Đi huấn luyện ở Úc, hai vận động viên chèo thuyền hàng đầu Việt Nam đào tị

20 Tháng 3, 2012 | Tin nước Úc

 


 


 









Đội tuyển Rowing bất ngờ khủng hoảng lực lượng khi 2 VĐV chủ lực Đức Toàn và Phương Đông bỏ trốn. Hình Dân Trí



 


Hai tuyển thủ Thế Vận Hội Luân Đôn 2012 của Việt Nam là Lương Đức ToànNguyễn Phương Đông sau một tháng huấn luyện bộ môn Rowling, đã bỏ trốn khi đến ngày về nước.  Báo chí VN cho biết Toàn và Đông có bà con ở Úc nhưng yêu cầu gia đình ở VN vận động để hai người trở về nước khi visa của họ sẽ hết hạn vào ngày 4 tháng 5.


 


Ngày đội tuyển Việt Nam trở về nước vào hôm 11 tháng 3. Nhưng đến nay vẫn chưa có tin về hai vận động viên bỏ trốn. Việt Nam cảnh cáo, hù dọa hai người này ở lại Úc là bất hợp pháp. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu các vận động viên, nghệ nhân sang Úc hay các nước khác tập luyện và trình diễn rồi trốn và xin  tị nạn.


 


Phần lớn những người này, với sự trợ giúp của cộng đồng Việt Nam ở Úc, đã được ở lại Úc theo diện tị nạn chính trị.


 


Sau đây là hai bản tin ngày 19/3 và 20/3 được đăng trên báo điện tử Dân Trí theo thư tự như sau:


 


 


2 tuyển thủ Rowing Việt Nam bỏ trốn ở Australia


 


(Dân trí) – Kết thúc đợt tập huấn tại Australia chuẩn bị cho vòng tuyển chọn Olympic London 2012 khu vực châu Á, 2 VĐV Lương Đức Toàn – Nguyễn Phương Đông đã bỏ trốn khỏi đội tuyển để lại toàn bộ hộ chiếu và visa…


 


Trước khi bước vòa vòng loại Olympic London sắp khởi tranh ở Hàn Quốc, đội tuyển Rowing Việt Nam đã được cử đi tập huấn 1 tháng tại Australia để tập luyện và xác định điểm rơi phong độ tốt nhất. Theo kế hoạch, đội tuyển Rowing Việt Nam sẽ bay về nước vào ngày 11/3.


 


Trong đêm cuối cùng của đợt tập huấn (10/3), 2 tuyển thủ Lương Đức Toàn (Hà Nội), Nguyễn Phương Đông (Hải Phòng) đã đồng loạt bỏ trốn khỏi khách sạn đội tuyển. 2 VĐV này vẫn để lại toàn bộ giấy tờ tùy thân và đồ đặc cá nhân. Đến sáng 11/3, chuyên gia Zoedonne – HLV Đỗ Mạnh Tùng đã gọi về nước báo cáo tình hình sau khi phát hiện Toàn và Đông không có mặt để bay về nước.


 


Sau khi xảy ra sự việc, chuyên gia Zoedonne được chỉ định ở lại Australia để tìm kiếm thông tin về 2 VĐV đã bỏ trốn. Tìm gặp người nhà của Toàn và Đông tại Australia để vận động các VĐV này trở về nước. Visa của Nguyễn Phương Đông, Lương Đức Toàn chỉ có thời hạn đến 4/5. Ngoài thời gian này, Toàn và Đông sẽ nằm trong diện định bất hợp pháp tại Australia.


 


Chiều 19/3, Tổng cục TDTT đã đưa vấn đề này ra bàn tại cuộc họp giao ban đầu tuần. Kết luận cuối cùng về hướng xử lý vụ việc vẫn được giữ kín, nhưng với hành vi tự ý bỏ trốn trong đợt tập huấn ở nước ngoài, Lương Đức Toàn và Nguyễn Phương Đông sẽ đối diện nguy cơ bị đuổi khỏi đội tuyển Rowing Việt Nam. Sau khi thống nhất ý kiến, Tổng cục TDTT sẽ gửi lên Bộ VH-TT-DL xem xét xử lý.


 


Lương Đức Toàn – Nguyễn Phương Đông đều là những trụ cột quan trọng và nhận được nhiều sự đầu tư của đội tuyển. Việc Đông và Toàn bỏ trốn tại Australia sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội giành vé dự Olympic London 2012 của đội tuyển Rowing Việt Nam ở vòng loại châu Á được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng 4.


 


Đây không phải lần đầu tiên các VĐV Việt Nam được cử đi tập huấn tại nước ngoài tự ý bỏ trốn không về nước. Năm 2008, ba VĐV đội tuyển Vật là Nguyễn Văn Phong, Dương Đình Nam, Nguyễn Doãn Dũng cũng đã trốn tại Hàn Quốc sau khi tham dự giải vật vô địch châu Á. Trước đó, một số VĐV thuộc một số đội tuyển khác cũng bỏ trốn ở lại nước ngoài sau khi được đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài.


 


Quang Vinh


 


 


 


Người trong cuộc nói gì về 2 VĐV rowing bỏ trốn ở Australia?


 


(Dân trí) – Sửng sốt và thất vọng chính là cảm giác đầu tiên của các thành viên đội tuyển Rowing cũng như bộ môn đua thuyền sau khi biết tin 2 VĐV Nguyễn Phương Đông và Lương Đức Toàn bỏ trốn trong chuyến tập huấn tại Australia…
 


Lãnh đạo Tổng cục TDTT khẳng định đó là những quyết định sai lầm nhất của Đông và Toàn, sớm muộn 2 VĐV trên cũng bị bắt giữ khi không mang theo giấy tờ tùy thân.


