tỉ phú Pratt rút lại đề nghị hiến tặng.

 

Khoảng 20 năm trước, khi viết về thắng cảnh Melbourne và đầu tư địa ốc, Thụy Văn tôi có nhắc tới vùng Kew, một ngoại ô khá quen thuộc với người Việt vào đầu thập niên 1980.

 

Cây cầu treo bắc ngang sông Yarra từ Boat House sang đồi có sân banh Corben Oval. Hình: TVTS

 

 

Khung cảnh hữu tình

 

Thời đó, xa quê hương nhớ nhà, người Việt hay tổ chức tụ họp với nhau bằng cách đi pic-nic ở Studley Park Picnic Area nơi có chỗ cho thuê thuyền chèo cỡ lớn và nhỏ  (Studley Park Boat House) và khu vực barbecue rất đẹp. Kew Studley Park chỉ cách đường Victoria St ở Richmond chừng hai cây số thuộc quần thể Yarra Bend Park.

 

Công viên Yarra Bend như tên gọi  là một khu đất cao hình cong như một bán đảo được  sông Yarra lượn cong  và bọc chung  quanh. Con sông chạy từ vùng Fairfield đến Kew,  Abbotsford (trước khi tới Richmond, ra Southbank và đổ ra vịnh Port Phillip) nên phong cảnh rất đẹp, có thể đi bộ dọc hai bên bờ sông hay chạy xe đạp ở đường mòn Main Yarra Trail ven sông.

 

Muốn thưởng thức vẻ đẹp của Yarra Bend Park?

 

Này nhé, nếu bạn chạy cuối đường Johnston St (từ Hoddle St hay Lennox St lên hướng ngã năm Kew Junction, khi tới gần cây cầu, sẽ thấy bên tay phải (vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật) vô số xe đậu trong bãi đất rộng. Có cái gì hay, lạ bên trong? Đó là Abbotsford Convent, ngày xưa là dòng tu, một tu viện lớn hàng đầu tiểu bang, nay là nơi dùng để  vui chơi, ăn,  uống cà phê, nghe nhạc, xem triển lãm nghệ thuật và nhất là nơi để trẻ con tới vui đùa với loài vật có tên là Collingwood Childrens Farm.

Khu đất rộng gần 7 hếc-ta chạy dọc sông của Tu Viện cũ cũng là nơi để du khách đi bộ hay mua sắm vì trong khuôn viên có khu chợ trời.

 

Có một thời người ta muốn biến tu viện với những tòa nhà cổ kính thành một học xá của đại học hay xây những apartment  nhưng cư dân ở đây luôn phản đối.

 

Tu viện Abbotsford Convent và bên cạnh là Collingwood Childrens Farm. Hình: TVTS

 

Qua khỏi cầu vài chục mét, thay vì đi thẳng lên đường Studley Park Road, bạn quẹo trái thì sẽ tới ngõ ra đường Yarra Boulevard. Bạn đã bắt đầu có cảm tưởng mình ở trong rừng rồi đấy. Chừng trăm mét nữa sẽ đụng Yarra Boulevard. Chạy thêm khoảng trăm mét, thấy bảng Studley Park Boat House, bạn quẹo trái thì sẽ xuống khu vực picnic, trong này có chỗ đậu cho vài chục chiếc xe. Ngày Chủ Nhật, hàng trăm chiếc xe phải đậu trên đường Yarra Boulevard  kéo dài cả cây số vì có quá nhiều gia đình và những nhóm bạn bè pic-nic ăn uống ở đây.

 

Có một cây cầu treo để du khách có thể đi bộ qua phía bên kia đảo hoặc lái xe qua khu vực này bằng cách chạy dọc Yarra Boulevard tới vùng Fairfield để qua bán đảo này, nơi đây cũng có chỗ picnic rất đẹp với bến cho thuê thuyền chèo.

 

Đi xa chút nữa, hơn một cây số qua khỏi đường Molesworth St chừng một trăm mét, bạn sẽ thấy bản đề  Bell Bird Picnic Area. Nơi đây có loại chim rất đẹp hót như tiếng chuông và cũng có khu vực vui chơi với barbecue công cộng,  căn chòi che mưa nắng.

