Ông tiến sỹ cắp sách vào lớp một học tiếng Việt

19 Tháng 5, 2015 | Người Việt đó đây

 

Nghi Thanh

 

 

Tiến sỹ Huỳnh Kim với chiếc muỗng mang theo trên đường vượt biên. Hình naa.gov.au

 

Dân tị nạn Việt Nam ở Pulau Bidong thường qua trại Belfield ở Kuala Lumpur trước khi định cư. Vào năm 1979, khi gia đình ông Thiết cùng vợ và hai con vào trại Belfield để đi Úc, nhân viên di trú báo cho họ sẽ bay về Canberra.

 

Canberra? Ông Thiết và gia đình chưa từng nghe tên cái thành phố này bao giờ. Ông Thiết đáp “Nếu được, xin cho tôi về Sydney… Tôi có nhiều bạn ở Sydney. Ở đó, tôi dễ tìm việc để nuôi gia đình”.

 

Nhân viên di trú trả lời thật nhanh và thật quyết liệt “Dân tị nạn không được tự mình quyết định đi đâu thì đi. Tị nạn không có quyền này”. Một trong hai người con của ông Thiết, lúc đó 2 tuổi, nay làm giảng sư tại đại học ANU, Canberra, đã viết như thế trong luận án tiến sỹ chính trị học “Where The Sea Takes Us: A Vietnamese Australian Story”.

 

Chân ướt chân ráo đến Canberra, gia đình ông Thiết được nhà thờ đạo Thiên Chúa bảo trợ. Hai ông bà rất ngạc nhiên vì họ không phải là con chiên. Ông mục sư và vợ ra tận phi trường đón gia đình ông Thiết đưa về nhà. Đây là ngôi nhà bằng gỗ có ba phòng ngủ tại Ainslie. Bên ngoài là vườn trước và vườn sau; bên trong đầy nhóc bàn ghế giường tủ do giáo dân quyên góp.

 

Khi trời chập tối, cả nhà người Việt Nam tị nạn này hè nhau khiêng hết chăn nệm kéo vào một phòng ngủ duy nhất. Cha mẹ con cái ngủ chung một phòng! Hôm sau, ông mục sư đến thăm và không giấu được kinh ngạc. Ông Thiết phải hết lời giải thích: người Việt Nam thích ngủ chung! Sau này, khi mùa Đông đến, cả nhà ngủ chung một phòng còn được cái lợi khác. Số là vào mùa Đông Canberra có khi lạnh dưới không độ. Ngủ chung rất ấm.

 

Tiếng Việt quả là kinh hoàng

 

Vì đến Úc với hai tuổi đầu, Kim không biết tí gì về Việt Nam. Hơn nữa, như gần hết cha mẹ tị nạn khác ông Thiết và bà Vân ráng nói tiếng Anh với con. Ông bà nghĩ có vậy con mình mới học giỏi tại trường. Ngoài ra, có vậy tiếng Anh của ông bà mới khá lên. Quả nhiên nhờ có tiếng Anh, hai ông bà Thiết-Vân được coi là một trong nhiều gia đình thành công tại Canberra. Đầu tiên ông Thiết làm chuyên viên thiết kế hệ thống điện tại công ty Điện Lực. 10 năm sau, ông mở lò bánh mì. Hai con đều thành tài: Thạch làm việc trong một ngành học đang được nhiều gia đình người Việt ưa thích. Đó tính toán (actuary) cho các đại công ty. Anh đã lập gia đình và sống tại Bondi, bãi biển nổi tiếng của thành phố Sydney. Kim dậy học tại đại học ANU, Canberra.

 

Tuy nhiên, nói tiếng Anh trong nhà lại gây ra hiệu quả phụ là: con cái nhanh chóng quên tiếng mẹ đẻ. Kim thú nhận “Ba má tôi yêu cầu mọi thành viên trong gia đình phải nói tiếng Anh. Điều này vừa có ích nhưng vừa có hại vì sau chỉ hai ba năm tôi gần như không biết tiếng Việt. Còn nhớ khi nhỏ và khi có khách Việt Nam đến nhà, tôi hay chạy trốn, không dám ra chào khách và cảm thấy lúng túng và xấu hổ khi phải mở miệng. Lúc đó đối với tôi, tiếng Việt là một ngôn ngữ kinh hoàng. Khi 12 tuổi, tôi còn có thể nghe chút ít tiếng Việt nhưng ráng lắm mới nói được một vài từ. Hơn nữa lại còn không nói tên họ của mình rành. Đến mức đấy thì khó đảo ngược được vì ba má tôi rất bận rộn trong việc mở lò bánh mì và phải làm suốt ngày đêm. Tôi cũng làm phụ ở tiệm khi không phải đi học và cho ba má nghỉ ngơi.

