![]() |
Lễ tưởng niệm trước đài chiến sĩ Úc-Việt King Park tại tiểu bangTây Úc |
(TH – 19.8.08) Trận chiến Long Tân xảy ra vào ngày 18.8.1966 tại tỉnh Bình Tuy, gần Vũng Tàu là trận chiến đẫm máu nhất của binh sĩ Úc tham chiến ở Việt Nam nhưng cũng là trận đánh hào hùng nhất của quân đội này khi một lực lượng khoảng 100 binh sĩ Úc phải đối đầu với trên một ngàn binh sĩ Việt Cộng. Kết quả 18 binh sĩ Úc thiệt mạng, trên 245 binh sĩ Việt Cộng bị chết.
Trận đánh với hai lực lượng không cân xứng đã viết nên một trang sử oai hùng của quân đội Úc. Nhưng Úc đã thắng một trận đánh mà thua một trận chiến và Miền Nam Việt Nam, đất nước Úc gởi quân bảo vệ đã không còn nữa, như báo The Sunday Age đầu tuần đã viết: “The Australians won the battle, but lost the war. South Vietnam, the country they were sent to defend, no longer exists”.
Hàng năm, cứ đến ngày 18 tháng 8, nước Úc và các cựu quân nhân đều tổ chức những buổi lễ long trọng để kỷ niệm và ghi ơn 504 binh sĩ Úc đã chết tại Miền Nam Việt Nam để bảo vệ lý tưởng tự do.
Trước đây, các cựu chiến binh Úc từ chiến trường Việt Nam trở về không những đã chẳng được vinh danh mà còn bị hất hủi hay bị bỏ quên vì phong trào chống chiến tranh Việt Nam quá mạnh.
Trong khoảng một thập niên vừa qua, các cựu chiến binh Việt Nam đã được nhìn nhận và vinh danh, như các cựu chiến binh trên các chiến trường khác mà Úc đã tham gia.
Tại Việt Nam, nhà cầm quyền sở tại cũng đã cho phép người Úc lập một đài tưởng niệm tại Long Tân để vinh danh và tưởng nhớ những người đã hy sinh. Có lẽ Úc là nước đầu tiên mà nhà cầm quyền cộng sản VN chấp nhận cho lập một đài kỷ niệm những kẻ cựu thù ngay trên nước họ.
Năm nay tại Úc xảy ra sự kiện một người từng trốn lính, chống chiến tranh Việt Nam và bỏ qua Anh sống, nay trở về Úc được chính phủ tiểu bang Victoria cho giữ chức vụ vinh danh và bảo vệ di sản của những người lính đã chết trong các trận chiến.
Việc chính phủ bổ nhiệm ông Garrie Hutchinson, một người bị coi là chống đi quân dịch và thời đó ủng hộ Việt Cộng (Mặt trận GPMN) giữ một chức vụ tế nhị về cựu chiến binh đã gây nên những chống đối, chỉ trích mạnh mẽ trên các báo đài trong những ngày trước lễ kỷ niệm Long Tan Day.
Riêng đối với các cựu chiến binh của Việt Nam Cộng Hòa, năm nào các cựu quân nhân QL VNCH cũng tham dự Ngày Long Tân với các cựu chiến binh Úc từng tham chiến ở Việt Nam, từ tiểu bang Tây Úc, Nam Úc qua tiểu bang Victoria, New South Wales lên tận tiểu bang Queensland. Từ các buổi lễ trong các thành phố tới các thị trấn ở nông thôn, nơi nào có người Việt, nơi đó có sự tham gia của người Việt Nam, của những cựu chiến binh Miền Nam Việt Nam.
TVTS vừa nhận được một bản tin về lễ tưởng niện Ngày Long Tân từ Sydney với nội dung sau:
![]() |
Vòng hoa tưởng niệm của quan khách |
Tưởng niệm chiến thắng Long Tân và kỷ niệm lần thứ 40 “Chiến cuộc Coral và Baltimore”
Đúng 8.30g sáng hôm nay chủ nhật 17 tháng 8, khoảng 300 người Việt Nam đã tụ tập tại thủ phủ người Việt Cabramatta thuộc thành phố Sydney để dự lễ thượng kỳ Úc-Việt, để cùng Hội cựu quân nhân Úc tại địa phương dự lễ tưởng niệm chiến thắng Long Tân.
