Sau khi Nam Phong Tạp chí đình bản hẳn rồi (1932), Tản Đà lui về quê nhà sống. Những ngày nhàn cư, ông kiểm điểm lại công tác trong một bức thư gửi các bạn tri kỷ, tri âm xa gần, không luận thân quen:
Bốn phương bay mỏi cánh hồng
Đường mây bãi tuyết chán lòng tha hương
Tản viên bóng gác tà dương
Gió thu giục khách lên đường về quê
Trùng dương rót chén hoàng huê
Năm đi tính lại năm về ba ba (1933)
Bắc Nam bao độ vào ra
Tình duyên gặp gỡ này là những ai
Còn về còn nhớ đến người
Còn duyên văn tự còn lời nước non
Biết nhau từ khối tình con
Chung nhau từ thuở tóc còn đương xanh
Yêu nhau sáu tháng Hữu thanh
Tản Đà thư điếm Hà Thành nối duyên
Nước non đã nặng lời nguyền
An Nam Tạp chí con thuyền lênh đênh
Phong ba đành gạt mối tình
Tám năm tay lái một mình ngược xuôi
Quản chi sông rộng đoành khơi
Buồm không thuận gió ai ơi cũng đành
Bẽ bàng tóc bạc rừng xanh
Thôn quê nay với đô thành khác xa
Phòng văn ai kẻ vào ra
Sương thu bốn dậu trăng tà nửa hiên
(Tản Đà)
Thật là tội nghiệp! Tản đà có vẻ như một chiến sĩ bại trận trở về. Muốn có tiền “thơ rượu khề khà” thì phải viết mướn. Dịch Đường thi, chú giải Truyện Kiều, duyệt thơ văn Cổ cho nhà xuất bản Nam Kỳ, dịch Liêu Trai Chí Dị… Từng ấy công việc với lợi tức ruộng đất ở thôn quê cũng không đủ cho Tản Đà âm tiêu phong túc. Bạn tri âm xa gần đều ái ngại, Tản Đà vẫn lạc đạo an bần.
Nhưng cậu em ruột bà Tản Đà là Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng lại không bằng lòng ông anh rể và bà chị ruột phải chịu túng thiếu. Là một viên chức cao cấp được quan Toàn quyền yêu quý, được giải “Ruban Tía” của Viện Hàn Lâm Pháp, ông này viện lý Tản Đà là một thi sĩ của chủ nghĩa Pháp Việt đề huề đáng được hưởng Huy Chương và trợ cấp của chính phủ Bảo hộ. Căn cứ vào đâu mà Nguyễn Tiến Lãng nói Tản Đà cổ động thuyết Pháp Việt đề huề? Tản Đà có làm công việc này thực sao? Số là trong những quyển sách Âu Học như quyển “Lên Tám”, Tản Đà có câu thơ như sau:
“Khai hóa có Đại Pháp
Văn minh gần không xa.”
Đó là những câu thông thường trong thời Pháp thuộc mà thôi. Không lẽ lại hô hào con nít 7, 5 tuổi làm Cách Mạng? Nguyễn Tiến Lãng xin trợ cấp con cho Tản Đà!
Nhục cho danh dự thi sĩ quá! Tản Đà liền viết một bài thanh minh tâm sự, cuối cùng có những câu: “Nghe như một việc ông Nguyễn Tiến Lãng không xin phép tôi mà làm như thế khác nào như bảo tôi ăn miếng cơm thà lài (miếng cơm bố thí. Than ôi lại đây mà ăn!) Tôi cho như thế là hỗn vậy. Hải nội chư quân tử nghĩ sao?”
Báo Phong Hóa đương thời được dịp xen vào, bài đó là chuyện nhà của thi sĩ, không cần phải hỏi: “Hải nội chư quân tử” làm gì. Cứ lấy gia pháp mà trị, đét cho cậu em ít roi.
Tuy lui về quê hương, song Tản Đà lúc nào cũng nặng lòng vì nước non. Ông không hề quên nhiệm vụ “khai thông dân trí” mà tung một chuyến hầu trời. Trời đã giao phó cho ông. Người đã quen mắt thiên lương, không còn phân biệt được đâu là chính, đâu là tà, đâu là sinh cơ, đâu là tử lộ.
