Hội nghị khí hậu toàn cầu tại Copenhagen có nhiều tranh cãi ngược nhau

08 Tháng 12, 2009 | Tin thế giới

 

Hội nghị Copenhagen đã khai mạc. Photo courtesy Peter Dejong/AP

 

Một cuộc hội họp lớn nhất từ trước đến nay để bàn các biện pháp chống quả đất hâm nóng đã diễn ra tại thành phố Copenhagen, Đan Mạch vào đầu tuần này và sẽ kéo dài trong 14 ngày. Có khoảng 192 quốc gia tham dự với khoảng 40,000 đại biểu và 3,000 nhà báo cùng trên 100 nguyên thủ quốc gia, đa số những vị sau sẽ đến dự trong những ngày chót của hội nghị.

 

Hội nghị diễn ra khi Thượng viện liên bang Úc bỏ phiếu phủ quyết dự luật mua bán khí thải của Chính phủ Lao động. Tân Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott nói ông có chính sách thay thế để chống lại vấn đề khí thái. Ông nói không phải chỉ nói climate change (khí hậu thay đổi) mà cần climate action (hành động về khí hậu).

 

Hội nghị diễn ra khi những email bí mật của các chuyên gia trong nhóm các khoa học gia của Liên hiệp quốc bị tiết lộ, cho thấy một vài khoa học gia hàng đầu nói thời tiết đã không nóng lên trong thời gian qua như người ta tưởng hay hô hào.

 

Hôm nay, một khoa học gia hàng đầu của Úc và là tác giả nổi tiếng qua cuốn sách Heaven and Earth –Giáo sư Ian Plimer— đã đăng đàn đặt vấn đề khí hậu thay đổi.

 

Giáo sư Plimer nói hiện nay khí hậu ở thành phố Perth lạnh lên và khí hậu ra vẻ nóng hơn so với khi ông còn bé.

 

Giáo sư đặt vấn đề người ta nói con người đã làm cho quả đất bị hâm nóng và cho rằng không nên để cho những người “tà giáo” tiếp tục tuyên truyền quả đất nóng là do con người. Ông nói: “một con nhạn không làm nên mùa hè”.

 

Ngày hôm qua, một cơ quan khí hậu của Liên hiệp tuyên bố thập niên vừa qua là thập niên nóng nhất, nước Úc có ba trận nóng nhất trong năm nay và đang tạo kỷ lục với năm thứ ba nóng nhất từ trước tới nay.

 

Trước hội nghị, những nước xả khí thải hàng đầu như Mỹ, Ấn và Trung Cộng cho biết họ sẽ có kế hoạch cụ thể về giảm khí thải. Nhưng nói là một chuyện, hành động là chuyện khác.

 

Qua hai ngày đầu của hội nghị 2 tuần, có tin cho rằng những đề nghị giảm khí thải sẽ gây bất lợi cho những nước nghèo.