Hương Bình – báo in TVTS, số 1420 ngày 12.6.2013
![]() |
Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott (bìa trái) giúp ứng viên John Nguyễn (thứ 3 từ trái) khai mạc cuộc vận động tranh cử đơn vị Chisholm với những ủng hộ viên địa phương. Photo courtesy: Theburnmagazine.com.au |
Người Việt đã định cư ở Úc khoảng 38 năm kể từ biến cố đau thương 30 tháng Tư 1975. Cộng đồng người Việt phần lớn là người tị nạn đường biển và một ít bằng đường bộ, tạm trú ở các nước Đông Nam Á trước khi được định cư ở Úc nhờ cựu Thủ tướng Tự do Malcolm Fraser với chính sách mở rộng vòng tay, có bao nhiêu người muốn đến Úc đều nhận mà chẳng cần qua màn thanh lọc để xem có phải là tị nạn thật sự hay không.
Rồi sau đó là những đợt đoàn tụ gia đình, sinh con đẻ cái và di dân tay nghề. Và đó cũng là lý do tại sao Úc có một cộng đồng Việt Nam trên 200,000 người hiện nay.
Họ Nguyễn sẽ là họ lớn nhất nước Úc
Trong tuần qua, báo chí Việt ngữ ở hải ngoại lẫn trong nước đã viết bản tin về sự kiện họ Nguyễn đang trở thành họ phổ biến nhất ở Úc sau khi tờ báo The Daily Telegragh ở Sydney và các cơ quan truyền thông trong tập đoàn News Limited đăng bài có tựa “Vietnamese surname Nguyen to overtake Smith as most common metropolitan surname”.
Cách đây 100 năm, năm 1903 không bao giờ nghe tên họ Nguyễn ở nước Úc nơi mà những họ có gốc gác Anh và xứ Wales như Smith, Williams, Brown, Jones, Wilson, Taylor, Ryan, Anderson, McDonald, White, Thompson, Thomas, Martin, Johnson, Kelly, Murphy, Walker, Scott, Campbell, Stewart đứng đầu TOP 20 trong vô số tên họ của nước này.
Nhưng theo các tài liệu về dân số và dữ kiện thống kê, đến năm 2013 họ Nguyễn đã đứng hàng thứ 13 trong cả nước, đứng hàng thứ 2 ở thành phố Melbourne, thứ 3 ở Sydney và hàng thứ 7 ở Adelaide.
Họ Việt khác đứng trong hạng TOP 20 của các thành phố có họ Trần đứng hàng thứ hàng thứ 10 ở Melbourne và thứ 14 ở Sydney.
Các nhà dân số học tiên đoán trong vòng 10 nữa họ Nguyễn sẽ qua mặt họ Smith ở Melbourne và Sydney, dù di dân gốc Hồng mao đến Úc vẫn đứng hàng đầu bởi những người đến từ Tân Tây Lan và Nam Phi.
Như nhà dân số học Bernard Salt nhận xét thì các họ của giống Hồng mao không bị tiêu diệt nhưng sẽ bị qua mặt bởi họ của những người Á Châu. Nước Úc hiện nay không thuần Hồng mao như cách đây 250 năm mà đang dần dà tiến gần với Châu Á. Và di sản Á Châu của nước Úc một phần là bởi những người mang họ Nguyễn.
Tờ The Daily Telegraph trích một nhận xét của một ứng viên họ Nguyễn tranh cử quốc hội liên bang lần này, rằng giống như giòng họ Windsor của Anh quốc hiện nay, họ Nguyễn là giòng họ vua chúa cuối cùng của Việt Nam và có những người đổi ra họ Nguyễn để mong được hưởng ân huệ vì nghĩ có sự gần gũi với hoàng tộc.