 

Bell Bird Pinic Area (hình lớn)  và làng dơi flying-fox 30,000 con. Hình: TVTS

 

Tuy không lớn và được nhiều người lui tới như ở khu Boat House  nhưng nơi đây có chỗ để ngắm những con dơi đầu xám flying-fox to như con cáo đu tòn ten trên những cành cây trụi lá mà từ xa trông như những trái cây khô. Với khoảng 30 ngàn con sống trong khu Bell Bird Area này, chính phủ Lao động của Thủ hiến Steve Bracks đã biến làng (gọi là colony) của dơi mặt cáo thành khu du lịch và thắng cảnh của Melbourne, cho những ai thích xem dơi.

 

Năm 2003, để tránh loài dơi mặt cáo phá nát vườn Royal Botanic Garden, chính phủ  Bracks có dự án đưa đàn dơi đi xa thành phố, tận ở vùng Ivanhoe có nhiều cây cối. Nhưng đưa mấy chục ngàn con đi xa không dễ. Phải dụ chúng đi từng đoạn ngắn và Kew Studley Park là trạm dừng chân tạm.  Nhưng qua một thời gian, không phải thấy cảnh đẹp và nơi đáng sống nhất Melbourne mà đàn dơi muốn ở lại. Chính phủ Bracks đổi ý, quyết định cho đàn dơi định cư vĩnh viện tại đây.

 

Những con dơi trong làng dơi 30,000 con ở Bell Bird Pinic Park (hình trên và dưới). Hình: TVTS

 

Cư dân vùng Kew hồi đó phản đối, nói mỗi chiều tối thấy đàn dơi bay đi kiếm ăn làm bầu trời trông dơ bẩn, thấy cũng là đã phát bệnh chứ chưa nói mùi hôi của chúng gây khó chịu cho cuộc sống. Nhưng chính phủ Bracks không thèm nghe.

 

Lý do? Kew là vùng thành đồng của Tự do trong khi Ivanhoe là vùng xôi đậu.  Mất lòng dân vùng Kew chả sao vì Lao động không thể nào thắng cử ở Kew. Nên thà lấy lòng cử tri ở Ivanhoe là vùng bấp bênh. Thế là Chính phủ Lao động nói họ không thể di chuyển đàn dơi tới Ivanhoe như dự tính vì lý do khó khăn, tốn thời gian và nhất là tốn tiền.

 

Cuối cùng, để thưởng thức trọn vẻ đẹp của thành phố, bạn có thể lái xe đi xa hơn chút nữa, hay tốt nhất là đi bộ để ngắm dòng sông lượn như con rắn sâu thẳm dưới thung lũng hoa vàng (wattle, một loại quốc hoa của Úc, nở rộ cuối đông và đầu xuân), những đồi cù đẹp không thua hay còn đẹp hơn và rộng hơn đồi cù Đà Lạt.

 

Chụp trên cầu xa lộ Eastren Freeway (nhìn về miền tây, trên) và núi Dandenong ở miền đông (dưới). Hình: TVTS

 

 

Tới cây cầu bắc ngang xa lộ Eastern Freeway, bạn có thể đứng đây ngắm thành phố Melbourne ở phía tây hay núi Dandenong ở phía đông. Qua khỏi khu đồi tay phải có trung tâm phục hồi The Royal Talbot Rehabilitation Centre, bạn sẽ đụng một vòng cung thật ngặt để quẹo phải ở dốc cao nhất của con đường Yarra Boulevard và của khu Yarra Bend Park. Hãy dừng lại ở đồi vọng cảnh này, có bảng ghi Wurundjeri Spur Lookout.

