Lê Văn Hiếu được bổ nhiệm làm toàn quyền: “Vinh dự này dành cho toàn cộng đồng VN”
Hương Bình
![]() |
Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu cùng vợ. Photo courtesy: Chris Mangan, source: The Advertiser |
Tuần qua, tin Thủ hiến Nam Úc Jay Weatherill chỉ định Phó Toàn quyền (lieutenent governor) Lê Văn Hiếu làm toàn quyền (governor) Tiểu bang Nam Úc từ ngày 2 tháng 9 sắp tới đã được truyền thông chính mạch Úc, các nước tây phương và bên Việt Nam phổ biến một cách rộng rãi. Báo điện tử TiVi Tuần-san có lẽ là báo Việt ngữ đưa tin này sớm nhất sau tin của Radio Australia.
Việc Lê Văn Hiếu, 60 tuổi, một người gốc Việt được chọn làm Toàn quyền một tiểu bang của nước Úc là tin gây ngạc nhiên và đầy phấn khởi, bởi lần đầu tiên ở Úc một người Việt được giữ một chức vụ cao như thế. Với chức vụ Phó Toàn quyền trong 7 năm qua, ông Lê Văn Hiếu không những là người Việt Nam mà còn là người Á Châu đầu tiên trên thế giới giữ chức vụ phó vương (vice-regal post), một chức vụ đại diện cho nữ hoàng ở bên ngoài nước Anh. (Vice-regal/ Viceroy: (thuộc về) người cai trị một thuộc địa, tỉnh… như là một người phó của quốc vương; phó vương. Oxford Advanced Learners Dictionary)
Thuyền nhân và người tị nạn khác di dân!
Lê Văn Hiếu nguyên là một thuyền nhân tị nạn cộng sản, nhưng báo chí ở Việt Nam trong khi loan một sự kiện “hồ hởi phấn khởi” đến “nức lòng” như thế vì một người Việt Nam “thành công đại thành công” nơi xứ người, đã không nói đến quá khứ ra đi của ông Lê Văn Hiếu với tư cách của một thuyền nhân mà gọi ông là một di dân! Đưa tin như thế là sai lạc, bóp méo sự thật.
![]() |
Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu cùng vợ. Photo courtesy: Chris Mangan, source: The Advertiser |
Đài ABC ngày Thứ Tư tuần qua đã chạy một bản tin với tựa: “Hieu Van Le to be the next SA Governor: From war-torn Vietnam to vice-regal post”, xin được chuyển ngữ như sau:
“Người cựu tị nạn Việt Nam Hiếu Văn Lê đã được chỉ định là Toàn quyền Nam Úc sắp tới. Ông Lê, hiện giữ chức phó, sẽ thay thế Đề đốc Kevin Scarce từ tháng 9. Thủ hiến Jay Weatherill nói cuộc đời của ông Lê là một câu chuyện rất độc đáo khi ông đến Úc cách đây 36 năm với tư cách là một người tị nạn từ một nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá.
“[Ông ấy là] di dân Á Châu đầu tiên vươn lên tới chức toàn quyền trong lịch sử tiểu bang chúng ta”, ông Weatherill nói.
“Ông đã chứng tỏ sự phục vụ cộng đồng với mức độ ngoại lệ và tôi hoàn toàn không nghi ngờ ông ấy sẽ phục vụ trong chức vụ ấy một cách xuất sắc, như ông đã làm trong chức vụ Phó Toàn quyền từ năm 2007”.
Ông Lê trước đó là một kế toán viên cho đến khi ông về hưu năm 2009 và được nhận huy chương Officer of the Order of Australia (hay AO, là một huy chương cấp phát nhân dịp lễ Quốc Khánh Úc và Sinh nhật Nữ hoàng, chỉ sau huy chương AC và cao hơn các huy chương AM và OAM, chú thích của TVTS).
