![]() |
Ông Jason Clare. Photo courtesy: smh.com.au |
Bộ Trưởng Nội Vụ Jason Clare nói rằng việc đưa các thuyền nhân người Ba Tư đến Mã Lai và các quốc gia khác sẽ giúp làm nản lòng họ bước chân xuống thuyền. Người Ba Tư là thành phần chiếm đa số trong khối thuyền nhân đến Úc trong năm nay.
Ông nhắc đến sự thành công trong thỏa hiệp với chánh phủ Sri Lanka theo đó đã có 1200 di dân kinh tế được nhanh chóng được phi cơ đưa về quốc gia nầy trong năm qua.
Ông Clare nói rằng các thảm nạn trên biển hoặc bị đưa đến các đảo Nauru hay Manus đã không ngăn được làn sóng thuyền nhân đến Úc. Nhưng việc đưa họ trở lại cố quốc có hiệu nghiệm cao.
Ông cho biết Ba Tư từ chối nhận lại những người bỏ nước ra đi trừ khi họ tự nguyện xin quay về cố hương. Vì vậy, như ông nói thì hãy đưa họ nửa đường đến Mã Lai Á thì sẽ làm họ mất đi động lực thúc đẩy xuống thuyền vượt biển.
Ông Jason cho biết ngoài Mã Lai Á, cần phải thương thảo với nhiều Quốc Gia khác trong vùng.
Trước đây, qua thỏa hiệp đạt được với Mã Lai Á tháng Năm 2011, thì 800 thuyền nhân đến Úc sẽ được đưa đến Mã Lai Á để đổi lấy 4000 người tỵ nạn đã được thanh lọc tại quốc gia nầy.
Nhưng Tối Cao Pháp Viện đã lật ngược thỏa hiệp nầy vì Mã Lai Á là nước đã không ký tên vào danh sách các Quốc Gia cam kết bảo vệ thuyền nhân và hai đảng Đối Lập và Xanh đã ngăn chận dự luật nầy tại Quốc Hội.
Kể từ sau khi bị tòa án phủ quyết, số thuyền nhân đến Úc tăng cao và trong năm nay đã có đến gần 14,000 người vượt biển đến Úc.
Bộ Trưởng Di Trú Tony Burke vừa lên tiếng cảnh cáo là những thuyền nhân nào tự tiêu hủy chứng từ cá nhân sẽ bị trả lại danh sách chờ đợi thanh lọc để được ban cấp quy chế người tỵ nạn.