Đã vượt quá con số 92 ngàn chữ ký trước khi gặp Tòa Bạch Ốc và Quốc hội Mỹ

28 Tháng 2, 2012 | Người Việt đó đây

 

 

TS Nguyễn Đình Thắng

 

LTS: Chiến dịch thỉnh nguyện thư  (TNT) do Nhạc sĩ Trúc Hồ (Đài SBTN và trung tâm ASIA) và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Boat People SOS) cổ động đã tạo được kết quả không ngờ (Nhạc sĩ Nam Lộc, một trong những nguời tham gia vận động TNT, cho đài VOA biết Tổng thống Mỹ sẽ gặp phái đoàn VN vào ngày 5.3.2012). Nhưng cũng bị một số người phê bình, cho rằng nên dùng chiến dịch thỉnh nguyện thư này để vận động cho những vụ như  Đoàn Văn Vươn, dân oan…

 

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng qua hai bài viết dưới đây đã trả lời phần nào những thắc mắc và đề nghị đó.

 

 

 

Chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư: đạt mục tiêu

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 28 tháng 2, 2012

 

Trưa ngày 28 tháng 2 giờ Hoa Thịnh Đốn, số người ký tên thỉnh nguyện thư đã lên đến 92 ngàn. Như vậy con số 100 ngàn sẽ đạt được nội trong tuần này và sau đó chúng ta sẽ vượt xa con số ấy. Chúng ta đang có những thành quả thật khích lệ cho các mục tiêu đề ra ngay khi chiến dịch được phát động

cách đây ba tuần.

 

Chấn Dân Khí

 

Trong mấy tuần qua, luồng gió tự tin và phấn khởi đã thổi vào tập thể người Việt ở khắp Hoa Kỳ. Tâm lý e dè, chán chường hay sợ hãi đã nhường bước cho một khí thế ngày càng dâng cao và ngày càng gắn bó những cá nhân lại thành đại khối với cùng ý chí và quyết tâm. Điều rất đáng mừng là lần đầu tiên giới trẻ, mà trước đây chừng như ơ hờ, đã tham gia trong vai trò chủ lực.

 

Trong những ngày đầu tiên của chiến dịch, khi các bác cao niên còn đang lúng túng chưa biết cách ký thỉnh nguyện thư, giới trẻ đã huy động nhau để ký, nâng con số lên trên 15 ngàn trong 3 ngày đầu. Ngày 5 tháng 3 tới đây, rất đông người trẻ sẽ tham gia phái đoàn vào Toà Bạch Ốc.

 

Sự nức lòng nhập cuộc của gần trăm ngàn đồng hương thuộc mọi tuổi tác, thành phần, địa dư là thành quả hàng đầu và quan trọng nhất của chiến dịch. Tinh thần và hào khí ấy đang lan sang các quốc gia khác.

 

Dân tộc, muốn tự giải thoát khỏi đại hoạ, phải phát huy nội lực của chính mình và biết tận dụng các trợ lực để vượt qua hai trở lực lớn nhất hiện nay: từ bên trong là chế độ độc tài và từ bên ngoài là chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Phát huy nội lực của dân tộc đòi hỏi hai yếu tố: dân khí phải mãnh liệt và đội ngu~ tiên phong phải đủ tài và đức để hội tụ quần chúng thành sức mạnh.

 

Chiến dịch thỉnh nguyện thư đang có tác dụng ngay trước mắt là chấn dân khí của bộ phận dân tộc ở hải ngoại, khởi đi từ Hoa Kỳ và lan đến các quốc gia có người Việt sinh sống, và là bước đầu cho nỗ lực dài lâu để giải cứu cho bộ phận của đội ngũ tiên phong đang bị cầm tù và đẩy lùi áp lực của chính quyền trên những người trong đội ngũ tiên phong đang dấn thân tranh đấu.