Ông Lê nói ông rất vinh dự và khiêm nhượng bởi sự chỉ định này. “Thật sự mà nói, đây là một loại chuyện thần tiên và tôi vẫn đang còn cố gắng để thích nghi với chuyện đó ngay lúc này”, ông nói.
“Như là một thuyền nhân trẻ, tôi đến Úc cách đây 36 năm chẳng có gì ngoài một hành trang vô hình chứa đầy những ước mơ, [với] một giấc mơ được sống trong một đất nước hòa bình, an lành và tự do và sống một cuộc đời có ý nghĩa và trọn vẹn.
“Nhưng được trao cho vinh dự lớn lao và đặc quyền giữ chức vụ phó vương (vice-regal office) quả thật là ngoài sức tưởng tượng hoang đường của tôi.
“Tuy nhiên sự chỉ định này nói nhiều về xã hội của chúng ta hơn là nói về tôi. Nó gởi đi một thông điệp có tính cách khẳng định về xã hội đùm bọc và bình đẳng của chúng ta”.
Ông Lê sau đó đã nói chuyện trên chương trình ABCs PM qua đó ông hồi tưởng một vài quan điểm chống di dân mà ông trải nghiệm sau khi tới Úc.
“Tôi đã phải nghe trên báo chí và phát thanh trực thoại về tất cả mọi thứ, và ngay cả tại Quốc hội Liên bang cũng như Quốc hội Tiểu bang, có nhiều tuyên bố về thuyền nhân, về những thứ bệnh mà họ có thể mang tới xứ này, rằng họ không là một thành phần của xã hội và đại loại như thế.
“Vâng, mọi chuyện khởi đầu như vậy đối với những đợt di dân mới, chúng tôi phải chịu vài thứ phê bình và tiêu cực vào lúc đầu.
“Nhưng sau vài năm, với mọi thứ tin hàng đầu và những chuyện về người Việt Nam, chúng tôi không nghe gì nữa, không còn bị để ý, và tôi nghĩ đó là một dấu hiệu tốt và đấy là dấu hiệu chúng tôi đã hoàn toàn hội nhập với xã hội đến một mức độ không còn bị để ý đến nữa.
“Cho đến, tôi cần phải nói, cho đến khi Pauline Hanson đọc một bài diễn văn tại Quốc hội, và sau đó có một vài thành phần trong xã hội bắt đầu khuấy động và có vài chuyện tiêu cực, nhưng sau đó, rồi cũng chẳng kéo dài”.
![]() |
Những người của một thời: Ông bà Lê Văn Hiếu tại trung tâm di dân Pennington Hostel năm 1977 |
Chức vụ cao nhất nhưng chỉ là biểu tượng
Ông Lê Văn Hiếu sinh năm 1954 tại Quảng Trị là năm đất nước chia đôi bởi sông Bến Hải và gia đình ông vào Đà Nẵng sinh sống. Học tại trường Phan Chu Trinh từ năm 1965 đến 1973, sau đó ông Hiếu theo học Trường Chính trị Kinh doanh Viện Đại học Đà Lạt cho đến năm 1975 khi cộng sản chiếm Miền Nam. Ông vượt biên cùng vợ là Lan bằng thuyền đến Mã Lai, nhưng sau đó lại lên thuyền đi từ Mã Lai tới Úc và cập bến Darwin vào ngày 21.11.1977. Một tuần sau họ bay tới Adelaide.
Từ đây ông bắt đầu một cuộc đời mới. Tốt nghiệp cử nhân kinh tế và kế toán, cao học Quản trị Kinh doanh, ông hành nghề kế toán (CPA) và là một quản trị viên cao cấp của Ủy hội Đầu tư và Chứng khoán Úc cho đến khi hưu trí năm 2009.
