Thơ nhạc và triển lãm “Còn trong nỗi nhớ” của Bùi Ngọc Lan

23 Tháng 10, 2012 | Người Việt đó đây

 

Bà Bùi Ngọc Lan (giữa) và hai người hướng dẫn chương trình, ông Thiện Tuấn và cô Bảo Kim (Hình và chú thích của TVTS

 

LTS:  Bài viết này là cảm nghĩ của độc giả Phượng Lam được ghi lại sau khi dự buổi văn nghệ “Còn trong nỗi nhớ” của bà Bùi Ngọc Lan. Xin giới thiệu với bạn đọc và trân trọng cám ơn bà Phượng Lam.

 

* * *

 

Sống gần ba mươi năm ở Úc, nhờ đọc mục Sinh Hoạt đó đây trên TiVi Tuần San, và được nghe 2 đài phát thanh tiếng Việt SBS Radio, Hồn Việt radio, thêm may mắn nhằm ngày Chủ nhật, đứa cháu nội sẵn sàng đưa đón tận chỗ tận nơi suốt cả 1 buổi chiều, tôi mới có 1 kỷ niệm nhớ đời.

 

Chưa tới giờ mà khách đã có mặt thật đông, mấy bà mấy cô phần đông mặc áo dài, mấy ông cũng ăn mặc chỉnh tề, chứng tỏ thành phần tham dự có trình độ, biết chuộng văn hóa nghệ thuật. Ai nấy cũng say mê ngắm các công trình cắt tỉa khéo tay, được trình bày vô cùng đẹp mắt, và ai có máy ảnh cũng cố chụp thật nhiều hình các dĩa đủ kiểu đủ cỡ sắp trên mấy bàn dài.

 

Tôi không biết làm cách nào mà bà Ngọc Lan có thể chuẩn bị chu đáo được như thế, chỉ nội việc cắt tỉa rau quả phải tốn bao nhiêu công khó, thời giờ, và làm sao chở trên xe mà không bị gãy đổ, và nếu trình bày tại chỗ thì làm cách nào chuẩn bị cho kịp, vì cắt tỉa cũng khó như là điêu khắc, rất chi li.

 

Điều cần nói là vài người tham dự muốn chụp hình theo góc cạnh mình ưng ý, tự tay xoay trở các dĩa để chụp hình, lẽ ra ban tổ chức nên cắt cử người trông coi, đừng quá dễ dãi chiều khách, đừng để ai tự tiện mó vào, vì tác phẩm nghệ thuật phải trân trọng nhìn ngắm… đâu phải món hàng bày bán mà người mua xoay trở chọn lựa. Chính mắt tôi trông thấy 1 dĩa to với cặp thiên nga, bị xoay trở dời đi nhích lại hoài, vì người nầy bắt chước người kia, khiến cho dĩa kế cận, nhỏ hơn bị đụng chạm, bị che khuất, chẳng ai nhìn ra đó là tác phẩm gì… rủi lỡ tay làm gãy, đổ thì phải làm sao đây!?

 

Mong rằng lần tổ chức khác, ban tổ chức phải lưu tâm.

 

Bà Bùi Ngọc Lan (giữa) ký vào CD  thơ nhạc cho khán giả ái mộ trước bàn triển lãm nghệ thuật cắt tỉa. Hình: TVTS 

 

Hội trườngTheatre Centre giống như 1 rạp hát với những hàng ghế lên cao từng bậc, không còn chỗ trống, vì tôi ngồi hàng cuối gần cửa ra vào nên thấy nhiều vị phải ngồi ngay cả lối đi.

 

Hai MC, một là ông Thiện Tuấn, chững chạc vui vẻ với mái tóc hoa râm, và một cô trẻ trung duyên dáng, tôi không nhớ rõ tên, (nghe giới thiệu là trưởng nhóm hậu duệ, con gái tướng Lam Sơn(?), đã kết hợp hài hòa làm cho chương-trình thêm tươi mát.