 

Vận Động Quần Chúng

 

Lần đầu tiên tập thể người Việt ở Hoa Kỳ đồng loạt lên tiếng cho một chủ điểm cụ thể trong một chiến dịch được phối hợp nhịp  nhàng, mỗi người góp một tay cho đại cuộc. Người Mỹ gọi đó là vận động chính sách ở tầm rễ cỏ (grassroots policy advocacy). Và chúng ta đã chứng tỏ được khả nặng huy động lẫn nhau ở tầm rễ cỏ ấy để thành một chiến dịch rộng lớn, tự phát nhưng lại rất nhịp nhàng. Chiến dịch này không của riêng ai mà là của tất cả những ai nặng lòng với quê hương và dân tộc.

 

Yếu tố để tạo nên chiến dịch rễ cỏ là phải có chủ điểm cụ thể (trả tự do cho mọi tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm), phải có mục tiêu đo lường được (25 nghìn, 50 nghìn, 100 nghìn) và phải có thời điểm rõ rệt (30 ngày). Như vậy, mọi người cùng biết chủ điểm để tập trung công sức, biết mục tiêu để đo lường hiệu năng và điểu chỉnh công tác, và biết thời điểm để lập kế hoạch tuỳ theo hoàn cảnh ở mỗi địa phương, của mỗi người, mỗi tổ chức.

 

Vân động ở tầm rễ cỏ là một yếu tố cần thiết để bổ trợ cho cuộc vận động trong hậu trường mà nhiều người còn gọi là “vận động hành lang”. Trong nhiều chục năm qua, một số nhóm hay tổ chức người Việt đã thực hiện và quen thuộc với vận động hành lang. Trong tuần qua, chúng tôi đã sắp xếp hai buổi họp giữa một số người đã từng vận động hành lang như vậy với một số nhân viên của Toà Bạch Ốc để thương lượng về nhiều vấn đề nhân quyền rộng hơn là việc trả tất cả tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm cũng như về nội dung của buổi tiếp xúc ngày 5 tháng 3. Đây là những vấn đề đã được nêu lên từ nhiều năm qua và vẫn tiếp tục được nêu lên trong thời gian tới.

 

Điều khác biệt là lần này trong tập thể người Việt ở Hoa Kỳ chúng ta có sự phối hợp của cả hai phương thức vận động quần chúng và hành lang bổ trợ cho nhau. Và Toà Bạch Ốc đã công nhận hiệu quả của sự phối hợp nhịp nhàng ấy qua việc sắp xếp buổi tiếp xúc ngày 5 tháng 3 với một số người thỉnh nguyện tiêu biểu.

 

Đặt Nền Móng Cho Những Bước Kế Tiếp

 

Chiến dịch thỉnh nguyện thư đang tiếp diễn là bước khởi đầu cho nỗ lực dài lâu nhằm đem lại vận hội để dân tộc tự giải thoát. Bước khởi đầu này cần nhưng không đủ. Đại cuộc không phải là việc một sớm một chiều. Ngay từ giờ chúng ta đã phải chuẩn bị những bước kế tiếp, phải gặt hái những thành quả của ngày hôm nay để làm vốn liếng cho ngày mai.

 

Để tạo nền móng cho những bước kế tiếp, chúng ta cần làm những công việc sau:

 

(1)    Tiếp tục diễn tập trong nội bộ của tập thể người Việt về khả năng tự huy động, không riêng ở Hoa Kỳ mà lan rộng ra các quốc gia khác. Chúng ta cần sẵn sàng để chu toàn công tác quốc tế vận ở mức rộng và lớn nhằm yểm trợ cho đồng bào trong nước khi hữu sự, theo tấm gương ở nhiều quốc gia từ Bắc Phi và Trung Đông và gần đây ở ngay Đông Nam Á.

 

(2)    Nâng tầm hiểu biết của quần chúng về guồng máy Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ (hoặc nơi quốc gia mình cư ngụ). Sau khi hoàn tất chiến dịch thỉnh nguyện thư hiện nay, một nhóm gồm những người có nhiều kinh nghiệm vận động hành lang sẽ luân phiên trình bày về cách thức để vận dụng luật pháp cũng như vận động Lập Pháp và Hành Pháp Hoa Kỳ nhẳm hỗ trợ cho công cuộc tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và tự do cho đồng bào ở Việt Nam.