Tuy nhiên, tờ Tuổi Trẻ News ấn bản tiếng Anh ở Việt Nam nhân nói về đề tài thời sự họ Nguyễn ở Úc, cho biết theo thống kê, trong số 88 triệu người Việt có đến 40% mang họ Nguyễn và sở dĩ có nhiều người mang họ Nguyễn như thế bởi khi nhà Trần trị vì từ thế kỷ 11 đến 13, nhiều người trong hoàng tộc của nhà Lý đã cải sang họ Nguyễn để khỏi bị nhà Trần bách hại (cả hai nhận xét nói trên có thể chỉ đúng phần nào).
![]() |
Mở màn trận chiến tại Chisholm: Từ trái, Thượng nghị sĩ Helen Kroger, ông Tony Abbott và ứng viên John Nguyễn. Hình: helenkroger website |
Lao động và Tự do đối với người Việt
Mấy chục năm qua từ khi có sự hiện diện của người Việt, các đảng phái ít nhiều đã tìm cách lấy phiếu của người Việt. Những người trong các chính đảng Úc khi tiếp xúc và tìm hiểu người Việt thường đặt câu hỏi người Việt có khuynh hướng gì và bỏ phiếu cho đảng nào.
Thuở ban đầu, người ta cho rằng người Việt thích đảng Tự do vì đảng Lao động của ông Gough Whitlam thiết lập bang giao với Bắc Việt (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), lại không muốn nhận người Việt di tản vào Úc nhưng khi đảng Tự do lên cầm quyền từ ngày 11.11.1975 Thủ tướng Malcolm Fraser đã mở rộng cửa đón mọi thuyền nhân Việt Nam trong thời gian cầm quyền hơn 7 năm, vì thế người Việt mang ơn ông Fraser nên có khuynh hướng bầu cho Tự do (cũng nên biết, hiện nay cựu Thủ tướng Fraser vẫn chống chính sách về người tị nạn của Lao động lẫn Tự do và nhiều lần ông chỉ trích Thủ tướng John Howard và Thủ lãnh đối lập Tony Abbott về vấn đề này).
Người ta cũng nói rằng vì người Việt ghét và sợ cộng sản, nên họ không thích Lao động bởi đảng tả khuynh này có cái tên gần giống tên đảng Lao động Việt Nam tiền thân của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Nhưng trong thập niên sau, khi đã sống ở Úc và đa số làm việc trong các hãng xưởng, người công nhân Việt lại thấy họ gần gũi với đảng của “người nghèo” hơn đảng của “người giàu”.
Lại có những người Việt gia nhập nghiệp đoàn và hoạt động cho đảng Lao động như Nguyễn Sang, để rồi người thanh niên “thường thường bậc trung” nhưng “đẻ bọc điều” này được đảng Lao động lẫn cộng đồng Việt Nam hỗ trợ nên đã tạo những kỷ lục, như là nghị viên hội đồng thành phố đầu tiên của Tiểu bang Victoria, thị trưởng đầu tiên (Thành phố Richmond) ở Úc và dân biểu viện trên đầu tiên (Tiểu bang Victoria) ở Úc (*).
Nhưng Nguyễn Sang chỉ làm dân biểu đơn vị Melbourne West Province từ năm 1996 đến năm 2006 thì bị đảng thay đổi người, chọn ông Martin Pakula. Đây là đơn vị quá an toàn nên ai được Lao động chọn ứng cử là… đương nhiên đắc cử!
Đảng Tự do ở Tiểu bang Victoria cũng từng ưu ái một người Việt có tên tuổi và có trình độ học vấn như cựu Nghị viên Trần Đức Dũng, đưa ông ra ứng cử đơn vị Richmond. Trịnh Đức Dũng từng làm Ủy viên Hội đồng Thành phố Maribyrnong (tương đương với chức Thị trưởng bởi vì Chính phủ tiểu bang giải tán Hội đồng Thành phố) thời Thủ hiến Kennett.