 

Để mở đầu chương trình, MC mời bà Ngọc Lan cùng hiện diện trên sân khấu để mở lời chào khán giả và bắt đầu chương trình…vì tuổi cao và trí nhớ không tốt nên tôi xin lỗi trước không thể nhớ hết tên…. cô trẻ vừa làm MC, cũng vừa ca nhiều bài nhạc, cô mặc áo dài thêu màu hồng nhạt, cô Đào Thúy đến từ Sydney mặc chiếc áo dài xanh may khéo ôm gọn thân hình, khoan thai từ tốn như cô giáo và có giọng ca truyền cảm, mỗi người một vẻ, cô khác vóc dáng thon thon với áo dài tím vừa ngâm thơ vừa diễn xuất, cô trẻ nhất mặc áo dài màu thật nhạt và hai ba cô khác chững chạc hơn mà tôi chẳng thể nhớ  tên… tất cả  đều đem hết nhiệt tình trình diễn, và được khán giả vỗ tay khen. Cũng cần cảm ơn người thổi sáo và người chơi đàn.

 

Anh nam ca sĩ trẻ, có vẻ nhà nghề mà ăn mặc đàng hoàng như thầy giáo, với giọng ca trầm ấm ngọt ngào. Tất cả ca sĩ lần lượt thay nhau hát, đa số là nhạc phổ thơ của bà Ngọc Lan. …

 

Bằng lối dẫn chương trình thân mật tự nhiên, MC đã tạo nên bầu không khí thật vui, ông bắt nhịp bài Happy Birthday, cả hội trường cùng phụ họa như một buổi họp mặt mừng sinh nhật, lúc bà Ngọc Lan được nhiều khán giả mến mộ bước lên sân khấu, đứng xếp hàng chờ trao tặng những bó hoa tươi…

 

Các nữ khán thính giả (đa số mặc áo dài) tặng  hoa cho bà Bùi Ngọc Lan (thứ hai từ phải. Hình và chú thích của TVTS)

 

Qua bài giới thiệu ngắn gọn của ông Luận, nhờ vài trích đoạn từ các đặc san, được biết cô giáo Ngọc Lan có nhiều học trò cũ bậc trung học ở VN trước 1975, nay đã thành danh và đã về hưu. Người lớn tuổi phần đông lười cầm bút… và viết bài đăng báo nhắc về công ơn ngày trước nhờ cô dạy dỗ càng là chuyện hiếm hoi, nhưng cũng nhờ vậy mới biết được tình nghĩa thầy trò ngày trước khác hẳn bây giờ…

 

Thật ngạc nhiên khi nghe giới thiệu cách dịch thơ Đường… cả hội trường vang tiếng vỗ tay tán thưởng sau khi nghe chậm rãi đọc mỗi bài dịch thơ của Lý Bạch, vì bài dịch tuyệt vời, y như là thơ Việt thuần túy.

 

Cũng qua lời kể, chúng tôi mới hay bà Ngọc Lan quả thật là người đa tài: bà vừa là nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, lại còn là nhà nghệ sĩ sáng tác độc đáo, cụ thể trước mắt là công trình cắt tỉa đang triển lãm, ai ai cũng tắm tắc khen.

 

Ước gì tài khéo của bà được dịp thi thố cho các cộng đồng sắc tộc khác chiêm ngưỡng trong các dịp lễ Tết, hoặc các hội đoàn nào hưởng nguồn tài trợ của chính quyền từ nhiều năm qua, nên giúp bà phương tiện mở lớp dạy để chị em phụ nữ có cơ hội học và thực hành.

Vì muốn tìm hiểu thêm về bà Ngọc Lan, tôi đã mua mấy dĩa CD về nhà thưởng thức, mấy đứa con, đứa cháu cũng cùng nghe, chúng bảo “thơ của bà Ngọc Lan trau chuốt mượt mà, nhiều nữ tính và buồn man mác vì luôn nhớ Huế”…

 

Theo lời giới thiệu và gợi ý của diễn giả, tôi đã chọn mua sách nói về Tử Vi, Phong Thủy, để sẽ nghiền ngẫm lâu dài, là  kẻ sắp gần đất xa trời với thân phận chồng mất sớm phải ở vậy nuôi con, và đứa con trai đầu lòng hiếu hạnh chưa cưới vợ lại cũng ra đi vì chứng bịnh ung thư gan, tôi đã đau khổ vô vàn, âm thầm chịu đựng bao nhiêu năm nơi đất khách quê ngưòi… nhiều lúc tôi tự hỏi sao người lành mắc nạn hay kẻ ác lại sống ung dung… à thì ra, tài năng chưa đủ mà lắm khi tùy thuộc nhiều ảnh hưởng ngoại lai hay duyên phận, chẳng ai hoàn toàn làm chủ được đời mình, phải tuỳ thuộc rất nhiều tôi cũng mua 1 quyển Phong Thủy, vì nghĩ rằng vấn đề nầy ai cũng nghe nói đến hiện nay, thậm chí trên radio cũng có mục trả lời về Phong Thủy.

