Nội bộ Anh tiếp tục rối loạn sau cuộc trưng cầu dân ý rời EU

27 Tháng 6, 2016 | Tin thế giới

Lãnh đạo Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn trong một sự
kiện ở Manchester vào ngày 21.6.2016. Photo Courtesy: Reuters

 

Khủng hoảng chính trị tại Anh đang có dấu hiệu trầm trọng hơn khi các đảng phái tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau và các nhà lãnh đạo EU đang nỗ lực thúc ép London đẩy nhanh thủ tục “chia tay”.

Hai ngày sau khi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố từ chức do phe ủng hộ Anh ở lại EU không giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua, ngày 26.6, lãnh đạo Công đảng Đối lập Anh Jeremy Corbyn, người phản đối Brexit (Anh rời EU), cũng đang phải đối mặt với áp lực phải rời bỏ vị trí này.

Tuy nhiên, ông Corbyn khẳng định sẽ không từ chức, bất chấp tới nay đã có 11 thành viên Công đảng tuyên bố phản đối ông và rời khỏi nội các bóng tối (tức nội các đối lập) của ông. Những nghị sĩ Công đảng từ chức trong nội các của đảng Đối lập diễn ra sau khi Ngoại trưởng đảng này là Hilary Benn bị ông Jeremy Corbyn cách chức.

Ông Benn được cho là âm mưu đảo chính chống lại ban lãnh đạo đảng sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23.6, trong đó người Anh bỏ phiếu để “ra khỏi” Liên minh châu Âu (Brexit). Hãng PA dẫn một phát ngôn viên Công đảng cho biết ông Corbyn cách chức ông Benn do ông này đã “mất lòng tin” vào ông Corbyn.

Tuy nhiên, trước áp lực từ chức, ông Corbyn đã bác bỏ và nói rằng sẽ có một nội các đối lập mới trong vòng 24 giờ, và nếu có một cuộc bỏ phiếu mới bầu ban lãnh đạo Công đảng, ông sẽ làm ứng viên.

Theo hệ thống quốc hội Anh, nội các bóng tối là một nhóm các nghị sĩ quốc hội Đối lập, có nhiệm vụ chỉ trích các chính sách của chính phủ. Mỗi người được giao phụ trách một lĩnh vực và đóng vai trò phát ngôn viên cho hạng mục đó.

 

Thủ tướng Anh cố kìm nén cảm xúc trước đám đông. Photo Courtesy: PA

 

Giống như Thủ tướng David Cameron thuộc đảng Bảo thủ, người đã tuyên bố quyết định từ chức sau cuộc trưng cầu dân ý, Công đảng cũng vận động để Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, ông Corbyn bị chỉ trích vì hành động không quyết đoán khi vận động cho chiến dịch “Ở lại”. Ông đang chịu nhiều sức ép về việc nối gót ông Cameron và từ chức.

Cũng trong ngày 26.6, các cường quốc thuộc EU kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán về thủ tục Brexit do lo ngại “hiệu ứng domino” đòi rời khỏi liên minh này đối với các nước thành viên có tư tưởng hoài nghi châu Âu có thể đe dọa tới tính thống nhất của EU.

Về phần mình, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cảnh báo việc EU rơi vào một giai đoạn “lấp lửng” thậm chí còn có thể dẫn tới tình trạng bất ổn an ninh lớn hơn và đe dọa tới thị trường lao động.

Theo ông Schulz, Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28.6, trong đó có sự tham dự của cả Thủ tướng Cameron, sẽ là thời điểm thích hợp để bắt đầu tiến trình đàm phán về vấn đề Brexit.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho rằng các cuộc đàm phán về quyết định ra đi của nước này chỉ nên được tiến hành sau khi người kế nhiệm mới của ông được bầu ra, dự kiến vào khoảng tháng 10 tới.

Theo kế hoạch, trong ngày 27.6, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có cuộc họp với các thành viên nội các, đồng thời Quốc hội nước này cũng sẽ nhóm họp trở lại 4 ngày sau “cú sốc” đa phần người dân Anh ủng hộ Brexit khiến thị trường tài chính toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy.

Tổng hợp