Nhà báo NGUYỄN TÚ: Chết là hết, hay chưa hết?!

10 Tháng 8, 2010 | Người Việt đó đây

 

Nhà báo Nguyễn Tú

 

Như chúng tôi đã viết trong bài “Bác Tú và Tivi Tuần-san” trên số báo tuần trước, khi được liên lạc hỏi về thân thế, đường đời, sự nghiệp của Bác, nhà báo Thanh Thương Hoàng, nguyên Tổng thư ký nhật báo Chính Luận, và cũng là bạn thân của Bác Tú trước năm 1975, hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ, đã sốt sắng cung cấp cho chúng tôi nhiều chi tiết quý báu. Không những thế, ông còn giới thiệu chúng tôi với anh Lê Thiệp – người mà theo lời ông “đã chăm lo cho anh Nguyễn Tú trong những năm sống ở Mỹ và cũng là người tổ chức tang lễ cho anh Tú”.

 

Cuối tuần qua, anh Lê Thiệp đã trả lời chúng tôi qua email, và chúng tôi xin phép đăng nguyên văn dưới đây, không ngoài mục đích để độc giả được biết đầy đủ hơn về cuộc đời và cái chết của một nhà báo đáng kính.

 

Thay mặt Tòa soạn TVTS, một lần nữa, xin chân thành cảm ơn nhà báo Thanh Thương Hoàng và anh Lê Thiệp.

 

* * *

 

Thưa Anh,

 

(1) Tôi là nhân viên của tờ Chính Luận và nhờ đó có dịp làm việc chung với ông Nguyễn Tú. Thật ra ông Tú là lớp đàn anh và lại có giao tình riêng với ông Chủ Nhiệm nên khi còn ở trong nước trước 75, tôi kính trọng nhưng thật sự không thân cận với ông nhiều. Khi ông Tú vượt biên qua được bờ tự do, đến DC (tức District of Columbia, lãnh thổ thủ đô Hoa Kỳ – chú thích của LNĐ) thì tôi vô cùng vui mừng và trong cảnh lưu vong, vợ chồng tôi có nói với ông: “Đây là nhà tụi tôi nhưng ông Tú cứ coi như nhà ông. Nhà còn một phòng dư, nếu ông thấy không có gì trở ngại thì về ở với vợ chồng tôi cho ấm cúng”. Ông Tú đã ở nhà tôi gần hai năm như một người trong gia đình cho đến khi ông xin được housing và dọn ra ở riêng.

 

(2) Ông Tú là một người can đảm và rất khó đối với chính ông, luôn luôn khắc kỷ, tôn trọng đồng nghiệp cũ hay mới, và cả những người trẻ tuổi mới biết ông sau này. Những năm đầu ở với vợ chồng tôi ông khỏe, làm việc cần cù siêng năng, tối ngày đọc và viết lách. Tôi tôn trọng đời sống riêng tư nên không rõ ông viết cho báo nào và viết thể loại gì. Tôi tin rằng ông là người có cá tính mạnh nên tinh thần rất vững.

 

(3) Ông Tú khoảng vài năm về sau bị nhiều bệnh trong đó quan trọng nhất là mắt, và có lẽ vì tù đày nên xương cốt cũng lung lay. Tuy vậy tôi chưa thấy ông than thở và vẫn cười đùa với chúng tôi, vẫn nhậu và thưởng thức những bữa ăn gia đình cùng với gia đình tôi. Ông không bao giờ bi quan và cách đây chừng hơn hai tháng ông bị té trong phòng. Vì ông bị gãy xương và bị ngất không lết nổi đến phone, và thật may mắn hơn một ngày sau, ông phát thư gõ cửa không thấy mở, và sẵn biết tình trạng sức khỏe của ông Tú nên đã gọi cấp cứu.

 

Ông được đưa vào nhà thương mổ lưng, sau khoảng ba tuần thì được chuyển qua rehab (viện phục hồi chức năng).

 

Sức khỏe của ông yếu dần nhưng tinh thần thì vẫn sung mãn. Ba ngày trước khi qua đời ông vẫn tỉnh táo, và dù không nói được rõ nhưng vẫn nguệch ngoạc viết vài chữ để nói chuyện với chúng tôi.

