Nơi thanh lọc thuyền nhân: vẫn còn bế tắc

26 Tháng 12, 2011 | Tin nước Úc

 


 









Một chiếc thuyền chở người tầm trú ở ngoài bờ biển phía bắc nước Úc. Photo courtesy AFP


 


Lại thêm một chiếc tàu chở 116 thuyền nhân được vớt ngoài hải phận Tây Úc hôm Thứ Bảy tuần qua, gây áp lực lên lưỡng đảng phải giải quyết tình trạng bế tắc trong vấn đề thuyền nhân hiện nay.


 


Như vậy, trong tháng 12 này có tất cả 860 người đến Úc trên 11 chiếc tàu, là một trong những tháng có nhiều người tầm trú đến Úc nhất. Đây là chiếc tàu đến Úc đầu tiên kể từ khi xẩy ra tai nạn làm trên 200 người chết ngoài khơi đảo Java của Nam Dương tuần trước đây.


 


Sau tai nạn thảm thương này Chính phủ Lao động của bà Julia Gillard đã ngỏ lời với Thủ lãnh Đối lập, đề nghị Chính phủ sẽ mở một trung tâm ở đảo Nauru nhưng đồng thời cũng sẽ tiếp tục với Giải pháp Mã Lai, đổi 800 thuyền nhân lấy 4000 người tị nạn đã được thanh lọc từ Mã Lai.


 


Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott nói ông sẵn sàng nói chuyện với Chính phủ Gillard và chẳng ngại gì việc nghỉ ngơi mùa Giáng sinh, nhưng chính phủ phải đưa ra đề nghị rõ ràng trên giấy tờ chứ không thể nói miệng khơi khơi.


 


Thủ tướng Gillard đang nghỉ hè nên Tổng trưởng Ngân khố kiêm Quyền Thủ tướng Wayne Swan đã đưa ra đề nghị bằng văn thư cho  ông Abbott. Theo đó, chính phủ sẽ thiết lập một trung tâm thanh lọc tại đảo Nauru (theo ý của đối lập) nhưng bù lại Đối lập phải ủng hộ dự luật Giải pháp Mã Lai trước đây của chính phủ, đồng thời bác bỏ luôn đề nghị chỉ cho người tầm trú hưởng visa bảo vệ tạm thời của đối lập.


 


Ông Abbott đã bác bỏ ngay đề nghị này, cho rằng nếu đã thành lập trại thanh lọc ở Nauru thì không còn cần Giải pháp Mã Lai nữa, bởi Mã Lai không bảo đảm quyền lợi của người tị nạn và 800 chỗ không giải quyết vấn nạn người tầm trú.


 


Sau đó có của cuộc giữa hai bên trong đó  ngoài Tổng trưởng Di trú Chris Bowen, đối lập đòi phải có sự hiện diện của Ngoại trưởng Kevin Rudd. Phía đối lập ngoài phát ngôn viên Di trú Scott Morrison còn có phó Thủ lãnh Đối lập Julie Bishop. Như tin cho hay thì sau mấy tiếng đồng hồ thảo luận, cả hai bên vẫn không đi đến một giải pháp thỏa đáng bởi bên nào cũng cương quyết giữ vững lập trường của họ.


 


Tổng trưởng Di trú Bowen nói ông vẫn mở cửa để tiếp tục thảo luận nhưng cho rằng khi thương lượng với nhau thì phải có sự nhượng bộ.


 


Ông Bowen nói chính sách Nauru của cựu Thủ tướng John Howard sẽ không làm người tầm trú nản lòng bởi cuối cùng họ cũng sẽ qua Úc khi được xác nhận tư cách tị nạn. Ý ông muốn nói Giải pháp Mã Lai sẽ làm nản lòng những người đi thẳng qua Úc bởi họ sẽ được đưa qua Mã Lai xếp hàng chờ cái đuôi khoảng 90,000 người tị nạn ở đấy.


 


Nhưng Đối lập cho rằng Giải pháp Thái bình dương của ông Howard trước đây với visa tạm thời và kéo tàu trở ra khơi khi cảm thấy an toàn, đã thành công.


 


Hồng y George Pell, một người trước đây phê bình chính sách của ông Howard lần đầu tiên lên tiếng ủng hộ việc thanh lọc ở nước ngoài. Hồng y Pell cho rằng cả chính phủ lẫn đối lập đều có chính sách thanh lọc ở ngoại quốc, chỉ khác địa điểm, do đó cần phải thỏa thuận với nhau để chấm dứt thảm cảnh thuyền nhân chết trên biển hiện nay.


 


Tổng giám mục Brisbane và giáo chủ Anh giáo Úc, Tiến sĩ Phillip Aspinal cũng ủng hộ thanh lọc ở ngoại quốc  với điều kiện các thuyền nhân được đối xử một cách nhân đạo.


 


Hai đảng lớn đang bị áp lực mạnh mẽ của dư luận, bị chỉ trích lấy điểm về mặt chính trị mà bỏ qua vấn đề nhân đạo. Chắc chắn họ phải tìm giải pháp vào đầu năm mới nếu không muốn bị cử tri trừng phạt trong kỳ bầu cử sắp tới.