Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp khẩn cấp
ở Ankara hôm 20.7.2016. Photo Courtesy: Reuters
Phát biểu trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan khẳng định, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là nhằm củng cố các cơ quan công quyền sau cuộc đảo chính, chứ không nhằm hạn chế tự do và các hoạt động chính trị, xã hội của người dân cũng như các chính đảng.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp được chính quyền Ankara đưa ra ít giờ sau cuộc họp khẩn cấp bất thường của Hội đồng an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chủ trì của Tổng thống Erdogan.
Cũng sau cuộc họp khẩn cấp này, một loạt quyết sách liên quan đến việc tái cấu trúc quân đội và tăng cường công tác an ninh dự kiến cũng sẽ được chính quyền Ankara áp đặt.
Ông Erdogan khẳng định các nước khác không nên can thiệp vào những vấn đề của Ankara. Ông cũng thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ “có quyền quyết định vận mệnh của chính mình”.
Trước đó, ông cảnh báo sẽ tiếp tục thực hiện việc bắt giữ những người mà nhà chức trách cho rằng phải chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính. Chính quyền Tổng thống Erdogan tới nay đã sa thải hoặc đình chỉ hơn 50,000 công chức nhà nước. Hôm qua, 99 quan chức quân sự hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị truy tố vì liên quan tới âm mưu lật đổ.
Đại tướng không quân Akin Ozturk, người bị cáo buộc
cầm đầu cuộc đảo chính. Photo Courtesy: Daily Sabah
Việc Tổng thống Erdogan thẳng tay trừng trị với những người bị cáo buộc đã thực hiện cuộc đảo chính khiến dư luận cho rằng ông Erdogan đang “mượn gió bẻ măng” để “nhổ cỏ” tận gốc những thành phần bất đồng chính kiến, bất kể họ có tham gia cuộc đảo chính hay không.
Quả thật, quy mô của chiến dịch bắt bớ và sa thải khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Tổ chức Ân xá quốc tế, Tổ chức Quan sát nhân quyền cùng các nhà lãnh đạo Âu – Mỹ đều đồng thanh kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nên tuân thủ luật pháp.
Tuy nhiên đáp lại những chỉ trích, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan – ông Ibrahim Kalin – bày tỏ sự bực dọc: “Chúng tôi là những người phải xuống đường, đổ máu vì dân chủ và luật pháp (chứ không phải các vị)”.
Hiện vị thế của Tổng thống Erdogan sau cuộc đảo chính giờ đây vững “như bàn thạch”, đến mức dư luận nghi ngờ ông này tự đạo diễn, hay ít nhất là biết trước và cố tình lợi dụng nó.
Trong số câu hỏi có những thắc mắc như tại sao phe đảo chính không khống chế ông Erdogan và dàn quan chức cấp cao, hay tại sao họ không chiếm sân bay, đài phát thanh, truyền hình, mạng Internet một cách hiệu quả?
Kết quả của sơ hở này là trong những giờ đầu hỗn loạn của cuộc đảo chính, ông Erdogan và các bộ trưởng quan trọng của ông kịp thời xuất hiện trên các phương tiện đại chúng để kêu gọi những người ủng hộ hành động.
Trong khi đó, nhân vật mà ông Erdogan cáo buộc chịu trách nhiệm vụ đảo chính, giáo sĩ Fethullah Gulen đã mạnh mẽ phủ nhận vai trò của mình trong sự kiện này.
Ông Gulen khẳng định điều mà nhiều người Thổ đã nhận xét kể từ lúc thông tin xuất hiện: “Có khả năng đây là một cuộc đảo chính dàn dựng”.
Tuy ông Erdogan một mực cho rằng mình là nạn nhân, dẫn chứng rằng hai vệ sĩ đã thiệt mạng trong tòa biệt thự nghỉ dưỡng ở Địa Trung Hải, nhưng người ta vẫn thắc mắc tại sao vụ tấn công chỉ diễn ra sau khi ông này đã rời khỏi đó dù ai cũng biết vị trí của dinh thự này.
Một giả thiết khác khả dĩ hơn đó là ông Erdogan không dàn dựng cuộc đảo chính ngay từ đầu nhưng đã biết trước. Nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm này có thể cố tình để đảo chính diễn ra nhằm dụ những kẻ thù của mình lộ diện.
Chính quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19.7 cũng thừa nhận đã nhận được tin tình báo trước vài giờ. Nhìn chung, dù thật, giả hay cố ý, ông Erdogan đã tận dụng triệt để cơ hội cuộc đảo chính mang lại, minh chứng là các vụ bắt bớ quy mô lớn.
Tổng hợp