 

(4) Ông qua đời bình an. Một chi tiết nữa là trước đó khoảng hai tuần, vợ chồng tôi và vài người thân với sự đồng ý của ông, có mời Thượng tọa Thanh Đạm đến đọc kinh Thủy Sám. Mọi người quây quần bên giường cùng chắp tay cầu nguyện cho ông Tú. Ông qua đời êm thắm.

 

Theo đúng di chúc ông để lại cho anh Phan Lê Dũng, một người bạn thâm niên, chúng tôi đã không loan báo rộng rãi tin ông qua đời, và lễ cầu siêu cũng như lễ hỏa táng được thực hiện hai ngày sau. Tuy vậy, đã có khoảng hơn bốn chục anh em báo chí và bằng hữu tham dự lễ này trong bầu không khí vô cùng giản dị nhưng trang nghiêm. Tro cốt của Ông được giao lại cho anh Hồ Châu, một người trẻ tuổi gặp ông tại trại cấm HồngKông, cảm phục đức độ đã nhận ông là nghĩa phụ.

 

Anh Châu đem tro cốt thờ tại một ngôi chùa ở tiểu bang New Jersey, và sẽ làm lễ thất tuần, sau đó tro sẽ được đem ra biển rải…

 

Nếu anh cần thêm chi tiết gì, xin anh liên lạc với những người trẻ tuổi đã lo lắng cho ông Tú không chỉ vào lúc cuối đời mà trước đó từ lâu. Anh Phan Lê Dũng (điện thoại…), Anh Hồ Châu (điện thoại…).

 

Mong giúp anh được chút nào trong bài viết về một người đàn anh khả kính.

 

Thân kính,

 

Chết chưa hết

 

Chỉ cần đọc những gì liên quan tới Bác Tú do nhà báo Thanh Thương Hoàng và anh Lê Thiệp viết, thiết nghĩ cũng đã đủ để độc giả đánh giá con người và sự nghiệp của Bác. Thế nhưng, cá nhân tôi vẫn cảm thấy thiếu thiếu, nếu như không có… lời bàn. Mà bàn, nhất là bàn theo “kiểu Mao Tôn Cương”, về một người đã khuất trong một mục ăn tục nói phét như Ngồi Buồn Gãi Rốn, rất có thể sẽ bị một số độc giả cho là “không thích hợp”, thậm chí “thất kính”. Tuy nhiên bản thân tôi lại không lo Bác Tú sẽ “nổi giận” dưới suối vàng, bởi vì lúc còn sống, Bác luôn luôn đồng tình ủng hộ, và khuyến khích tôi.

 

Xưa nay, trước cái chết của những người có một cuộc đời gặp nhiều truân chuyên, sóng gió, hoặc gây nhiều tranh luận – chẳng hạn thần tượng điện ảnh Marilyn Monroe của Mỹ, Công chúa Diana của Anh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam Cộng Hòa… – người ta thường nói “chết là hết”.

 

Nhưng thực ra, chữ “hết” trong câu này mang một ý nghĩa rất cụ thể là “hết chuyện”, còn về mặt tinh thần, chết chưa phải là hết, mà nhiều khi chính là khởi đầu – không phải “khởi đầu” với ý nghĩa tôn giáo là bắt đầu cuộc sống “đời sau”, mà là khởi đầu cho những đánh giá, khen chê, hoặc “khai thác thương mại” nếu có thể, như trong trường hợp nữ minh tinh Marilyn Monroe của Mỹ, Công chúa Diana của Anh.

 

Chính vì thế, để giảm thiểu ý nghĩa đau buồn trước sự mất mát người thân, người tây phương thường gọi các đám tang là dịp “celebrating lives” – nghĩa là hân hoan, ăn mừng cuộc hành trình đời người của người vừa nằm xuống.

 

Còn nhớ cách đây mấy năm, trong điếu văn đọc trong tang lễ của Văn Xuân An – một người trẻ tuổi bị nan y nhưng quên khổ đau của bản thân để phục vụ tha nhân – nhà báo Thường Đức đã sử dụng chữ “celebration”, và gây xúc động mạnh.

