![]() |
Những người sống sót của vụ đắm tàu. Photo courtesy: AP |
Một tai nạn thương tâm xảy ra vào ngày Thứ Bảy tuần qua ngoài khơi đảo Java của Nam Dương làm chiếc tàu chở khoảng 250 người tầm trú bị chìm.
Tin sơ khởi cho biết chỉ có 33 người sống sót trong đó có 30 người đàn ông, 1 phụ nữ và 2 trẻ con.
Những người sống sót này đã phải ở dưới nước biển trong vòng 5 tiếng đồng hồ trước khi được cứu.
Tai nạn này xảy ra đúng vào lúc cách đây khoảng 12 tháng một chiếc tàu đụng vào vách đá ở đảo Christmas Island ngoài khơi nước Úc làm khoảng 50 người thiệt mạng.
Những thuyền nhân này phần lớn đến từ A Phú Hãn và Iran. Một số nói họ từ Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ả Rập Saudi.
Vì không có visa nên các viên chức Nam Dương đã bắt họ đóng $500 đô la mỗi người để qua hải quan mà không cần phải có hộ chiếu.
Trả lời phóng viên AFP và các viên chức địa phương, những người sống sót nói họ phải trả cho các đại lý số tiền từ $2,500 đến $5,000 đô la mỗi đầu người để được đưa qua Úc.
Từ đây, họ được đưa lên 4 chiếc xe bus và chở tới một nơi nào đó ở bờ biển miền nam đảo Java.
Chiếc tàu chỉ đủ khả năng chở tối đa 100 người nhưng các tay buôn và chở lậu người nhét vào tới 250 người, là trọng lượng quá mức tải của chiếc tàu.
Khi ra khỏi bờ biển chừng 40 cây số, theo một người sống sót kể lại, phía sau chiếc tàu bị nghiêng về một bên và bị lật. Tàu chìm một cách nhanh chóng. Những người sống sót nhờ ở trên bong tàu, những người ở trong khoang tàu không thể nào thoát ra.
Các chính trị gia lưỡng đảng lần này không lên tiếng đổ lỗi cho nhau ngoài việc lên án các tay chở lậu người.
Tổng trưởng Ngân khố kiêm Quyền Thủ tướng Wayne Swan nói: “Xin gởi lời chia buồn của chúng tôi đến các gia đình và những người thân của những người bị chết và mất tích trong thảm cảnh này. Đây là một sự nhắc nhở thương tâm về sự nguy hiểm khi tìm cách đi như thế”.
Đối lập về Di trú, Dân biểu Scott Morison nói: “Những kẻ buôn lậu người đã chứng tỏ họ sẵn sàng nhét đầy người lên tàu để kiếm tiền mà không cần biết rằng chiếc tàu có đến nơi hay không”.
George Newhouse, luật sư của những người sống sót và gia đình của những người chết ngoài đảo Christmas vào tháng 12 năm ngoái nói đã có 1000 người chết nhưng các chính trị gia dùng các người tầm trú như trái banh.
Ông nói: “Tình trạng bỉ ổi này là kết quả của việc hai đảng chính trị đã không đi đến thỏa thuận cùng nhau thành lập một chính sách thanh lọc ở nước ngoài để đối phó với người tầm trú”.
Cựu Thủ lãnh Lao động liên bang, ông Mark Latham đổ lỗi cho Lao động và Đảng Xanh về những cái chết như thế. Nhân vật thường gây tranh luận của Lao động nói: “Hãy đối diện với cái trung thực đầy tàn bạo này, rằng tàu bị chìm và các gia đình đang chết là hậu quả trực tiếp của cái gọi là lòng thương xót của những người ủng hộ thanh lọc trên đất liền”.
Kể từ ngày Tối cao Pháp viện ra phán quyết đưa người sang Mã Lai là bất hợp pháp, Chính phủ của bà Julia Gillard đã không còn phương cách nào khác là chấp nhận cho thuyền nhân đến Úc được thanh lọc tại chỗ bởi Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott không ủng hộ Giải pháp Mã Lai của bà Gillard mà chỉ muốn trở lại Giải pháp Thái bình dương của cựu Thủ tướng John Howard trước đây.
Số thuyền nhân và tàu chở người tầm trú đến Úc ở mức độ báo động trong vòng một tháng qua khiến nhiều người lên tiếng đả kích chính phủ lẫn đối lập.
(Nguồn tin: AFP)