 

Đồi vọng cảnh Wurundjeri Spur Lookout, nhìn thấy thành phố và sân cù. Hình: TVTS

 

 

Từ mô-tô tới xe đạp

 

Thụy Văn tôi hơn 30 năm trước đã cùng bạn bè đứng ở nơi cao nhất này để ngắm cảnh và để nhớ nhà, quê hương. Chúng tôi đã lần những đường mòn để xuống sông ngắm cảnh êm đềm tịch mịch, ít người chỉ có mình chúng tôi với chúng tôi,  dưới những cành lá mềm dài như mái tóc thiếu nữ rũ xuống mặt nước đẹp và buồn vô tận.

 

Hơn chục năm trước đây, chỗ lookout trên dốc cao này là nơi tụ họp của dân chạy xe mô-tô, nhưng từ ngày  dân xe đạp “cắm dùi” con đường Yarra Boulevard  thì người ta không còn nghe tiếng rú điếc tai của xe mô-tô hay thấy những yên hùng cỡi những chiếc xe mã lực hàng trăm phân khối biểu diễn liệng ngang liệng dọc trên những khúc quanh của con đường, bánh xe nghiêng thấp sát mặt đất như họ đang thi đấu trong các trường đua xe!

 

Vũ Khúc Trăng: Lái xe đêm trăng trên đường Yarra Boulevard thì không có đâu đẹp hơn, để thấy trăng múa !!!

 

Khoảng chục năm nay khi phong trào xanh bùng nổ, chiếm một số ghế quan trọng trong các đơn vị bầu cử  liên bang và tiểu bang, nhiều hội đồng thành phố trở thành những cái nôi của đảng Xanh hay cảm tình viên đảng Xanh, hay đơn thuần là những người yêu xanh.

 

Hội đồng thành phố Melbourne và Yarra nổi tiếng với khuynh hướng xanh. Ông thị trưởng Robert Doyle muốn một ngày nào đó trung tâm Melbourne sẽ là nơi chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp và các phương tiện di chuyển công cộng. Vì vậy nhiều lane (làn/tuyến) dành cho xe hơi biến thành đường cho xe đạp. Con  đường Yarra Boulevard cũng chịu chung số phận, theo đường lối của Yarra City.

Yarra Boulevard theo Thụy Văn tôi là con đường đẹp nhất và cũng nguy hiểm nhất.

 

Con đường dài khoảng 5.5 cây số rưỡi, chạy từ đường Walmer St gần trường tiểu học Xavier  tới đường Chandler Highway gần xa lộ Eastern Highway. Nhìn vào bản đồ bạn sẽ thấy con sông Yarra uốn lượn như thế nào và tưởng tượng một đêm trăng lái xe trên con đường này để ngắm cảnh.  Nhưng dù đêm hay ngày, phải coi chừng những người đi xe đạp. Nhiều người chạy rất bừa bãi, không tuân thủ bảng hiệu và lằn vẽ trên đường.

 

Ban đầu, để ngăn chận những tay mô-tô chạy đua trên đường này, người ta vẽ một lằn đường dành cho xe đạp và một đường đủ cho xe hơi chạy. Do đó các tay mô-tô không còn có thể qua mặt bất cứ lúc nào ở trên những đoạn lượn cong nữa.

 

Xe đạp chạy trong tuyến dành cho xe hơi ở đường Yarra Boulevard này là chuyện hàng ngày ở huyện. Tháp Eureka nằm ở hậu  cảnh. Hình: TVTS

 

Rồi một ngày đẹp trời, Thành phố Yarra có sáng kiến làm một con đường riêng hai chiều cho xe đạp và tách biệt với đường dành cho xe hơi bằng một lề xi măng. Sự phân cách này chỉ ở một đoạn ngắn mà thôi, nhưng  Thụy Văn tôi hàng ngày trên đường đi làm việc, thấy phần lớn người đi xe đạp không chạy trong khu vực dành riêng cho họ mà chạy trên con đường hẹp hai chiều dành cho xe hơi. Có nghĩa xe hơi muốn qua mặt họ, phải chạy qua bên kia đường xe ngược chiều!

 

Không những chạy trên đường chỉ dành cho xe hơi,  họ còn chạy hàng hai hàng ba nữa. Mà đó không phải là những cuộc đua xe, chỉ là những người đạp xe đi làm hay tập thể thao. Họ chạy song song hay cặp kè ba người để nói chuyện với nhau. Dĩ nhiên cũng có một số người đi xe đạp biết tuân thủ luật đi đường, nhưng con số này… bị hơi ít!