 

Vì thế, tôi tin rằng tất cả mọi người chúng ta cũng đồng ý trước việc gọi tang lễ của nhà báo Nguyễn Tú là một buổi “celebrating live”. Không nhất thiết phải “celebrating” những gì Bác Tú đã làm được và để lại cho đời (bởi vì có những người không hề, chưa hề đọc bài của Bác) mà chủ yếu là “celebrating” vì Bác đã sống xứng đáng, và trở thành tấm gương cho những người cầm bút.

 

* * *

 

Một trong những điểm hơn người của Bác Tú, như tôi đã viết trong bài tuần trước, và anh Lê Thiệp ghi ra trong lá thư của mình, là Bác không có cái “trịch thượng” nơi một người đã thành danh trong nghề.

 

Trong một phần tư thế kỷ hành nghề ở Úc, ngoài việc được một người quen duy nhất – cố Giáo sư kiêm Võ sư Trần Huy Quyền – gọi là “ký giả” trên mặt báo, tôi chỉ được một đồng nghiệp duy nhất trên Sydney gọi là “nhà báo” – nhưng không quên kèm theo hai chữ “tầm thường” trong một bài đả kích.

 

Rất có thể một số người cho rằng “đồng nghiệp” ấy có lý, như vậy lại càng phải nể phục Bác Tú trước việc Bác không bao giờ nhìn kẻ khác bằng một nửa con mắt – như anh Lê Thiệp đã viết “…ông luôn luôn tôn trọng đồng nghiệp cũ hay mới, và cả những người trẻ tuổi mới biết ông sau này”.

 

* * *

 

Một điểm đáng ngưỡng phục nữa nơi Bác Tú là trong khi trân trọng người khác, Bác lại cố sống khắc kỷ và muốn được chết âm thầm.

 

Di chúc của Bác – không loan báo rộng rãi tin Bác qua đời, không tổ chức tang lễ rình rang, không có mộ phần – đã khiến tôi nhớ tới cái quan tài bằng gỗ thô sơ, đặt dưới đất của Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô đệ Nhị, và di chúc có nội dung tương tự của một người “bạn già” khác mà tôi được hân hạnh quen biết: cố Nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh ở Sydney.

 

Không phải đợi tới khi Bác Tú để di chúc hỏa táng, rải tro xuống biển, tôi mới viết, mà ngày “Bác Tuynh” (một tín đồ Công giáo ngoan đạo) trối rải tro cốt của Bác xuống biển Thái Bình, tôi đã nhận ra sự cao cả, bao la trong tâm hồn những người mình ngưỡng phục; và càng ngưỡng phục hơn khi biết chắc mình không dám… noi gương!

 

* * *

 

Cuối cùng, nói về mặt “tiêu cực” nơi Bác Tú, rất có thể một số người thuộc thành phần “chay tịnh” sẽ không đồng ý với việc Bác tận tình thưởng thức rượu thịt. Việc này, vì tôi cùng sở thích với Bác, nên xin miễn tự biện hộ.

 

Điểm “tiêu cực” thứ hai là một số quý nương trong giới quần hồng sẽ cho rằng Bác đã làm “gương xấu” cho đám hậu sinh khi không chịu lập gia đình, và như vậy ngày càng có nhiều người… ế chồng!

 

Nếu quý nương suy nghĩ như thế, tôi xin được trấn an như sau: muốn sống một mình mà không cô đơn, muốn độc thân vui tính mà không cơm hàng cháo chợ, thì phải có ý chí và khả năng  như Bác Tú. Trong khi trên thực tế, đại đa số đàn ông con trai trời sinh ra đều lười biếng, nhu nhược, hậu đậu, không lấy vợ thì biết nhờ cậy ai?!

 

Lão Ngoan Đồng

 

(Trích TVTS   1270  – 28.7.2010)

Độc giả có thể vào ba cái link sau đây để xem một buổi phỏng vấn do ông Bùi Dương Liêm thực hiện với nhà báo Nguyễn Tú tại Hoa Thịnh Đốn vào tháng 10 năm 2008:

1/ http://www.youtube.com/watch?v=Ig4i2GqaV0Q
2/ http://www.youtube.com/watch?v=qAL_Hsaf-8I
3/ http://www.youtube.com/watch?v=dgrfvo1UYrE