![]() |
Bà Clinton và nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi ăn tối tại nhà riêng của đại diện ngoại giao Mỹ tại Miến Điện. Photo courtesy of AFP |
Chuyến đi thăm Miến Điện của bà Hillary Clinton được coi là lịch sử. Bà là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Miến Điện kể từ năm 1955. Bà đã gặp Tổng thống Thein Sein vào hôm Thứ Năm và qua ngày Thứ Sáu gặp khôi nguyên Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi.
Cách đây vài năm, việc một ngoại trưởng Mỹ sang Miến Điện là chuyện khó có thể xảy ra đừng nói gì ngoại trưởng Mỹ đi gặp lãnh tụ đảng dân chủ đối lập, bà Suu Kyi.
Một bầu không khí lạc quan diễn ra khi bà Clinton thúc đẩy Miến Điện cải tổ chính trị và Tổng thống Thein Sein hứa sẽ thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nói sẽ còn lâu bởi những gì người ta thấy trong mấy ngày qua chỉ là bề ngoài.
Phe quân sự chiếm chính quyền ở đây năm 1962 và áp đặt một chế độ hà khắc cho tới tận năm ngoái, khi quyền điều hành được chuyển giao cho một ban lãnh đạo dân sự.
Tuy nội các chính phủ phần đông vẫn là các nhân vật từ chính quyền quân sự cũ, Miến Điện đã thực hiện một số cải cách đáng kể và trả tự do cho nhiều tù chính trị.
Báo chí Trung Quốc phản ứng trước chuyến thăm của bà Hillary Clinton tới Miến Điện.
Hoàn cầu Thời báo, vốn nổi danh về lập trường dân tộc chủ nghĩa, cảnh báo Mỹ không nên đụng tới quyền lợi của Trung Quốc.
Tờ này viết: “Trung Quốc không phản đối việc Miến Điện cải thiện quan hệ với Phương Tây, nhưng sẽ không chấp nhận điều này nếu như quyền lợi của Trung Quốc bị phương hại”.
Bà Clinton, quan chức Hoa Kỳ cao cấp nhất từng thăm Miến Điện trong nửa thế kỷ nay, tuyên bố bà muốn chứng kiến tận mắt cam kết thay đổi của chính quyền nước chủ nhà.
Mỹ vẫn đang duy trì nhiều biện pháp chế tài đối với các lãnh đạo cao cấp ở Miến Điện.
Hôm Thứ Năm, bà Clinton có cuộc gặp với Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin trước khi tiếp kiến Tổng thống Thein Sein.
Và qua ngày Thứ Sáu, bà Clinton gặp bà Suu Kyi tại tư thất của bà ở Rangoon.