Diễn văn xin lỗi dài 360 chữ mà Thổ dân trông đợi bấy lâu đã được ông Rudd nhân danh chính phủ, quốc hội và nhân dân Úc mở đầu như sau:
“Ngày hôm nay, chúng ta vinh danh những người bản xứ của mảnh đất này, những nền văn hóa liên tục lâu đời nhất của lịch sử nhân loại. Chúng ta suy gẫm lại những ngược đãi trong quá khứ đối với họ. Chúng ta suy gẫm đặc biệt về sự ngược đãi đối với những thế hệ bị đánh cắp, về một trang sử xấu xa trong lịch sử của đất nước chúng ta. Bây giờ là lúc đất nước chúng ta mở ra một trang mới trong lịch sử của Úc Đại Lợi bằng sửa sai những điều sai trái của quá khứ và như vậy tiến tới tương lai với lòng tự tin…”
Và ông Rudd tiếp tục với hai lần “we apologize for…” và ba lần nói “we say sorry”. Cả hội trường đứng dậy vỗ tau khi Thủ tướng Rudd chấm dứt bài xin lỗi. Có những người khóc.
Đáp lời thủ tướng, Bác sĩ Nelson, thủ lãnh đối lập, cũng đứng lên nói lời xin lỗi, nhưng bài diễn văn ngắn của ông đã bị vài người la ó (dù nghe rất nhỏ) và một số người tỏ ra tức giận khi Thủ lãnh Đối Nelson cho rằng cũng có những trẻ con được đem ra khỏi gia đình vì lợi ích của chúng.
Truyền thông Úc nói chung đều loan tin tích cực về việc xin lỗi Thổ dân. Các trường học, đặc biệt ở tiểu bang Victoria, đã mở truyền hình cho học sinh xem bài xin lỗi được đọc tại quốc hội. Riêng báo in TiVi Tuần-san trong bài xã luận số phát hành ngày hôm nay (Thứ Tư) với tựa “Xin lỗi – Sorry – Apology: rồi ngày mai sẽ ra sao?” đã tỏ ra e dè và không lạc quan với việc làm có tính cách tượng trưng này bởi lời nói thôi chưa đủ mà còn phải hành động để làm sao cho người Thổ dân có cuộc sống tương đối và xứng đáng hơn so với người Úc chính mạch.
Các cựu thủ tướng như Malcom Fraser (Tự do) và Gough Whitlam, Bob Hawke, Paul Keating (Lao động) cũng đã có mặt trong buổi lễ xin lỗi này, trừ cựu Thủ tướng John Howard.