 

Ở đoạn dành riêng cho xe đạp với 2 chiều có lề xi măng phân cách, chỉ có hai người chạy xe tương đối gần đúng (bên phải) trong khi hai người khác chạy choáng đường xe hơi. Hình: TVTS 

 

Và có lẽ cũng vì thế mà đã có cuộc chiến chống người đi xe đạp bằng trò thả đinh mũ/ đầu bẹt (tacks) trên đường Yarra Boulevard. Hành động chống đối bằng cách thả đinh này bị cảnh sát coi là hành động tội phạm (crime) có thể gây nguy hiểm tính mạng cho người đi xe đạp. Đã có những cuộc biểu dương  quy tụ cả ngàn người đi  xe đạp trên Yarra Boulevard để phản đối, cho biết giới xe đạp sẽ không khuất phục trước hành động phá hoại này.

 

Người ta đã đặt một số dụng cụ vá và bơm dọc đường Yarra Boulevard để người đi xe đạp có thể sử dụng trong trường hợp bánh xe bị đinh đâm thủng. Việc rải đinh trên đường xảy ra đã vài năm. Có những lúc người đi xe đạp và thân hữu đã tổ chức những buổi đi lượm đinh ở ven đường. Hội đồng Thành phố cũng cho xe rác đi hút đinh. Nhưng ra vẻ chiến dịch phá hoại nhắm vào người đi xe đạp trên con đường này không ngưng.

 

Dân đi xe đạp muốn nhà chức trách có nhiều hành động hơn như tuần tra hay gắn máy camera để chụp hình bọn phá hoại.

 

Cảnh sát cảnh báo đinh đầu bẹt trên đường và yêu cầu báo cáo những hành vi đáng nghi ngờ. Hình TVTS chụp tuần qua

 

Suốt tuần qua cảnh sát đã đặt một bảng cảnh cáo lớn trên con đường này gần khu chung cư  Willsmere Residential Community với những dòng chữ: “Hãy coi chừng đinh tán trên đường.  Cảnh sát đang hành sự trong khu vực này.  Hãy báo cáo những hành vi đáng nghi ngờ”.

 

Người ta không biết những tay phá hoại đi bộ rải đinh hay rải khi lái xe. Đến nay chưa ai bị bắt vì hành động này, nhưng ra vẻ cũng làm cho người đi xe đạp lo ngại.

 

Đinh đầu bẹt (định rệp, tacks) là loại đinh dễ đâm vào bánh xe khi dẫm lên, lại chỉ gây hại cho bánh xe đạp chứ không ảnh hưởng gì đến bánh xe hơi vì nó ngắn. Có người cho rằng có lẽ vì vậy người đi xe đạp không chạy trong lane dành cho họ sát lề đường mà chạy lấn sang đường dành cho xe hơi để khỏi bị đinh làm thủng bánh xe.

 

Điều này không đúng vì ở đoạn cách biệt dành riêng cho xe đạp, có một lane xa  lề đường nhưng họ không chạy. Có vẻ nhiều người đi xe đạp nghĩ rằng họ là “vua” trên đường, muốn chạy sao cũng được, vì vậy đã xảy ra những vụ cãi cọ, gây hấn trên đường lộ giữa người lái xe hơi và đi xe đạp.

Hầu hết những người lái xe hơi trên đường Yarra Boulevard không hài lòng với những người đi xe đạp lấn đường xe hơi.

 

Khuyến khích đi xe đạp để bảo vệ sức khỏe, môi sinh và giảm nạn kẹt xe là rất tốt, nhưng giáo dục người đi xe đạp là việc rất khó, làm luật để phạt họ như đối với người lái xe hơi càng khó hơn.

 

(TVTS số 1537 phát hành ngày 9.9.2015)

 

Còn một kỳ: Những tai nạn chết người trên đường Yarra Boulevard và nhà cửa vùng Kew.