![]() |
Công trình xây dựng Văn Miếu dự kiến sẽ hoàn thành năm tới. Photo Courtesy: Thế Kha/Dân Trí |
Công trình xây dựng Văn Miếu tại Vĩnh Phúc đang gây nhiều tranh cãi vì chi phí lên đến 271 tỉ đồng, nhưng việc thờ ai trong văn miếu này vẫn đang được xem xét.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn (2011-2016), tỉnh Vĩnh Phúc đã chịu chi mạnh tay khi đầu tư xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử với số vốn lên tới 271 tỷ đồng. Công trình này đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc.
Ban đầu theo tờ trình của Sở Kế hoạch – đầu tư, Sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tháng 10-2011 về việc đề nghị phê duyệt dự án xây dựng công trình Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: “Văn miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn miếu”.
Tuy nhiên trên một bài phỏng vấn của báo Dân trí vào hôm 8.7, ông Trần Mạnh Định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, nói rằng chưa thống nhất sẽ thờ Khổng Tử tại đây.
Ông Mạnh Định cho hay: “Chúng tôi đang làm báo cáo về phương án thờ tự trong Văn Miếu và báo cáo UBND tỉnh, sau đó sẽ tổ chức thêm một cuộc hội thảo nữa về vấn đề này rồi mới quyết định. Tỉnh đã giao Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo về vấn đề thờ tự ở Văn Miếu rồi và bây giờ đến lượt chúng tôi cho ý kiến. Chính bọn tôi cũng chưa thống nhất việc đó đâu”.
Nguyên nhân của việc chưa biết thờ ai trong Văn Miếu theo ông Mạnh Định là: “Toàn bộ đề án trưng bày nội thất của Văn Miếu mà Sở Văn hóa là chủ đầu tư, đã báo cáo qua nhiều lần hội thảo khoa học, qua nhiều lần họp với các nhà khoa học đều không đưa Khổng Tử vào thờ ở đó, mà chỉ đưa vào gian thờ chính là ông Chu Văn An, chứ không phải Khổng Tử”.
Trong khi đó trên trang tin của tờ Tuổi Trẻ, GS Ngô Đức Thịnh nói lên quan điểm rằng xây dựng Văn Miếu có thể làm đẹp, trang nghiêm nhưng không nhất thiết phải chi số tiền lớn như vậy. Cũng theo ông nhận định cho dù Văn miếu vốn là nơi thờ Khổng Tử, nhưng cần phải đưa vào đó những nhà Nho tiêu biểu của Việt Nam như Trần Nhân Tông, Chu Văn An…
![]() |
Một góc phía của Hậu Cung. Photo Courtesy: Thế Kha/Dân Trí |
Cũng đồng quan điểm trên có TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN), cũng cho rằng việc chi tiền ngân sách xây Văn miếu vài trăm tỉ để thờ Khổng Tử là không hợp lý.
Ông Tuấn nhận định: “Đây là việc làm rất lãng phí tiền của. Kể cả khi không dùng tiền ngân sách, cũng không nên xây một công trình Văn miếu khi trong lịch sử không có cơ sở để xây dựng”.
Cũng nên nhắc lại rằng Văn Miếu trên được xây trên khu đất có diện tích 4.24 ha tại Khu đô thị Hà Tiên (phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên), Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 271 tỷ đồng với các hạng mục như: hồ Thiên Quang, tứ trụ, cầu đá, nghi môn, đền chính, bia tiến sĩ, gác chuông, gác trống, sân hành lễ, đại thành môn,… Trong đó, tứ trụ, cầu đá được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, nghi môn làm bằng gỗ lim, đại thành ôn gồm 3 gian gỗ lim trang trí theo lối “cá chép vượt vũ môn”,…
Ngoài ra Văn Miếu môn gồm một cổng chính và hai cổng phụ; hồ Thiên Quang; bia tiến sĩ gồm chín gian là nơi đặt 18 tấm bia phục chế trên lưng rùa khắc tên 91 vị đỗ đại khoa của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn; sân hành lễ rộng gần 3,000m2; khu thờ chính bao gồm hai tầng: tầng một là nhà trưng bày, tầng hai – chính điện là nơi thờ Khổng Tử và tám vị đỗ hàng đại khoa đại diện cho tám địa phương của tỉnh…
Tổng hợp (Dân Trí, Tuổi Trẻ)