Lúc bấy giờ, quân Phiệt Nhật Bản đã bá chiếm Mãn Châu, uy hiếp Hoa Bắc. Ở Pháp, Đảng Xã Hội của Léon Blum thắng thế. Đầu năm 1936, Tản Đà có bài “Ngày Xuân Chúc Quốc Dân” hô hào người trong nước mau giác ngộ, tìm phương lược tự cường:
Trời Nam cành lá la đà
Lạc Hồng cây cỗi Xuân già càng Xuân
Ngày Xuân chúc nước mừng dân
Ba kỳ Nam Bắc mười phân phú cường.
Bính Tý hội nguyên kim dĩ thương
Mỗi Sơn Hà cũ kỹ bốn nghìn năm
Đường văn minh muôn dặm xa xăm
Đông Tây Bắc người Nam cất bước
Quân bất kiến: Phi Luật tân như kim Mỹ Châu độc lập quốc.
Hựu bất kiến: Mãn Châu Hoa Bắc Hà bi thương!
Thời hưng vong bỉ thái là thường
So mới biết: chữ “Đại” chữ “Cường” không hạn lệ
Việc trước mắt năm châu là thế
Cuộc tuần hoàn dâu bể bể dâu
Muốn hạnh phúc chữ “tự cầu” ta phải biết
Hồng Lạc nhi tôn thiên vị tuyệt
Việt Thường hoa thảo nhật câu tân
Chén rượu đào nâng rót buổi ngày Xuân
Chúc tổ quốc quốc dân nghìn vạn kỷ
Bính Tý hội kim nguyên dĩ thủy
Mỗi sơn hà cũ kỹ bốn nghìn năm
Năm, năm, Xuân mới trời Nam
(Tản Đà)
Năm Bính Tý (1936) thế giới đã có những biến chuyển quan trọng, Tản Đà khuyên quốc dân mau tự cường để mưu việc hạnh phúc tương lai. Anh há chẳng thấy Phi Luật Tân mà bây giờ Mỹ Châu coi là nước độc lập. Lại chẳng thấy số phận Mãn Châu và Hoa Bắc sao bi thương, việc hưng vong, vận bỉ thái là những chuyện thường xảy ra trong đời sống một dân tộc. Trời chưa nỡ cắt đứt dòng giống con cháu Rồng Tiên, đất Việt thường lại có Xuân mới. Muốn cho quốc gia hưng thịnh, ta phải làm thế nào biết tự cầu, nghĩa là nỗ lực tiến lên, chớ để bị lạc hậu. Đừng trông vào độ lượng khai hóa của nước nào. Tản Đà bài xích thái độ vọng ngoại, chờ người ta cứu giúp mà tự mình không có chí hướng quật cường tự cứu.
Nếu có phương tiện, chắc là ông đã tái bản lần thứ 6 hay lần thứ 7 tạp chí An Nam. Nhưng cuộc sống dịch văn mướn, viết bài thuê cũng làm cho tác giả nhiều khi chán nản, buồn rầu. Ông lại than:
Thân mình lo chưa nổi
Nói gì đến xã hội?
Thân thế tính không xong,
Nói gì đến núi sông
(Tản Đà)
Gần đến Xuân Đinh Sửu (1937) tiễn ông Táo về Trời, ông lại có những câu than thở:
Khi làm chủ báo, lúc viết mướn
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng
Trần gian thước đất vẫn không có
Bát sắt chẳng hơn gì bút lông
Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc
Chán cả giang hồ, hết cả ngông.
Qua hết Đông này năm chục tuổi
Xuân sang đã nửa giấc mơ màng
Văn chương quần mãi cùng thân thế
Sự nghiệp mong gì với núi sông?