 

(3)    Tăng ảnh hưởng của khối cử tri người Mỹ gốc Việt đối với cả hai chính đảng Hoa Kỳ. Khi người Mỹ gốc Việt chúng ta dấn thân vào dòng chính thì vừa thể hiện quyền công dân vừa thực thi nghĩa vụ công dân. Chính sự dấn thân ấy là đóng góp quý báu của chúng ta cho nền dân chủ của Hoa Kỳ. Đồng thời nó sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng của chúng ta trong công tác quốc tế vận.

 

(4)    Làm việc với Hành Pháp Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của các vị dân cử bên Lập Pháp, để hình thành một quy trình hội ý và đối tác lâu dài giữa chính phủ và đại khối người Việt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng như về nghĩa vụ của chính phủ Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân khi bị xâm phạm bởi chính quyền Việt Nam.

 

(5)    Đưa ra một chuẩn mực đo lường được để lượng giá mức tiến bộ về nhân quyền thay cho những tuyên bố tổng quát về nguyên tắc hay những hứa hẹn không thời hạn, không đo lường được. Danh sách tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm sẽ là một chuẩn mực đo lường đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng. Qua đó, ba mặt một lời, chúng ta có thể lượng định bước tiến hay bước lùi về nhân quyền thay cho những diễn giải hay biện minh chủ quan của giới chức này hay cơ quan nọ.

 

Tóm lại, chúng ta đã và đang đạt các mục tiêu đề ra từ ban đầu ngay khi chiến dịch vẫn còn tiếp diễn. Cuộc tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền và tự do cho gần 90 triệu đồng bào đang chyển sang một khúc rẽ mới, qua đó chúng ta xây dựng nền móng cho một nỗ lực dài lâu với ba mục tiêu chiến lược: chấn dân khí, phát huy đội ngũ tiên phong, và đẩy lùi trở lực từ trong và từ ngoài.

 

 

 

Chiến dịch Thỉnh Nguyện Thư và vấn đề dân oan

 

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 20 tháng 2, 2012

 

 

Trong thời gian gần đây có một số đồng hương quan tâm đã kêu gọi chúng tôi đưa vấn đề “dân oan” vào nội dung của chiến dịch vận động TT Obama đang diễn tiến. Đây là một ý tưởng rất chính đáng mà chúng tôi đã làm từ những ngày đầu của chiến dịch. Sở dĩ chúng tôi không phổ biến điều này và nhiều điều khác nữa vì không muốn làm mờ hoặc lệch đi trọng tâm của chiến dịch, đó là đòi trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm.

 

Như giải thích trong một số thông báo trước đây, chiến dịch này chỉ là bước khởi đầu cho sự tham dự của tập thể người Việt ở Hoa Kỳ vào tiến trình làm chính sách của Hành Pháp và Lập Pháp, trong nhiều lãnh vực khác nhau. Trong suốt thời gian qua chúng tôi đã có những trao đổi thường xuyên với Toà Bạch Ốc để nêu các vấn đề thuộc nhiều lãnh vực, trong đó có chính sách tịch thu đất đai bất công và có tính cách cưỡng chế của chính quyền Việt Nam.

 

Chúng tôi, BPSOS, đã có một số hoạt động trong vấn đề dân oan kể từ năm 2005. Cách thức của chúng tôi là nương vào luật pháp của Hoa Kỳ, lấy đó làm điểm tựa để đẩy lùi chính sách oan nghiệt của chính phủ Việt Nam.

