Kết quả phán quyết về biển Đông sẽ được đưa ra vào ngày 7.7

17 Tháng 6, 2016 | Tin thế giới

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông thông qua cái
gọi là yêu sách “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò”. Photo Courtesy: Reuters

 

Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tại the Hague, Hà Lan dự kiến sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Phi Luật Tân chống lại “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền ở biển Đông vào ngày 7.7 tới.

Trang Manila Times, dẫn nguồn thạo tin cho biết hiện các nhà ngoại giao cấp cao và giới chuyên gia về chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân đang tổ chức các cuộc họp khẩn để vạch ra chiến lược của Manila trong bối cảnh phán quyết từ tòa trọng tài sắp được đưa ra trong tháng Bảy.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính sách, kiêm đại diện thường trực của Phi Luật Tân tại Liên Hiệp Quốc, ông Lauro Baja, cho biết Manila cần chuẩn bị một số kịch bản sau khi PCA chính thức ra phán quyết về vụ kiện.

Ông Baja nói: “Chúng ta phải lên kế hoạch trong trường hợp thua kiện, thắng kiện hoặc giành một nửa chiến thắng. Tôi tin phán quyết của tòa án sẽ không phải là một quyết định vô bổ. Phán quyết có thể mở đường cho các cuộc đàm phán”.

Những thông tin trên được đưa ra sau khi các nước ASEAN và Trung Quốc kết thúc hội nghị đặc biệt kéo dài 2 ngày để bàn về vấn đề Biển Đông. Hội nghị đã đưa ra một tuyên bố chung nhưng sau đó bất ngờ rút lại với lý do cần “điều chỉnh khẩn cấp”.

Giới phân tích cho rằng, phán quyết của PCA nhiều khả năng sẽ có lợi cho Phi Luật Tân. Tuy nhiên, nước này cần phải chuẩn bị trước bởi Trung Quốc luôn tuyên bố PCA không đủ thẩm quyền.

Ngoài ra, trong suốt thời gian qua, Bắc Kinh được cho là đã vung tiền mua ủng hộ tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động cải tạo trái phép ở bãi cạn Scarborough và rất có thể là trắng trợn chuẩn bị cho kế hoạch lập một vùng nhận diện phòng không như đã làm ở biển Hoa Đông.

Phi Luật Tân đã kiện Trung Quốc lên PCA vào năm 2013 sau khi Bắc Kinh không chịu rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough, vốn được Manila tuyên bố chủ quyền và khẳng định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước mình.

Chính phủ Phi Luật Tân yêu cầu PCA ra phán quyết tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có giá trị pháp lý bởi đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Dù phán quyết của PCA không mang tính ràng buộc nhưng có thể đẩy Bắc Kinh vào tình huống bị các nước liên quan đến tranh chấp ở biển Đông phản đối mạnh mẽ hơn.

Tổng hợp