(Tản Đà)
Không có sự nghiệp gì với núi sông nhưng mà vẫn phải ăn, nhất là bữa cơm phải có rượu. Từ khi dọn nhà ra Hà Nội, muốn có tiền tiêu, Tản Đà xoay nghề đoán số Hà Lạc (1937). Thi sĩ kiêm nghề thầy số. Thầy tự quảng cáo bằng thơ:
Nguyễn Khắc Hiếu Tản Đà
Hà Lạc đoán lý số
Đàn ông và đàn bà
Kẻ gần xa đều hỏi
Thư gửi người ở xa
Biên rõ năm cùng tháng
Ngày giờ nào đẻ ra
Một cữ ước tuần lễ
Có thư mời khách qua
Quyển số lấy đã rõ
Xin cứ nói thật thà
Hán văn âm Quốc ngữ
Quốc văn bày nghĩa ra
Còn như tiền đặt quẻ
Nhiều năm, ít có ba.
Nhiều ít tùy ở khách
Hậu bạc kể chi mà
Tản Đà kính cáo
Những ai lăn lóc trong trường văn trận bút, những ai là bạn tri âm, tri kỷ, yêu văn, mê thơ, tất cả những ai xứng danh là Hải nội chư quân tử đã thấy tủi cực và nghe lòng rướm lệ hay chưa?
Còn như tiền đặt quả
Nhiều năm, ít có ba
Bao nhiêu cũng được. Nếu khách là người hằng sản, hằng tâm thì trả dùm cho giá thân hữu là $5. Còn như không thì 3 đồng cũng được. Phương ngôn có câu “Bói rẻ hơn ngồi không”. Thi sĩ đang thất nghiệp, đói cơm thèm rượu đấy!
Tú Mỡ có bài thơ bông đùa, gửi cho Tản Đà và Tản Đà cũng đã họa lại bài thơ này.
Nguyên bài xướng của Tú Mỡ như sau:
Nghe đồn bác Hiếu Tản Đà
Mở hàng tướng số tỉnh Hà nay mai
Chừng bác thấy các thầy “Lốc cốc”
Chỉ chuyên môn nói róc ăn tiền
Tán hiêu tán vượn huyên thiên
Nói Thánh nói Tướng như Tiên như Thần
Ngồi bẻm mép kiếm ăn cũng dễ
Chẳng khô như bạc nghệ làm văn
Lao tâm trí khổ tinh thần
Nhà thơ vắt óc tìm vần gọt câu
Lắm lúc bí, gan rầu ruột thắt
Thức thâu đêm, môi mắt phờ râu
Nhọc nhằn ai biết công đâu?
Để cho thiên hạ giải sầu mua vui.
Nghề thơ chẳng đủ nuôi thi sĩ
Nên bạn tôi phải nghĩ đường xoay
Nhà Nho chữ tốt văn hay,
Thời khoa lý số hẳn tay cũng tài.
Và xưa đã dùi mài kịch dịch
Báo An Nam chú thích tinh tường
Ngày nay đoán việc Âm Dương
Hẳn không bỏ phượu như phường ba hoa.
Nào hãy đến Tản Đà Cốc tử
Quẻ Càn Khôn hỏi thử ra sao?
Xem tài thầy thắp hay cao
Mười câu họa có câu nào sai chăng?
Dù thầy có tán trăng tán cuội
Nghe nhà thơ lời nói văn hóa
Nhất khi rượu đã khề khà
Tán đâu ra đầy mặn mà có duyên
Thời khách mất đồng tiền đặt quẻ
Cũng vui tai và sẽ vừa lòng
Nhưng xin thầy chớ nói ngông!
(Tú Mỡ)
Trong cái cười ra nước mắt này, Tản Đà cũng còn đủ thi hứng hoạ lại, thuyết minh vì sao mình làm nghề đoán số Hà Lạc. Có 2 lý do chính đáng:
– Một là nghề thơ đói lắm nên phải xoay sinh kế.
– Hai là vâng mệnh trời khôi phục lại uy tín, thể thống cho kháa Lý Số đã bị một số thất học gian manh lợi dụng làm mất giá trị chân chính đi.
Họa bài “Tản Đà Cốc Tử” (Đáp lời Tú Mỡ):
Nghe ai bị báng Tản Đà
Bảo chương lên tiếng tỉnh Hà mỉa mai
Ừ tớ vẫn học nghề Quỷ cốc
Nhưng chẳng ưa nói róc ăn tiền
Thiên lương chưa bén duyên thiên
Rượu thơ còn vẫn chén Tiên cầu thần
Cuộc trần thế kiếm ăn chẳng dễ
Rẻ rúng thay là nghệ làm văn
Thâu đêm hao tốn tinh thần
Đèn xanh chiếc bóng xoay vần túng câu
Nào ai biết gan sầu ruột thắt
Thế mà sao mỏi mắt cùn râu
Nỗi buồn thực thế vì đâu?