Vừa làm Chủ tịch Ủy hội Sắc tộc Sự vụ Tiểu bang Nam Úc vừa làm Phó Toàn quyền, ông đã được hai trường đại học Adelaide và Flinders cấp phát cho bằng tiến sĩ danh dự vì những đóng góp của ông cho cộng đồng và xã hội. Ông là người bảo trợ và là thành viên của trên 30 tổ chức cộng đồng. Sự làm việc không ngừng nghỉ và tận tâm của ông là những lý do để ông được Thủ hiến Nam Úc cân nhắc vào chức Phó Toàn quyền và bây giờ lên chức Toàn quyền.
Ông Bà Lê Văn Hiếu có hai đứa con trai là Don và Kim, những tên mà họ đặt theo tên của những người Úc chơi cricket nổi tiếng là Don Bradman và Kim Hughes.
Cũng nên biết vị toàn quyền chẳng có quyền hạn gì ngoài là đại diện cho nữ hoàng và chịu trách nhiệm trực tiếp với nữ hoàng chứ không phải với tổng toàn quyền (general governor) ở Canberra. Với chức vụ có tính cách tượng trưng này, vị toàn quyền sẽ chủ tọa những lễ lạc, hội hè, thăm viếng và được ngồi hay đứng trước thủ hiến hay thủ tướng, vì là đại diện của nữ hoàng.
Theo hiến pháp, trong trường hợp có khủng hoảng chính trị, toàn quyền có thể can thiệp như Tổng Toàn quyền John Kerr đã sa thải Thủ tướng Gough Whitlam hồi năm 1975. Và trong trường hợp một chính phủ thiểu số không có đủ ghế để thành lập hay điều hành chính phủ, họ phải đến xin ý kiến của toàn quyền. Đó là lúc mà một toàn quyền có quyền thật sự!
Và sau cuộc bầu cử kỳ tới, tân chính phủ Nam Úc bao gồm cả vị thủ hiến, sẽ phải tuyên thệ nhậm chức trước mặt Toàn quyền Lê Văn Hiếu.
![]() |
Sẽ bàn giao: Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu (phải) và tướng Hải quân một sao (*) Kevin Scarce sẽ mãn nhiệm toàn quyền vào tháng 8 tới đây. Hình: The Advertiser/ Adelaide Now |
Tưởng cũng nên nói qua về danh từ và danh xưng Governor tại Úc. Một số báo chí ở ngoài Úc trong đó có báo chí Việt ngữ ở Mỹ nói ông Lê Văn Hiếu được bổ nhiệm làm thống đốc Nam Úc. Mặc dù tiếng Anh viết là governor, nhưng tùy thể chế chính trị và sắp đặt hành chánh để có thể dịch chính xác một chức vụ từ tiếng Anh ra tiếng Việt.
Tại Úc, 6 người đại diện cho nữ hoàng Anh cấp tiểu bang gọi là governer và một người ở cấp liên bang là general governor (báo chí thường viết tắt GG). Ở Mỹ governor được dịch là thống đốc, người do cử tri bầu và cai trị một tiểu bang qua một chính phủ, như thủ hiến (premier) ở Úc.
Thời gian đầu, báo chí Việt ngữ dịch chữ governor là toàn quyền và general governor là tổng toàn quyền để phân biệt hai cấp tiểu bang và liên bang như trong tiếng Anh.
Dù chưa hẳn là đúng như ta có thể thấy khi dịch các danh từ này trong thời Việt Nam còn thuộc Pháp với các chức vụ toàn quyền của Pháp hay khâm sai của triều đình nhà Nguyễn, nhưng từ khi SBS Radio Việt ngữ bắt đầu phát thanh toàn quốc, người ta nghe các nhà phát thanh dịch chữ governor thành khâm sai hay toàn quyền, còn chữ governor general thành khâm sai đại thần. Và sau này, cũng từ đài này, mỗi người dịch một cách, tùy hứng.
