Các nhà khoa học cho biết lần đầu tiên họ phát hiện bầu khí quyển xung quanh một hành tinh giống Trái đất nằm cách chúng ta 39 năm ánh sáng.
Hành tinh này được đặt tên GJ 1132b, lớn gấp 1,4 lần Trái đất và nằm cách Trái đất 39 năm ánh sáng.
Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thiên văn học (Astronomical Journal), các nhà khoa học nói GJ 1132b được bao phủ bởi một tầng dày chứa nước hoặc mêtan hoặc cả hai. Họ đã gọi hành tinh này là “siêu Trái đất”.
“Có khả năng bao quanh GJ 1132b là một ‘thế giới nước’ với một bầu không khí nóng”, tiến sĩ John Southworth – nhà nghiên cứu hàng đầu của ĐH Keele nói.
Tuy nhiên, GJ 1132b có nhiệt độ bề mặt lên đến 370 độ C nên khó có khả năng có sinh vật tồn tại trên nó.
Dẫu vậy theo BBC ngày 7-4, việc khám phá ra bầu khí quyển quanh GJ 1132b là một bước tiến quan trọng trong cuộc săn tìm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời của các nhà khoa học.
GJ 1132b được phát hiện lần đầu vào năm 2015. Nó nằm trong chòm sao Vela ở bán cầu nam.
Mặc dù có kích thước tương tự Trái đất, nó quay quanh ngôi sao có kích thước nhỏ hơn, mát hơn và tối hơn Mặt trời của chúng ta.
Theo Tuổi Trẻ