Richmond là thành đồng của Lao động, ông Dũng biết ra sẽ chắc thua 100% nhưng đấy là hình thức để chứng tỏ sự dấn thân vì đảng, và để “chờ thời” như biết bao đảng viên các đảng phái chính trị khác.
Cũng thời đó, ông Hong Lim, một người gốc Cam Bốt đã được đảng Lao động đưa ra ứng cử ở viện dưới đơn vị Clayton cùng thời với ông Nguyễn Sang, nhưng đến nay ông Hong Lim vẫn còn được đảng cho tái ứng cử nhiều lần, tuy nhiên ông Hồng Lim vẫn chưa được nâng lên cấp cao như chức bộ trưởng hay vào nội các đối lập.
Sau vụ Nghị viên Ngô Cảnh Phương, một người có tham vọng làm dân biểu tiểu bang và muốn giành cái ghế Cabramatta của ông John Newman nhưng đã ngồi tù chung thân vì cái chết của ông Dân biểu Newman, người ta hầu như không còn nghe người Việt được các chính đảng đưa ra ứng cử cấp tiểu bang, đừng nói chi liên bang.
Cho đến năm ngoái, đảng Tự do New South Wales đã đưa một nhân vật khá nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam ở địa phương ra tranh cử đơn vị Cabramatta, đó là cô Đài Lê. Cabramatta là nơi có rất đông người Á Châu cư ngụ và cũng được gọi là thủ phủ của người Việt giống như Westminster và Little Saigon ở Mỹ.
Thời gian này, chính phủ Lao động NSW đã không còn được cử tri tín nhiệm và người ta tiên đoán đảng Tự do sẽ chiến thắng long trời lở đất. Lê Đài muốn thắng đối thủ Nick Lalich, phải giành thêm… 29% số phiếu dồn về cho mình! Nhưng Lê Đài chỉ chiếm được 3% và còn thua đối thủ đến 26%, có nghĩa còn lâu lắm đảng Tự do mới có thể lấy được cái ghế Cabramatta.
Nhưng sự thất bại của ứng viên gốc Việt của Tự do NSW không làm Tự do liên bang chùn bước trong cuộc bầu cử năm nay. Hơn ai hết Tự do biết sức mạnh của lá phiếu người gốc Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong thập niên 1980 ông John Howard đã làm mất lòng người gốc Á Châu khi muốn ngăn chận di dân từ Á Châu. Nhưng đến giữa thập niên 1990 ông đã nhận thấy sai và điều chỉnh trước ngày thắng cử năm 1996. Mặc dầu sau này ông Howard đã có những liên hệ tốt với di dân Á Châu và các nước trong khu vực, nhưng ông thủ tướng lại bị mất luôn cái ghế dân biểu đơn vị Bennelong năm 2007 nơi người Hoa có dân số đáng kể. Sự đời ai mà đoán được chữ ngờ!
Gần 4 thập niên sống ở nước Úc, người Việt của đợt tị nạn và di cư đầu tiên đã có đời sống ổn định. Nhiều người giữ những chức vụ tương đối trong các cơ quan công quyền hay công ty tư nhân và rất nhiều người là những tiểu thương, chủ tiệm buôn hay hãng xưởng nhỏ.
Lớp người tị nạn và di dân từ giới lao động đang có khuynh hướng dần dần trở thành giai cấp trung lưu. Con cái của họ đến Úc từ bé hay sinh ra tại Úc đã có cơ hội tiến thân trong lãnh vực học vấn, trở thành những chuyên gia, có nghĩa cũng thuộc tầng lớp trung lưu. Mà trung lưu thì thường có khuynh hướng thân Tự do, đảng được coi của giới người giàu, thương gia; đảng hỗ trợ những người chí thú làm ăn để vươn lên.
Trước đây đảng Tự do đã để nhiều cử tri Việt ngả sang Lao động trong thời gian ông John Howard bị coi là có đầu óc kỳ thị. Khuynh hướng đó đã thay đổi với các chính sách gần đây của Tự do, đồng thời người Việt tị nạn cộng sản vẫn thường nghi ngờ Lao động dễ thân cộng hơn Tự do.
