TNS Xenophon về đến Úc sau khi bị Mã Lai trục xuất

20 Tháng 2, 2013 | Tin nước Úc

 








TNS Xenophon đến phi trường Tullamarine ở Melbourne sau khi bị trục xuất khỏi Mã Lai. Photo courtesy: Paul Jeffers, source The Age



 


Thượng Nghị Sĩ (TNS) Độc lập Nick Xenophon bị giam giữ và sau đó bị trục xuất khỏi Mã Lai sau khi bị từ chối không cho nhập cảnh trong lúc ông cầm đầu một đoàn dân biểu Quốc Hội không chính thức đến xem xét hệ thống bầu phiếu của Quốc Gia này.


 


Trước khi bị trục xuất, TNS Xenophon nói rằng các nhân vật đối lập chính trị tại Mã Lai đã bày tỏ sự quan ngại rằng cuộc tuyển cử vào tháng Tư này sẽ không công bằng và không phản ảnh được dân ý.


 


Trong cuộc họp báo chí Úc, ông nói rằng giới chức Mã Lai không cho nhập cảnh vì cho rằng ông là một mối đe dọa đến sự an ninh.


 


TNS Xenophon nhìn nhận năm ngoái ông đã phê bình tình trạng nhân quyền của Mã Lai và đã được Lãnh tụ Đối lập Anwar Ibrahim mời đến để thẩm định hệ thống bầu phiếu của quốc gia này.


 


Ông và một số dân biểu khác dự định sẽ gặp Lãnh tụ Đối lập Anwar Ibrahim cũng như Bộ Trưởng Đặc Trách Quốc Hội Sự Vụ Mohammed Nazri, và các nhân viên của nhóm Bersih, một Liên Minh Tuyển Cử Trong Sạch Và Bình Đẳng.


 


TNS Xenophon đã đến thủ đô Kuala Lumpur vào sáng thứ Bảy tuần qua, một ngày trước phái đoàn của ông bao gồm các nhân vật như Mal Washer (Tự Do), TNS John Williams (Quốc Gia) và Dân biểu Steve Georganas (Lao Động).


 


Một nhân viên di trú Mã Lai nói với ông Xenophon rằng có vấn đề kỹ thuật với sổ thông hành của ông và hộ tống ông đến một khu vực tạm giữ nhưng ông không bị đưa vào xà-lim.


 


Ông được cho phép giữ điện thoại di động nhờ vậy ông đã thực hiện cuộc phỏng vấn với giới truyền thông Úc và gửi đi hình ảnh đang ngồi tại khu vực tạm giữ.


 


Sự tạm giữ TNS Xenophon đã gây sự xôn xao trong giới ngoại giao. Cao Ủy Úc tại Mã Lai Miles Kupa đã liên lạc trực tiếp với TNS Xenophon tại phi trường nhằm sắp xếp sự trả tự do cho ông TNS. Ông Kupa cũng đang đòi hỏi một sự giải thích của giới chức thẩm quyền Mã Lai.


 


Mối quan ngại của Úc Đại Lợi cũng đã được chuyển đến Bộ Trưởng Ngoại Giao Mã Lai, Bộ Trưởng Nội Vụ và Cao Ủy Mã Lai tại Úc. Cho đến nay, chưa có lời giải thích nào từ phía Mã Lai.


 


Ngoại Trưởng Bob Carr ghi nhận rằng Úc đã không gửi một phái đoàn quan sát chánh thức đến các quốc gia khác nếu như không được mời. Ông đã nói chuyện với người đồng nhiệm Mã Lai Dato Sri Anifah HJ Aman để bày tỏ sự thất vọng về sự kiện nầy.