![]() |
Anders Behring Breivik. Hình Facebook |
Anders Behring Breivik, 32 tuổi, trước khi đặt bom một tòa nhà của chính phủ nhắm vào thủ tướng đảng Lao động Jens Stoltenberg và sau đó tàn sát tập thể các thanh thiếu niên đảng Lao động tại đảo Utoeya cách thủ đô 40 cây số, đã đưa lên mạng các kế hoạch của y và huênh hoang y là hậu duệ của các hiệp sĩ Knights Templar thời trung cổ.
Người thanh niên có tinh thần quốc gia cực đoan đã bỏ ra 9 năm để chuẩn bị cho hai vụ khủng bố trong ngày Thứ Sáu Đen của lịch sử Na Uy, và 3 năm cho 1,518 trang viết có tiêu đề “A European Declaration of Independence”.
Y gửi thư điện tử đính kèm những trang viết này tới 5,700 người vài giờ trước khi kích hoạt quả bom tại thủ đô Oslo của Na Uy vào chiều Thứ Sáu tuần qua, nhằm đánh lạc hướng cảnh sát để thực hiện vụ thảm sát ở đảo Utoeya. Hai vụ kéo dài chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Sau khi đặt chất nổ ở tòa nhà chính phủ tại Thủ đô Oslo gây thiệt mạng cho 7 người, Anders Behring Breivik đã đi tàu ra hòn đảo nơi có gần 600 thanh thiếu niên đảng Lao động đang cắm trại, giả dạng là một cảnh sát để tụ họp các người trẻ hầu thông báo về vụ nổ ở Oslo, và lập tức sử dụng súng tự động và súng trường bắn giết không phân biệt và không nương tay các trại viên làm ít nhất 86 người trẻ bị chết.
Tuy con số được xác nhận qua vụ khủng bố kép đã lên tới 93 nạn nhân vào đầu tuần này, người ta tin rằng số người chết còn tăng cao hơn nữa bởi các giới chức vừa tìm thêm xác người trong đống gạch vụn của tòa nhà ở thủ đô, đồng thời cũng đang tìm xác các nạn nhân có thể chìm dưới biển bởi họ mặc quần áo nặng nề khi trốn thoát.
Có khoảng 20 xác được vớt từ biển chứng tỏ Breivik bắn theo khi các nạn nhân lao xuống biển để hy vọng sống sót. Nhà chức trách đang tìm kiếm những người mất tích vì có thể nhiều thanh niên chết trôi khi tìm cách bơi vào bờ bởi hòn đảo chỉ cách đất liền 400 mét.
Thế giới rúng động về vụ giết người được xem là có nhiều người chết nhất bởi một tay súng. Đây là một biến cố làm cho nhiều người thiệt mạng nhất ở một đất nước dân số chỉ khoảng 4.5 triệu người, kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Các lãnh đạo khắp nơi trên thế giới trong đó có Thủ tướng Úc Julia Gillard đã gởi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, chính phủ và nhân nhân Na Uy.
Sáng Thứ Hai đầu tuần, cả nước Na Uy có một phút mặc niệm các nạn nhân, một giờ trước khi nghi can giết người bị đưa ra hầu tòa.
Nhưng Breivik vẫn không hối hận và còn tìm cách để được nổi tiếng trong khi quan tòa đang xem xét có nên xử Breivik sau cửa kín không. Luật sư của nghi can nói y muốn hai điều. Phiên tòa phải được xử công khai và y được mang quân phục.
Theo luật của Na Uy, nếu bị phán có tội, tay giết người kinh khủng này chỉ bị tù tối đa 21 năm.
Trong những bài viết đưa lên mạng, Breivik chống di dân và người Hồi giáo. Chính phủ Lao động hiện nay ở Na Uy là một chính phủ cấp tiến.