 

Ngoài việc ở chung một ngôi nhà, chúng tôi ít có thời giờ nói chuyện với nhau. Như vậy từ lúc đó tôi ở trong một hoàn cảnh kỳ dị: nói chuyện được với người Úc nhưng với người Việt thì tôi chỉ có sự nín lặng.” (Tại sao tôi thích học Tiếng Việt, BBC 29 tháng 7, 2011)

 

Lớp một trường Việt Ngữ

 

Cuối cùng, khi lên 23 tuổi và đang viết luận án tiến sỹ, anh Kim cắp sách đi học tiếng Việt. Anh viết “Mỗi buổi sáng thứ bảy cộng đồng Việt kiều Canberra đã tổ chức trường học Tiếng Việt ở câu lạc bộ Pháp cho trẻ em. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đến lớp học không có ba má dẫn đến như học trò khác và tôi cảm thấy quá căng thẳng. Thầy cô giáo biết tiếng Việt của tôi rất dở nhưng vẫn không cho vô lớp mẫu giáo. Họ khuyên tôi gia nhập Lớp 1 để giảm bớt sự mắc cỡ. Có khoảng 20 học trò từ tám đến mười tuổi trong lớp. Không những tôi lớn tuổi nhất trong trường mà còn lớn hơn cả anh chị đến rước trẻ em về. Đôi khi về tuổi, tôi không thua xa ba má của họ. Có lúc chúng tôi được học về Âm lịch, tôi cảm thấy cô đơn vì không có ai trong lớp cùng tuổi Tỵ và cũng không ai ở trong giáp (chu kỳ 12 năm) của tôi.”

 

11 năm sau khi “tốt nghiệp” lớp 1 tại trường Việt Ngữ Canberra, anh Kim đã dành ra một năm sống tại Việt Nam. Suốt năm 2011, anh lăn lộn với đồng bào của mình: có khi lân la với đám chạy xe ôm, có khi bán xôi, có khi nhặt banh trong câu lạc bộ quần vợt. Trong thời gian trở về cội nguồn, anh từng xuống đường chống bành trướng Trung Quốc, ngồi học chung với sinh viên và được mời giảng dậy tại đại học. Nhờ đó không những anh trau chuốt tiếng Việt của mình đủ để viết bài cho đài BBC Tiếng Việt mà còn viết xong cuốn sách (bằng tiếng Anh và sẽ dịch ra tiếng Việt) về đời sống của người Việt ngày nay.

 

Kim cho rằng trong tiếng Việt khó nhất là nói trúng dấu. Trước đây, anh hay bỏ dấu sai. Nhưng bây giờ thì uốn lưỡi rất khá. Anh không lẫn lộn giữa củ và cu, bưởi và b**i hay đủ và đ* nữa! Sau một năm ở Việt Nam, nhiều người gặp anh Kim để hỏi đường sá, anh vui vẻ “rặn” tiếng Việt chỉ đường. Và ai biết anh mang cái tên “Kim” rất Đại Hàn cũng trầm trồ: “Úi chà! Chưa bao giờ gặp “thằng” Hàn Quốc giỏi tiếng Việt đến thế.”

 

Theo anh Kim, tiếng Việt rất khó nhưng vẫn thích học. Thích học vì tiếng Việt giúp anh hiểu thêm về người Việt Nam, về nguồn gốc, quê hương, gia đình và chính mình.

Mặc dầu rất thích nói tiếng Việt, giảng sư môn chính trị học tại đại học ANU xem chừng rất độ lượng khi nhận xét: “Tôi không đồng ý với những người nghĩ:  ai không biết Tiếng Việt không phải là người Việt. Tuy nhiên học một chút thì có lợi nhiều. Vì vậy người nước ngoài và Việt kiều không nên sợ tiếng Việt.”