Đã là “toàn” rồi mà còn lại có thêm “tổng toàn” nghe cũng hơi kỳ. Biết làm sao? Nhưng vì đã “quen tai” rồi, có lẽ tốt nhất nên gọi người đại diện nữ hoàng ở tiểu bang là toàn quyền, cấp liên bang là tổng toàn quyền (hay toàn quyền liên bang), dù ông/bà “tổng” toàn quyền này chẳng có quyền hành gì đói với ông/bà toàn quyền của các tiểu bang!
“Giòng giống bất khuất, kiên cường”
Ngay sau khi tin bổ nhiệm loan ra, ông Lê Văn Hiếu đã được các đài truyền hình Úc mời phỏng vấn, và tuy bận rộn như thế ông vẫn dành cho phóng viên Vũ Bảo của ban Tiếng Việt Đài Radio Australia một buổi nói chuyện, trên tinh thần đồng hương mà cũng có thể là đồng song (vì hình như Vũ Bảo cũng là cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh).
Cũng như phóng viên Vũ Bảo, nhiều người sẽ thắc mắc tại sao ông Lê Văn Hiếu được chọn làm phó toàn quyền rồi toàn quyền, ông Hiếu nói khó trả lời và cũng chẳng biết trả lời như thế nào, nên ông chỉ xin kể vài tiêu chuẩn mà Úc chọn một toàn quyền.
Các ứng viên thường phải trải qua một cuộc chọn lựa rất rộng rãi. Nội các chính phủ tiểu bang đề nghị một số thành viên trong cộng đồng mà họ cảm thấy đóng góp một cách thiện nguyện, ngoài mức bình thường so với công việc của một người. Họ tìm hiểu quan sát các yếu tố như công ăn việc làm, cách hành xử của người đó trong quá trình làm việc, bên ngoài xã hội. Rồi nội các thảo luận về những ứng viên có xác xuất cao để có thể đề nghị lên nữ hoàng cứu xét.
Cũng trong thời gian này thủ hiến sẽ tham khảo với nội các và các nhân vật của chính phủ và ngoài xã hội để cuối cùng chuyển qua nữ hoàng.
Bí thư của nữ hoàng sẽ báo cho thủ hiến biết người được đề nghị đã được sự đồng ý của nữ hoàng, nhưng Úc cũng vẫn cung cấp thêm một số dữ kiện để nữ hoàng cứu xét lần chót.
Ông Lê Văn Hiếu cho Vũ Bảo biết chức vụ toàn quyền là “do chính nữ hoàng trực tiếp bổ nhiệm”.
Như độc giả có thể biết, cách đây vài năm đã có tin Chính phủ Lao động có nghĩ đến việc đưa Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu lên thay thế Đề đốc Scarce một khi ông toàn quyền mãn nhiệm, nhưng mức độ ông Hiếu sẽ được giữ chức này không cao lắm vì còn những ứng viên khác nữa. Nhưng nay ông Hiếu đã làm nên lịch sử khi được giữ chức vụ phó vương này (vice-regal post).
Ông Lê Văn Hiếu nói với phóng viên Vũ Bảo: “Tôi xin dành vinh dự này cho cộng đồng Việt Nam, cho khí huyết của tổ tiên ông bà mình, cho dân tộc Việt, chứ cá nhân tôi chỉ là người mang những cái đó thôi”.
Ông cho rằng sự bổ nhiệm ông vào chức vụ toàn quyền là một sự ghi nhận không phải dành cho cá nhân ông mà cho sự đóng góp của toàn thể cộng đồng Việt Nam ở Úc.
Xin một lời khuyên cho giới trẻ Việt Nam, ông Hiếu nói rằng họ phải luôn ghi trong tâm khảm mình đang mang giòng máu của một sức sống hết sức mãnh liệt, một sự chịu khó chịu đựng hết sức cao đồng thời thời cũng luôn nhớ rằng mình thuộc về giòng giống hết sức thông minh và cần cù.