Đảng Tự do đã thấy được điều này nên trong cuộc bầu cử năm nay họ đã đưa hai người trẻ Việt Nam ứng cử vào Hạ viện liên bang. John Nguyễn, 39 tuổi ở đơn vị Chisholm của Tiểu bang Victoria và Andrew Nguyễn đơn vị Oxley của TB Queensland, và một người lớn tuổi ở đơn vị Fowler TB NSW là Andrew Nguyễn (hình như là cựu nghị viên Fairfield Nguyễn Thế Nghiệp?)
John Nguyễn sinh đẻ ở Bạc Liêu, con một sĩ quan bị học tập cải tạo. John Nguyễn đến Úc năm 1980 với ông bà lúc 5 tuổi, tốt nghiệp cử nhân Thương mại ở Đại học Melbourne và sau đó cao học Quản trị Kinh doanh của trường Melbourne Business School. Anh làm việc tại những công ty lớn ở Mỹ và Úc đồng thời tham gia các sinh hoạt thiện nguyện của cộng đồng và giúp đỡ những người trẻ bị ghiền rượu và ma túy.
Đơn vị Chisholm hiện do bà chủ tịch Hạ viện Anna Burke của Lao động nắm giữ. Đơn vị này có nhiều người Á Châu cư ngụ bao gồm các vùng Box Hill, Mount Albert, Burwood, Ashwood, Syndal, Mount Waverley, Okleigh, Clayton và một phần Glen Waverley.
John Nguyễn từng ứng cử tại đây dưới lá cờ của Tự do năm 2010 và tuy thất cử, nhưng cũng đã đưa số phiếu biên tế của Lao động rớt từ 6.1% xuống 5.8%.
John Nguyễn được con như con “gà nòi” từ cộng đồng Việt Nam của ông Tony Abbott.
![]() |
Trùng tên: ứng viên Andrew Nguyễn của Oxley (QLD) và ứng viên Andrew Nguyễn (Thế Nghiệp? phải) của Fowler (NSW). Hình: google |
Andrew Nguyễn, 29 tuổi đuợc đảng Tự do Quốc gia (LNP) chọn ra tranh cử ở đơn vị Oxley, là đơn vị năm 1996 bà Pauline Hanson của đảng Một nước thắng cử. Andrew Nguyễn sống hầu hết thời gian tại đơn vị này. Anh tốt nghiệp cử nhân văn khoa Đại học Queensland, cử nhân luật Đại học Griffith, hoạt động trong sinh hoạt cộng đồng, đại học và các lãnh vực công cũng như trong ngành luật.
Đơn vị Oxley bao gồm các vùng gồm một phần phía đông Thành phố Ipswich và các ngoại ô tây nam như Redland, Forest Lake, Richlands, Durack, Inala, Jamboree Heights và Jindalee là nơi có nhiều người Á Châu.
Andrew Nguyễn cần giành thêm 5.8% số phiếu cho Tự do thì mới có thể lấy cái ghế mà dân biểu Lao động Bernie Ripoll đang giữ.
Andrew Nguyễn (Thế Nghiệp?) sống ở đơn vị Fowler trong 25 qua, từng là nghị viên thành phố và có nhiều kinh nghiệm hoạt động với cộng đồng địa phương. Đơn vị Fowler bao gồm một phần của Liverpool, các ngoại ô Cabramatta, Canley Vale, Lansvale, Mount Pritchard, Bonnyrigg, Ashcroft, Busby, Hinchinbrook, Cecil Hills và Green Valley.
Năm ngoái ứng viên Tự do Thomas Dang mặc dù thua ứng viên Lao động Chris Hayes nhưng đã lấy đi của Lao động 13% số phiếu. Nhưng liệu Andrew Nguyễn (Thế Nghiệp) có đủ khả năng để thu thu hút thêm 8.8% từ Chris Hayes để làm nên lịch sử không?