Quá thương oắt chén gượng sầu làm vui
Đấng Tạo Hóa còn nuôi thi sĩ
Các Thánh sư phải nghĩ đường xoay
Dẫu rằng Lý Số không hay
Chu Công Khổng Tử ứng tay nên tài
Từ thuở nhỏ dùi mài Kinh Dịch
Báo An Nam nghĩa thích đã tường
Việc đời hai chữ Âm Dương
Tiếc thay mất giá tại phường ba hoa
Trời mới sai Tản Đà Tiểu tử
Vạch Càn Khôn xét thử lại sao?
Trổ tài thần thánh tuyệt cao
Mà cho thiên hạ xem vào phải chăng?
Mặc những kẻ tán trăng tán cuội
Sá chi ai lời nói ba hoa!
Giang sơn đương lúc khề khà
Nghe thơ Tú Mỡ đậm đà có duyên
Riêng với bác miễn tiền đặt quẻ
Đoán thật hay bác sẽ ghê lòng
Tuổi già nay tớ không ngông
(Tản Đà)
Các Thánh sư mà cũng phải nghĩ đường xoay thì quả là sinh kế khốn quần đến cực điểm. Tuy nhiên xoay cũng có năm bảy cách “Hà Lạc đoán Lý Số đàn ông và đàn bà”, chứ không thể xoay đến mức vào làm văn nô trong Phủ Toàn Quyền, ca tụng công ơn khai hóa của Pháp!
Chuyện đoán Lý Số tuy đã thương tâm song không bằng chuyện sau đây. Số là trong một cơn say bực tức, Nguyễn Vỹ có viết mấy câu:
Nhà văn An Nam khổ như chó,
Mỗi lần cầm bút nói văn chương.
Nhìn đàn chó gặm trơ xương
Mà thương cho tôi, thương cho anh
Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh…
(Nguyễn Vỹ)
Tản Đà giận lắm, định gặp Nguyễn Vỹ thì phải mắng cho một trận. Hai bên gặp nhau trong quán rượu. Tản Đà khề khà hỏi:
– Sao anh lại ví nhà văn Việt Nam với chó? Anh không sợ xấu hổ sao?
Nguyễn Vỹ cãi bướng:
– Thưa cụ, tôi có ví thế thì chó nó xấu hổ chớ việc gì đến chúng ta?
Hai cái nhìn thông cảm và ngao ngán! Tản Đà lặng thinh nuốt hết đắng cay trong cốc rượu ngoài hiên quán.
Ngày mùng 7 tháng 7 năm 1939, Tản Đà xa lánh cõi trần, hưởng dương 52 tuổi. Báo chí ba Kỳ lúc ấy đều tỏ lòng thương tiếc vô cùng.
“Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”.
Tản Đà chịu nghèo khó để giữ vững lòng trong sạch cho đến lúc qua đời. Không chịu làm văn nô cũng như không nhận miếng cơm “ta lài” bố thí của thực dân Pháp.
Thằng nào đêm tối nỉ non
Sáng ra lên mặt vợ con hợm mình.
Ta quen phong thái bình sinh,
Dám đem ngòi bút coi khinh công hầu.
Tản Đả là nhà thơ cũ duy nhất được thế hệ thanh niên thi sĩ trong phong trào thơ mới kính phục. Năm 1941, khi xuất bản quyển Thi Ngân Việt Nam, Hoài Thanh đã in một bài thơ của Tản Đà lên đầu sách kính cẩn mời Hội chủ khai mạc buổi bình thơ. Các thi sĩ trẻ tuổi đều công nhận cử chỉ đẹp đẽ, thỏa đáng, hợp tình, hợp lý.
Giáo sư Thiên Phúc,
Vũ Tiến Phúc
(Tác giả Việt Nam Văn Học Giảng Minh, Alpha, Saigon, VN – 1974)
Cộng tác thường xuyên với TiVi Tuần-san, Úc Châu