![]() |
Malcolm Turnbull: lời tố cáo bị phản ứng ngược do cái email là… giả. Photo courtesy news.com.au |
Việc Thủ lãnh Đối lập Malcolm Turnbull tấn công Chính phủ Lao động Úc đã bùng nổ dữ dội vào cuối tuần qua khi một nhân viên cao cấp của Bộ Ngân khố ra trước một ủy ban điều tra của Thượng viện, nói rằng ông có nhận một cái email từ Phủ Thủ tướng yêu cầu giúp đỡ đại lý bán xe John Grant, là người bạn của Thủ tướng Kevin Rudd.
Ông Godwin Grech nói có thể trí nhớ của ông sai, nhưng rõ ràng có một cái email ngắn gởi cho ông nói về vấn đó.
Ông John Grant ở bang Queensland, một đồng hương và bạn của Thủ tướng Rudd, đã từng tặng cho ông Rudd chiếc xe ute cũ dùng để làm việc trong đơn vị bầu cử của ông Rudd. Doanh nghiệp của ông Grant đang gặp khó khăn và như một số đại lý khác, nghe nói nộp đơn xin chính phủ trợ cấp trong ngân sách Oz-Car $2 tỉ Úc kim dành hỗ trợ các nhà kinh doanh trong thời buổi khó khăn nàyA.
Chụp cơ hội này, ông Turnbull tấn công ông Rudd, nói vị thủ tướng đã hướng dẫn sai lạc Quốc hội và yêu cầu cả Thủ tướng Rudd và Tổng trưởng Ngân khố Wayne Swan từ chức.
Thủ tướng Rudd bác bỏ cáo buộc và ra lệnh cho Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) nhập cuộc để điều tra cái email đó.
Đến sáng Thứ Hai đầu tuần, AFP cho biết cái email được gởi cho ông Grech là giả, nhưng đang điều tra tiếp ai là tác giả cái email đó.
Trước sự việc này, Thủ tướng Rudd cho rằng vì mai kia ông Turnbull có thể là thủ tướng, nên do phán đoán sai, ông hãy từ chức.
Ông Rudd cũng kêu gọi các dân biểu nghị sĩ cao cấp của đảng Tự do như ông Peter Costello, Brendan Nelson hãy vỗ vai ông Turnbull và bảo ông hãy từ chức Thũ lãnh Đối lập.
Ngày Thứ Ba hôm nay, ông Turnbull cho rằng những cáo buộc đối với Thủ tướng Rudd không còn đứng vững, tuy nhiên Tổng trưởng Ngân khố Swan vẫn còn những câu hỏi phải trả lời, bởi có những tố cáo hay bằng chứng cho thấy ông Swan có sự ưu đãi dành cho người bạn của Thủ tướng Rudd là ông John Grant.
Thủ lãnh Turnbull nói ông không có lý do gì để từ chức bởi ông căn cứ trên dữ kiện để tố cáo Thủ tướng Rudd, bởi cái email đó được đưa ra từ Bộ Ngân khố, tức từ chính phủ.
Ông Turnbull nói ông sẵn sàng xin lỗi ông Rudd, nếu ông Rudd chịu xin lỗi ông bởi vì ông Rudd đã tố cáo ông là có nhúng tay trong việc ngụy tạo cái email, một việc ông Turnbull cực lực bác bỏ.
Trước những chỉ trích cho rằng ông Turnbull đã quá vội vàng khi tố cáo ông Rudd trước khi điều tra kỹ càng cái email, ông Turnbull cho rằng vai trò của đối lập là tấn công chính phủ, buộc chính phủ phải trong sáng, chứ đối lập mà “nhút nhát và quá thận trọng” thì không phải là đối lập.
Ông Tony Abbott, một người từng có tham vọng làm Thủ lãnh Đối lập, đã lên tiếng bênh vực ông Turnbull, cho rằng Thủ lãnh Đối lập tuyệt đối phải làm như thế để chính phủ được trong sáng.
Ông Abbott nhắc lại khi còn ở tư thế đối lập, chính ông Rudd là người đã tấn công chính phủ Howard về vụ lúa mì và vũ khí (wheat-for-weapons) nhưng kết quả sau cùng cho thấy hoàn toàn sai.
Vụ Oz-Car hay còn được gọi là Ute-gate đã chiếm khá nhiều thời gian tranh luận tại quốc hội, một chuyện ít hay không thể xảy ra ở các nước độc tài.