Có người chê Tự do khi lựa chọn Andrew Nguyễn (Thế Nghiệp) thay vì một tài năng trẻ khác vì với tình hình hiện nay của đảng Lao động, đơn vị thành đồng của Lao động có thể bị mất trong cuộc bầu cử mà Lao động bị tiên đoán sẽ đại bại, thua đậm hơn năm 1996 thời Paul Keating/ John Howard, và có thể thua hơn cả năm 1975 dưới thời Gough Whitlam/ Malcolm Fraser.
Với 3 người Việt được đảng Tự do chọn ra tranh cử vào Hạ viện liên bang năm nay, đây là một con số kỷ lục đối với người mang họ Nguyễn—một họ sẽ đứng đầu các họ của nước Úc trong một tương lai không xa.
Trong bữa tiệc gần đây của đảng Tự do chi nhánh Victoria, Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott nói: “Chúng ta có John Nguyễn ở Chisholm và chúng ta có 2 Andrew Nguyễn—một tranh cử ở Queensland, một tranh cử ở New South Wales – và tôi muốn được thấy gia đình họ Nguyễn có tiếng nói trong Quốc hội Liên bang”.
Cộng đồng người Việt ở Úc cũng mong muốn như thế.
Hương Bình
Chú thích:
(*) Ngày trước, nhiều người gọi ông Nguyễn Sang là nghị sĩ hay thượng nghị sĩ. Người viết nghĩ rằng gọi như thế là không đúng. Chỉ có viện trên của liên bang mới được gọi là thượng viện (Senate) và những người được chọn vào thượng viện mới được gọi là thượng nghị sĩ, như Thượng nghị sĩ Penny Wong, bộ trưởng Tài chánh hiện nay của đảng Lao động liên bang.
Các tiểu bang thường có hai viện hoặc có một viện độc nhất như ở Queensland. Viện dưới được gọi nôm na là Lower House hay một cách chính thức là Legislative Assembly và sau tên của vị dân cử thường có thêm 3 mẫu tự MLA viết tắt của Member of Legislative Assembly để nhận diện họ là dân biểu viện dưới.
Viện trên của tiểu bang được gọi là Upper House hay Legislative Council, cũng có nhiệm vụ tái duyệt các dự luật như viện trên của liên bang nhưng không được người Úc gọi là thượng nghị sĩ (senator) mà chỉ được gọi là MP (Member of Parliament) như viện dưới. Nếu thấy 3 mẫu tự viết tắt MLC là sẽ biết họ thuộc viện trên.
Danh xưng Thượng nghị sĩ (senator) chỉ dành cho các dân cử ở Thượng viện (Senate) mà thôi, tức định chế chính trị cấp liên bang. Hình như ở Hoa Kỳ cũng vậy. Tuy nhiên, nhiều người Việt vì muốn cho “tiện việc sổ sách” nên các dân biểu viện trên cấp tiểu bang cũng được gọi bằng thượng nghị sĩ tuốt!
Cũng như ở Miền Nam ngày xưa, các thành phố ở Úc có chính quyền địa phương (local government) và các chính gia địa phương được bầu vào hội đồng thành phố được gọi là nghị viên (councillor). Ở một số thành phố trong nước Úc đã có người Việt làm nghị viên, như Nghị viên Trương Lợi ở Thành phố Greater Dandenong ở Victoria hiện nay. Gọi ông là Nghị Lợi thì đúng, nhưng gọi bà Tổng trưởng Tài chánh là Nghị Wong là sai. Phải gọi là Thượng nghị sĩ Wong hay ngắn hơn là Nghị sĩ Wong, chứ nếu gọi Nghị Wong thì đã coi bà như một nghị viên của hội đồng thành phố, tức giáng mấy cấp!