Cuối cùng, theo phóng viên Vũ Bảo, vị toàn quyền tương lai của Nam Úc gốc Việt nói về những đặc điểm của tổ tiên ông: “rất bất khuất, kiên cường, chịu khó nhẫn nại, dễ hòa hợp, hiếu khách”.
Có lẽ nhờ vậy mà Việt Nam đã sản xuất được một toàn quyền cho Tiểu bang Nam Úc?
Tin ông Lê Văn Hiếu sẽ làm toàn quyền đã được cộng đồng Việt Nam khắp nước Úc đón nhận với sự vui mừng, phấn khởi. Như tin từ Nam Úc cho hay, ông Hiếu sống gắn bó với cộng đồng ở Nam Úc và được đồng hương quý mến.
Ông Ngô Thế Tùng, một dân biểu viện trên của đảng Lao động Nam Úc đang cầm quyền, cho rằng ông không ngạc nhiên khi được tin ông Hiếu được bổ nhiệm vì từng biết ông Hiếu qua cách làm việc. Theo chính trị gia gốc thuyền nhân Ngô Thế Tùng thì một trong những điểm nổi bật của ông Hiếu là tính khiếm tốn, giản dị và hòa đồng.
Năm 2010 trong Đại hội Thụ nhân Thế giới tổ chức tại Melbourne, Phó Toàn quyền Lê Văn Hiếu và phu nhân đã bay từ Adelaide tới Melbourne để dự cuộc họp mặt của các bạn đồng song ngày trước, sự việc này đã nói lên điều gì đó nơi con người Lê Văn Hiếu, như đồng hương của ông ở Adelaide nhận xét.
* * *
Dịch cấp bậc Hải quân từ tiếng Anh
TiVi Tuần-san trong bức hình của bài báo nói về việc ông Lê Văn Hiếu được bổ nhiệm làm toàn quyền Nam Úc đã ghi chú sai cấp bậc của đương kim Toàn quyền Nam Úc Kevin Scarce là tướng Hải quân một sao. Xin đính chính là ông Scarce là tướng Hải quân hai sao (*).
Về việc dịch quân hàm vice-admiral của Toàn quyền Scarce, một số báo Việt ngữ và Radio Australia Tiếng Việt đã dịch cấp bậc vice-admiral là phó đô đốc trong khi TVTS tuần qua dịch là phó đề đốc. Xem lại cấp bậc Hải quân Úc trong tự điển mở wikipedia và kinh nghiệm từng nghe cấp bậc của sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa nói chung và Hải quân nói riêng, chúng tôi nghĩ rằng dịch như vậy không đúng. Có lẽ nên dịch là Đề đốc Scarce.
Cấp tướng Lục quân Úc từ thấp đến cao gồm:
1 sao: Chuẩn tướng (Brigadier)
2 sao: Thiếu tướng (Major general)
3 sao: Trung tướng (Lieutenant general)
4 sao: Đại tướng (General)
5 sao: Thống tướng (Field marshal)
Cấp tướng Không quân:
1 sao: Chuẩn tướng (Air commmodore)
2 sao: Thiếu tướng (Air vice marshal)
3 sao: Trung tướng (Air marshal)
4 sao: Đại tướng (Air chief marshal)
5 sao: Thống tướng (Marshal of the RAAF)
Cấp tướng Hải quân:
1 sao: Phó đề đốc (Commodore)
2 sao: Đề đốc (Rear admiral)
3 sao: Phó đô đốc (Vice admiral)
4 sao: Đô đốc (Admiral)
5 sao: Thủy sư Đô đốc (Admiral of the fleet).
Trong lịch sử Hải quân Úc, chỉ có vài lần hải quân có cấp đô đốc (admiral) và lần gần nhất bởi tướng 4 sao Michael Hudson khi ông cầm đầu hải quân vào năm 1985.
Hiện nay tham mưu trưởng/ tư lệnh hải quân (chief of navy) là Phó đô đốc (vice admiral) Tim Barnett, nhậm chức từ ngày 30 tháng 6 vừa qua.
