Kỳ Duyên phát biểu về việc Chùa không cho làm giỗ 49 ngày Tướng Nguyễn Cao Kỳ

27 Tháng 9, 2011 | Người Việt đó đây

 

 

Kỳ Duyên trong lễ giỗ 49 ngày. Hình: vietsn.com

 

Lại một lần nữa ông Nguyễn Cao Kỳ trở thành chuyện ầm ĩ dù ông đã chết. Lý do: chùa đã từ chối làm lễ giỗ ông Kỳ dù đã nhận tiền. Phát biểu trên đài Phố Bolsa TV,  Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho rằng những người làm áp lực để Chùa từ chối làm lễ giỗ 49 ngày thân phụ cô là bọn “mafia”, cô nói đây là nước Mỹ và dọa trình với FBI nếu có bằng chứng nhưng cô nói Chùa đã không chịu cho biết nên cô không thể làm gì được.

 

Cho rằng mình là luật sư, biết luật pháp nhưng chủ trương bênh vực “kẻ yếu” như Chùa nên, gia đình thì không biết sao, chứ cá nhân cô sẽ không kiện Chùa.

 

Thân nhân và quan khách trong ngày giỗ ông Kỳ. Hình: vietsn.com

 

Cuối cùng lễ giỗ được tổ chức tại Club House, khu chơi tennis ở Miles Square Park (đường Brookurst) vào trưa ngày 8/9  và nghe nói có khoảng 200 người tham dự, có cả bà Đặng Tuyết Mai, vợ cũ của ông Kỳ. Riêng cô Kỳ Duyên khóc húp mắt, nói năng lúng túng, quên trước quen sau khi cám ơn các quan khách, nhưng khi trả lời các ký giả đài Phố Bolsa TV thì cười tươi, hoạt bát như trên sân khấu.

 

Sau đây là nguyên văn bài viết của cô đăng trên Ky Duyen House nói về “sự cố” này.

 

Cửa Chùa Khép Kín

 

Xin gởi toàn thể thân bằng quyến thuộc đã có nhã ý đến dự Lễ 49 Ngày của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ,

 

Trong tuần lễ vừa qua có rất nhiều người hoang mang gọi cũng như email để hỏi KD về cái tin Lễ 49 Ngày của Bố vào ngày 8, tháng 9 tại Chùa Huệ Quang ở thành phố Westminster đã bị hủy bỏ. KD xin lỗi vì bận thâu hình DVD Thúy Nga ở Las Vegas nguyên tuần đến hôm nay xong show KD mới có thì giờ trả lời thắc mắc của mọi người.

 

Thưa quý vị không phải lễ bị hủy bỏ nhưng được rời chỗ không làm ở Chùa Huệ Quang nữa. Câu chuyện như sau. Khoảng một tháng trước gia đình có liên lạc và nói chuyện với Thầy Thích Minh Mẫn ở Chùa Huệ Quang về việc làm lễ Cầu Siêu 49 Ngày cho Bố KD. Thầy Thích Minh Mẫn đã nhận lời và nhận một ngàn đô ($1,000) tiền đặt cọc cho buổi lễ và tiệc chay cho khoảng 200 người. Hôm đi nói chuyện với Thầy Thích Minh Mẫn có chị Rose, chị dâu cả, và người cháu tên Peter. Chị Rose đã đưa chùa $1000 tiền mặt và có nhận biên lai của Chùa.

 

Sau khi được Thầy nhận lời làm lễ thì gia đình gởi email đi khắp nơi mời những người thân, cũng như đưa tin về địa điểm và giờ của buổi lễ lên forum, Facebook và đăng báo Người Việt, ngày 30, tháng 8 2011, để thông báo và mời khách ở xa. Nhưng tuần rồi, khi chỉ còn độ mười ngày trước ngày lễ thì Thầy gọi cho gia đình và báo là Thầy không thể làm lễ…Thầy cancel lễ!?!?

 

Khi KD gọi hỏi Thầy, Thầy không đưa ra một lý do rõ rệt nào cả. Nói chuyện lòng vòng một lúc KD chỉ còn nhớ câu cuối của Thầy trước khi cúp phone là “Thầy không làm lễ cho ông cụ là Thầy thấy tự hổ thẹn với lương tâm lắm rồi… nhưng 5 năm sau KD gọi lại nói chuyện với Thầy thì KD sẽ hiểu và thông cảm cho Thầy hơn.” Như vậy là sao?

 

Bỏ qua vấn đề luật pháp. Khi Thầy nhận lời, nhận tiền đặt cọc và dựa trên lới hứa của Thầy gia đình đã gởi email mời, đã đăng báo loang tin khiến bao nhiêu khách khứa, họ hàng từ tiểu bang xa tốn kém xin nghỉ việc, mua vé máy bay, đặt phòng…v.v để tới dự lễ thì đó đã là một “oral contract” và khi Thầy tự ý cancel mà không có một lý do chính đáng thì Thầy đã vi phạm luật gọi là “in breach of oral contract.”

Bỏ qua vấn đề chính trị. Khi Bố KD còn sống ông là người làm chính trị. Nên nếu có ai vì không đồng ý kiến với ông, họ có thể tỏ thái độ bằng cách không tiếp kiến ông. Đó là chuyện bình thường có thể hiểu được.

 

Cái mà KD không thể hiểu (và 5 năm sau hay 10 năm sau cũng sẽ không hiểu), là đây là một người đã qua đời. Đâu phải là chính Bố KD bước vào chùa để xin lễ? Đây là gia đình ông muốn xin cho ông một buổi lễ cầu siêu. Người ta nói “nghĩa tử là nghĩa tận.” Khi chết là mọi chuyện đều buông tha. Nhất là đối với nhà Phật, thì mọi tha nhân, dù tướng cướp hay tội phạm, đều có thể tới nương nấp dưới trướng từ bi.

 

Phật tử bình thường vào ngày Vu Lan rằm tháng 7 còn cúng các cô hồn, có nghĩa là những linh hồn bơ vơ không có thân nhân cúng vái, thì nhà chùa cũng như Phật tử nhớ đến những cô hồn đó và cầu cho họ siêu thoát. Huống chi bây giờ một người có thân nhân đến xin cầu siêu thì không có lý do gì một ngôi chùa, một vị tăng hay một Phật tử có thể từ khướt.

 

Thử hỏi có nhà thờ nào có người đến xin lễ mà vị Linh Mục từ chối vì lúc người đó còn sống bất đồng ý kiến với mình không? Bây giờ quý vị cho KD hỏi ý kiến là nhà Chùa đúng hay sai khi từ chối gia đình đến xin làm lễ cầu siêu?

 

Kỳ Duyên