 

Suốt mấy giờ đồng hồ, ai cũng ngồi nghe yên lặng, khi ông MC hỏi ý nên nghỉ giải lao hay nên tiếp tục mà không gián đoạn chương trình… cả hội trường ai cũng giơ tay, vậy là ca hát suốt không nghỉ.

 

“Bố Ích”, theo lời giới thiệu của MC, là một tay trống ngày xưa ở Việt Nam, nay với tuổi 87, đang trình bày nhạc phẩm Hương Xưa của Cung Tiến. Hình: TVTS

 

Vui thật vui và cũng ít ai ngờ một nghệ sĩ cao niên là bố Ích, đã 87 tuổi mà còn đủ sức đóng góp 2 bài, giọng ca ấm, kỹ thuật điêu luyện mà người ca sĩ trẻ chắc khó bì kịp… tuổi đáng cụ mà tâm hồn tươi trẻ như thuở thanh xuân, nét mắt và đôi môi bố như luôn nở nụ cười, nghe nói dàn âm thanh có vẻ rất nhà nghề, và cái máy phun khói mới toanh là bố sắm cho riêng mình…

 

Bà Ngọc Lan cũng ở tuổi cao niên lại cũng tài hoa làm cho tôi vô cùng hãnh diện, tuy là thứ “hãnh diện lây”, kiểu thấy sang bắt quàng làm họ ấy mà, ít ra phải như vậy chớ, lẽ nào tuổi cao ngồi nhà ru-rú, rầu buồn, than thân tủi phận… để rước bệnh hay sao…

Sau khi kết thúc chương trình, khán giả được mời giải lao với vài món ăn nhẹ do ban tổ chức bày sẵn trên bàn dài, nơi phòng chưng bày các dĩa cắt tỉa củ quả…vì hâm mộ các tác phẩm nghệ thuật nên quan khách chỉ thích ngắm hơn là ăn, tuy cũng có thật nhiều món như chả giò, xôi, sương sa đựng riêng trong từng hộp nhỏ, vì già tuy được mời các món ngon, nhưng tôi chỉ nhấm nháp ít mứt gừng, thật ngọt dịu và ngon.

 

Vì không có tài ăn nói hay quen viết lách, tôi chỉ muốn nói lên ý nghĩ trung thực của mình, nên bạo gan cầm bút ghi lại mấy dòng này, có vẻ lộn xộn lung tung vì nghĩ gì viết nấy, xin độc giả của quý báo niệm tình tha thứ… ước gì mấy chương trình truyền thông tiếng Việt như SBS, Hồn Việt hay TV 31 mời bà Ngọc Lan cộng tác phục vụ cộng đồng để đồng hương tỵ nạn chúng ta có những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, hoặc các cơ quan hội đoàn hưởng nhiều khoản tài trợ của chính phủ, lâu lâu cũng tạo cơ hội để bà Ngọc Lan thi thố tài năng, làm rạng danh chung cho nữ giới trước các cộng đồng sắc tộc khác tại tiểu bang Victoria, thay vì bỏ công sức thăm mấy người từ VN mới sang mà đã cố tình làm chuyện phạm pháp nên bị ở tù.

 

Cũng xin nói thêm là sách Tử vi không thấy sẵn tại chỗ, tôi tìm gặp bà Ngọc Lan hỏi mua, bà vui vẻ tiếp chuyện bằng giọng Huế ngọt ngào, thật êm tai như nghe chim hót líu lo, khiến tôi đâm ra mê Huế, bà hứa gởi sách đến tận nhà.(*)

 

Thú thật tôi muốn viết nhiều mà không đủ sức, và phải nhờ cháu nội đánh máy lại, rồi gửi đi giùm, may ra sẽ được đăng báo, nếu đọc được mấy dòng nầy, quí khán giả nào văn hay chữ tốt sẽ giúp ý kiến thêm.

 

Cảm ơn ban tổ chức và tất cả nghệ sĩ… cảm ơn bà Bùi Ngọc Lan thật nhiều. Mong sớm nhận được sách.

 

Phượng Lam

(*) Sách tử vi của bà Bùi Ngọc Lan hiện có bán tại Hồng Anh Thư Xã ở số 49 Victoria Parade, Collingwood Vic 3066 (chú thích của tòa soạn)