Tướng hải quân Úc không mang sao (VNCH và Mỹ cũng vậy) đã dành, tướng lục quân Úc cũng không mang sao mà là cặp kiếm và ba-tông chéo nhau, và cấp bậc càng cao càng có nhiều vương miện hoàng gia (Crown).
Và cuối cùng, cách gọi cấp bậc của VNCH và của Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng khác nhau. VNCH, từ dưới lên: chuẩn tướng, thiếu tướng, trung tướng, đại tướng trong khi CHXN CNVN gọi: thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng, đại tướng.
Ngày trước VNCH có một người được mang cấp bậc thống tướng Lục quân đó là Thống tướng Lê Văn Tỵ. Khi Đại tướng (CSVN) Võ Nguyên Giáp gần chết, có những đề nghị công khai nên phong cho ông lên hàm thống tướng, nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
(Hương-Bình/ TVTS số 1476 ngy 9.7.2014).
* * *
Đề đốc và Đô đốc
Trong số báo tuần trước, nhân bài “Phụ nữ Mỹ đầu tiên làm Đô đốc”, TVTS có viết về cấp bậc trong hải quân của đương kim Toàn quyền tiểu bang Nam Úc Kevin Scarce và cho rằng “Có lẽ nên dịch là Đề đốc Scarce”.
Tuần này, với tư cách là một người từng đảm trách nghi lễ trong quân đội, LNĐ khẳng định: cấp bậc của ông Kevin Scarce là “Rear Admiral” thì không chỉ “nên” mà bắt buộc phải dịch “Đề đốc”.
Hiện nay, Hải Quân quốc tế đều tuân theo một nguyên tắc chung về cấp tướng trong hải quân, từ trên xuống dưới, như TVTS đã viết, là: Admiral of the Fleet( Thủy sư Đô đốc), Admiral (Đô đốc), Vice Admiral (Phó Đô đốc), Rear Admiral (Đề đốc), và Commodore (Phó Đề đốc).
Trong tiếng Anh, trên giấy tờ chính thức, hai cấp Vice Admiral, Rear Admiral viết thì phải viết đầy đủ, nhưng khi thưa gửi, hoặc viết thư cho nhau, người ta thường ngắn gọn là “Dear Admiral X…”, tương tự bên Không Quân (Úc, Anh) là “Dear Marshal X…”, bên Lục Quân (Anh, Úc, Mỹ) và Không Quân Mỹ là “Dear General X…” không cần biết là tướng 2, 3, hay 4 sao.
Về phần Hải Quân VNCH, vì cách dịch hơi khác (Đô đốc, Phó Đô đốc, Đề đốc, Phó Đề đốc), cho nên cách thưa gửi cũng hơi khác: Đô đốc hoặc Phó Đô đốc thì “Kính thưa Đô đốc”, còn Đề đốc và Phó Đề đốc thì “Kính thưa Đề đốc”.
Cách đây mấy năm, khi cựu Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, nguyên Tư lệnh Hải Quân VNCH, sang Úc vận động cho một tổ chức chính trị nào đó, được MC thưa gửi là “Thưa Đô đốc”; sau đó không chỉ bị một mình LNĐ mà còn bị nhiều vị sĩ quan Hải Quân VNCH chính hiệu con nai vàng sửa lưng về tội “lấy điểm trật sách vở” ấy.
Về phần Radio Australia (chương trình tiếng Việt) gọi Toàn quyền Kevin Scarce là “Phó Đô đốc” rất có thể vì đài này dựa vào cách gọi của Hải Quân Nhân Dân (CSVN): Đô đốc, Phó Đô đốc, Chuẩn Đô đốc, rồi báo chí Việt ngữ ở hải ngoại cứ thế mà gọi theo!
(Lão Ngoan Đồng – Ngồ Buồn Gãi Rốn, TVTS số 1477 ngày 16.7.2014)