 

Cách thức này trong thời gian gần đây thể hiện qua chiến dịch “Cứu Cồn Dầu” được khởi xướng tháng 7 năm 2010 sau khi chính quyền Đà Nẵng dùng bạo lực để “giải toả trắng” cả một xứ đạo Công Giáo gồm gần hai ngàn cư dân, với 135 năm lịch sử và diện tích đất trị giá có thể lên đến 1.2 tỉ Mỹ kim. Đây là một vụ “dân oan” hết sức to lớn và đẫm máu, mà hậu quả là một người lớn và hai thai nhi bị thiệt mạng, trên 60 người bị bắt và đánh đập dã man, 8 người đi tù, và trên 80 người phải bỏ nước đi lánh nạn. Một trong ba mục tiêu của chiến dịch này là bảo vệ sự toàn vẹn và trường tồn của xứ đạo Cồn Dầu qua một kế hoạch gồm 6 giai đoạn. Hiện nay chiến dịch này đang ở giai đoạn 4 và đang tiến dần đến mục tiêu kể trên.

 

Nhân đây tôi xin nêu lên một nguyên lý về quốc tế vận mà chúng ta cần tuân thủ. Quốc tế vận là một phương tiện hữu hiệu với điều kiện dùng đúng chỗ. Chúng ta có thể dùng quốc tế vận đối với những vấn đề sau:

 

1. Các vấn đề về nhân quyền được thừa nhận qua các công ước quốc tế (như các công ước về tị nạn, nhân quyền, dân quyền, lao động, buôn người…)

 

2. Các vấn đề cam kết song phương hay đa phương (như thương ước giữa các quốc gia)

 

3. Các vấn đề mà luật pháp của một số quốc gia cho phép (như vấn đề Hoa Kỳ chế tài một chính quyền về buôn người hay đàn áp tôn giáo)

 

4. Các trường hợp xâm phạm đến quyền lợi của công dân một quốc gia, bắt buộc chính quyền quốc gia ấy phải can thiệp

 

Trong chiến dịch Cứu Cồn Dầu, BPSOS đã vận dụng điểm (c) và (d) để ngăn chặn việc chính quyền cướp đất của dân: quyền lợi của công dân Hoa Kỳ bị xâm phạm và việc xâm phạm ấy lại vi phạm điều kiện để Việt Nam được hưởng quy chế Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát (GSP). Qua “hồ sơ” Cồn Dầu, chúng tôi mong rằng những ai quan tâm đến vấn đề “dân oan” có thể rút ra những kinh nghiệm để hành xử tương tự.

 

Nói chung tranh chấp đất đai được xem là vấn đề nội bộ thuộc chủ quyền của một quốc gia, và do đó các thế lực quốc tế sẽ không can thiệp vào, trừ những trường hợp như nêu trên. Và như thế quốc tế vận sẽ không có hiệu quả cho mọi trường hợp, trong mọi hoàn cảnh. Làm sai việc, làm việc không đúng cách, hay sử dụng phương tiện không đúng chỗ nhiều khi bị phản tác dụng.

 

Và điều quan trọng mà chúng ta cần hiểu là chỉ có người dân ở trong nước mới thực sự thay đổi được đất nước. Muốn vậy, cả dân tộc phải phát triển nội lực để vượt qua các trở lực đang ngăn cản bước tiến của mình. Hai điều kiện quan trọng để phát triển nội lực là: dân khí hùng hậu, và đội ngu~ tiên phong đủ tài đức để huy động và tập hợp quần chúng thành sức mạnh. Chúng tôi có trình bày điều này trong một số bài viết trước đây.

 

Chiến dịch thỉnh nguyện thư hiện nay đang đáp ứng cả hai điều kiện ấy: tạo niềm tự tin và phấn khởi cho dân tộc, cả trong lẫn ngoài nước, và bảo vệ cho đội ngu~ tiên phong, gồm những người đang kiên cường tranh đấu và những người đang trong cảnh tù đày. Chúng ta nương vào cuộc thương thảo mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Việt Nam để mưu cầu tự do cho tất cả tù chính trị, tôn giáo và lương tâm — trong đó có không ít người từng tranh đấu cho dân oan.