 

Giết con để thoát nạn Cộng Sản

 

Như gần hết bạn trẻ Việt Nam thuộc thế hệ một rưỡi và mấp mí thứ nhì, Kim sống với cha mẹ cho đến 28 tuổi. Mãi cho đến lúc có bạn gái, đậu bằng tiến sỹ và làm giảng sư đại học, Kim mới xin cha mẹ cho ra riêng. Vậy mà khi nghe con xin ra riêng hai ông bà đã mất ngủ mấy đêm liền. Cuối cùng, hai ông bà đành chìu lòng con khi Kim hứa mỗi tuần một lần về nhà ăn cơm với cha mẹ. Bà Vân nhanh chóng “trả giá”:  Hai lần, nghe con.

 

Ngày nay anh Kim đã lập gia đình và có một con trai, anh càng thấm thía quan trọng thế nào khi cha mẹ mình quyết định bồng ẵm hai con nhỏ xuống thuyến vượt biên. Có lần anh nói trên đài phát thanh 666 tại Canberra: “tôi đang có đứa con 20 tháng. Bằng tuổi ấy, tôi xuống thuyền vượt biên khỏi Việt Nam và sống trong trại tị nạn… Có con, tôi càng hiểu cha mẹ thương tôi chừng nào nên khi biết cha mẹ dám liều mất mạng đứa con khi quyết định ra đi, tôi càng nhận ra cha mẹ bức rức chừng nào.” Thật vậy, trong trại tị nạn Pulau Bidong, hai anh em Thạch và Kim đều bệnh nặng, phải đưa lên tàu L’Ile de Lumière chữa trị suốt một tháng.

 

Trong lúc hai con thoi thóp, vợ chồng ông Thiết bà Vân không những đau khổ vì mất con mà còn thấy mình mắc tội “giết con”. Họ nghĩ, vì quyết định vượt biên nên con phải nông nỗi này. Kim viết trong luận án tiến sỹ “Ở Việt Nam, hai ông bà quyết định ra đi vì thà chết hơn thà sống dưới tay Cộng Sản. Nhưng tại Bidong họ lại băn khoăn không biết mình đúng hay sai khi bắt hai coi chịu hậu quả. Dường như họ đã hy sinh mạng sống của cả hai con để mình được thoát khỏi nạn Cộng Sản? Ông Thiết và bà Vân càng lúc càng băn khoăn khi nhìn hơi thở của hai con mỗi lúc một thoi thóp”. Đã có những lúc hai vợ chồng quẫn trí đến độ quyết định nếu con mình không sống nổi, cả hai sẽ tìm cái chết ở đảo.

 

Giảng sư xuất sắc tại Úc

 

Khi dạy hoc, anh Kim là người thầy rất gần gủi sinh viên. Vì là người trẻ và có chân trong hội đạp xe đạp tại Lãnh Thổ Thủ Đô ACT, giảng sư Kim thường đến trường bằng xe đạp. Vào giảng đường, anh tận tâm với sinh viên, năm 2010 anh được giải thưởng xuất sắc về giảng dạy do viện trưởng đại học ANU trao. Năm nay, đại học ANU lại đề cử anh lãnh giải thưởng giảng dậy xuất sắc trên toàn nước Úc.

 

Người ta thường ngại cần mẫn dạy học quá nhiều thì không còn thời giờ nghiên cứu nữa. Nhưng với giảng sư Huỳnh Kim: Dạy hoc và nghiên cứu không gây hại mà còn bổ túc cho nhau. Bằng chứng là anh từng xuất bản nhiều bài báo cũng như sách về các vấn đề như khủng hoảng chính trị và kinh tế tại Úc, di dân và tị nạn, triết lý chính trị, vấn đề trẻ em trong các cuộc giao tranh, bang giao Việt Nam / Trung Quốc cùng với những cái nhìn khác nhau của phương Đông và phương Tây. Ấy là chưa kế đến năm dự án đang thai nghén. Trong đó có cuốn sách về trẻ em sống trong vùng giao tranh, tuyển tập về đời sống chính trị của người trẻ ở Việt Nam và ba bài báo về tị nạn tại Úc, chính trị tại Việt Nam và phản ứng của Việt Nam trước đà bành trướng của Trung Quốc.

 

Huỳnh Kim — hay Kim Huynh, như lối gọi của người Úc –quả là tấm gương cho bạn trẻ Việt Nam tìm về cội nguồn.

 

Nghi Thanh

(Trích báo in TVTS số 1511 ngày 11.3.2015)