Buổi lễ thượng kỳ tại đây ghi nhận ngoài sự tham dự của đại diện Hội Cựu Quân Nhân Úc tham chiến tại Việt Nam, còn có có sự tham dự của ông chủ tịch cộng đồng Việt Nam tiểu bang NSW LS.Võ Trí Dũng, cùng đại diện hội cựu quân nhân VNCH tiểu bang NSW và nhiều hội đoàn khác và hàng trăm đồng hương Việt Nam.
Vì đây là phần thứ nhất của chương trình, cho nên chỉ diễn ra trong khoảng 45 phút, rồi sau đó đồng hương Việt Nam chia làm 3 nhóm để tiếp tục tham dự buổi lễ chính được tổ chức ở 3 nơi: Trại lính Holsworthy (phía Tây Nam Sydney); thành phố Wollongong và Blue Mountain nằm ở phía tây thành phố Sydney. Trong số 3 nơi này, việc tổ chức tại Blue Mountain là buổi lễ lớn nhất.
![]() |
LS.Võ Trí Dũng và Dân Biểu Alan Cadman đặt vòng hoa tại tượng đài Úc-Việt CabraVale |
Năm nay việc tổ chức lễ tưởng niệm chiến thắng Long Tân trùng vào với việc kỷ niệm lần thứ 40 các trận đánh mang tên “Chiến cuộc Coral và Baltimore” xảy ra tại Biên Hòa.
Đúng 11g sáng, đoàn quân nhạc Úc trỗi lên, dẫn đầu đoàn diễn hành đi từ Ga xe lửa Springwood tiến về trung tâm khu phố Springwood. Đoàn diễn hành bao gồm đại diện đơn vị của các binh chủng tham chiến tại Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu, Phước Tuy, cùng với sự tham dự của đại diện các đoàn thể địa phương, thiếu sinh quân, hương đạo, và khoảng 200 đồng bào Việt Nam.
Hiện diện tại buổi lễ này có sự tham dự của một bộ trưởng liên bang là ông Bob Debus; Trung tướng không quân Mark Skidmore Tư lệnh không quân Úc, đại diện cho tổng tham mưu trưởng quân đội Úc cùng đại diện các binh chủng khác.
Ngoài còn ghi nhận sự hiện diện của bà Judith R. Fergin Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sydney, đại diện hải quân và không quân Hoa Kỳ, các cựu chiến binh Úc, Nam Hàn, Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng đông đảo cư dân địa phương và khoảng 200 đồng bào Việt Nam.
Sau phần nghi lễ của đoàn quân nhạc là phần chào cờ và thượng kỳ của 3 quốc gia tham chiến tại Việt Nam: Úc, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài ra trên khu tượng đài còn có cột cờ thứ tư treo cờ của tiểu bang NSW.
Ông Jack Lake, vị chủ tịch Hội Cựu quân nhân Úc tham chiến tại Việt Nam vùng Blue Mountain, đã sơ lược trận đánh Long Tân, và Chiến cuộc Coral và Baltimore xảy ra tại Biên Hòa trong suốt tháng 5 và đầu tháng 6 năm 1968. Tiếp theo sau đó lần lượt một số quan khách được mời phát biểu.
Riêng phần đặt vòng hoa tưởng niệm kéo dài khoảng gần 15 phút với đại diện của nhiều binh chủng, đoàn thể, cá nhân và kể cả đại diện cộng đồng Việt Nam và Chi Hội Cựu Quân Nhân VNCH NSW. Riêng vòng hoa của đoàn Việt Nam to lớn, và đẹp, gây chú ý của người tham dự vì kết bông thành hình lá cờ Vàng có lá cờ Úc nằm lọt ở giữa.
Ban tổ chức đã mời chị Bảo Khánh của Khối 1706 hát bài thơ phổ nhạc “Trận đánh Long Tân (The Battle of Long Tan) làm nhiều quan khách cảm động. Bài thơ này trước đây cũng đã được anh Vi Phát họa thành bức tranh “Long Tân”.
![]() |
Chị Bảo Khánh hát bài thơ phổ nhạc “The Battle of Long Tan” |