 


Trong cuộc họp chiều 19/3, lãnh đạo Tổng cục TDTT dành phần lớn thời gian để bàn về vụ việc 2 VĐV Rowing mất tích. Đây là vụ việc chẳng phải bây giờ mới xảy ra, mà đã từng xảy ra nhiều lần trong những năm trước đây. Trưởng bộ môn Nguyễn Hải Đường là người trực tiếp quản lý 2 VĐV Đông và Toàn đã thực sự sốc khi biết tin 2 VĐV này bỏ trốn.


 


Ông Đường cho biết: “Đây là 2 VĐV rất tiềm năng và cũng vừa đoạt HCB và HCĐ tại SEA Games 26. Cả hai đều thuộc diện đầu tư đặc biệt cho chiến dịch vòng loại Olympic 2012. Từ trước tới nay, lối sống sinh hoạt và tác phong tập luyện, thi đấu của cả hai cũng rất tốt và không có một biểu hiện khác thường nào khi tập huấn 6 tuần tại Australia”.


 


 


Cũng theo ông Đường, trong thời gian tập huấn tại Australia cả hai đã rất nỗ lực phấn đấu và còn có kết quả cao trong 2 giải được tổ chức tại đây. Thậm chí cả hai còn tập luyện chăm chỉ đến sát ngày về nước và chỉ bất ngờ bở trốn khi đội tuyển còn 1 ngày nữa là ra sân bay về Hà Nội.


 


Theo một số thành viên kể lại, tối hôm bỏ trốn, Toàn và Đông lấy lý do sang phòng các VĐV nữ chơi. Sáng sớm hôm sau không thấy hai VĐV này, chuyên gia người Australia Zoedonne cùng HLV Đỗ Mạnh Tùng đã gọi điện về VN báo cáo tình hình. Ngay lập tức tất cả đều khẳng định Toàn và Đông đã chính thức bỏ trốn chứ không phải do thất lạc hay nguyên nhân nào khác. Khi bỏ trốn cả hai cùng không mang theo giấy tờ hay hành lý.


 


Ngay sau khi về nước, BHL đội tuyển Rowing đã có báo cáo với bộ môn, lãnh đạo Tổng cục TDTT về vụ việc. Ngay lập tức phía bộ môn đã cử người đến nhà 2 VĐV trên để xác minh sự việc, đồng thời tìm hiểu thông tin nhằm liên lạc với 2 VĐV Đông và Toàn. Tuy nhiên, đó chỉ là hy vọng bởi cả 2 VĐV đều có kế hoạch trốn ngay từ đầu.


 


Khi tìm hiểu, được biết VĐV Đông có chị còn VĐV Toàn có chú và cô đang sinh sống tại Australia. Cả 2 VĐV này đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên việc trốn ra ngoài đi làm lao động để mong đổi đời là hoàn toàn dễ hiểu.


 


Tuy nhiên, điều mà các thành viên đội tuyển Rowing và bộ môn đua thuyền đều không hiểu vì sao khi cả hai đang có tương lai sáng sủa, có cơ hội đoạt chuẩn Olympic, được tuyển vào Đại học và chuyển sang làm HLV, lại dại dột đánh đổi như thế.


 


“Cả hai đều là VĐV tiềm năng và đang được đầu tư đặc biệt hơn với nhiều VĐV khác. Như VĐV Đông đang là VĐV tài năng nhất Hải Phòng. Trong khi đó VĐV Toàn cũng đang có một tương lại rộng mở phía trước, khi được hỗ trợ toàn bộ kinh phí từ quỹ đào tạo Olympic trẻ. Nếu như trước đây, đời sống VĐV quá thấp thì bây giờ, dù không cao nhưng không đến nỗi không sống được bằng nghề thể thao.


 


Ngoài chế độ ăn 200.000 đồng/ngày, còn được hưởng chế độ tiền công, cộng thêm phụ cấp tập huấn nước ngoài…Đó là còn chưa kể tiền thưởng khi có thành tích”, ông Đường phân tích.


 


Cũng khó trách trách nhiệm của các nhà quản lý, cụ thể là BHL đội tuyển rowing khi còn bên Australia. Họ cũng chỉ biết cầm hộ chiếu để làm ràng buộc, chứ các VĐV đã cố tình trốn, thì cũng chẳng có cách nào ngăn cản được.


 


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành cho biết: “Đây chưa thể coi là VĐV bỏ trốn nhưng không thực hiện đúng quy định của đội tức là vi phạm nội quy và chắc chắn sẽ bị kỷ luật. Quan điểm của Tổng cục TDTT về việc này là đây đều là ý thức của cá nhân VĐV.


 


Theo quy định sau 1 tuần nếu như VĐV đó không về sẽ phải có báo cáo lên với Bộ ngoại giao, Bộ công an, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia. Hướng giải quyết thì trước mắt chúng tôi đã làm việc với gia đình 2 VĐV này để khuyên họ về nước. Tôi nói thật luật pháp bên Australia chặt lắm nên các VĐV này khó mà thoát…”.


 


Trong khi đó, phía bộ môn đua thuyền đã liên hệ với chuyên gia người Australia Zoedonne tiếp tục nhờ các mối quan hệ của mình tìm 2 VĐV này trước ngày 4/5, ngày hạn cuối của visa. Còn nếu không tìm được cũng phải chịu và 2 VĐV này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.


 


Bằng Tường