Các nhà khoa học Nga và Mỹ đã làm hồi sinh hai con giun có tuổi đời gần 40.000 năm tuổi. Đây có thể là những sinh vật sống lâu đời nhất hành tinh.
Hai con giun chỉ nhỏ (còn được gọi là giun tròn) này được tìm thấy ở những vùng băng nguyên thủy vĩnh cửu phía bắc nước Nga. Các nhà khoa học Nga, hợp tác với Đại học Princeton (Mỹ), ước tính những con giun này có tuổi đời khoảng 32.000 và 42.000 năm.
Hai con giun này được tìm thấy trong các mẫu băng vĩnh cửu. Một con được tìm thấy bên trong một hang sóc cổ, và con còn lại được phát hiện gần một con sông. Các mẫu vật này được giữ trong kho trước khi được làm tan từ từ, và khi nhiệt độ đạt tới độ ấm cần thiết cho sự sống của giun, chúng sẽ sống lại.
Theo nghiên cứu được công bố gần đây, những sinh vật nhỏ bé này đã cho thấy dấu hiệu của sự sống, chúng chuyển động và thậm chí đã có thể ăn. Tình trạng ngưng hoạt động lâu dài dường như không cản trở chúng quá nhiều. Những con giun này có thể là chìa khóa để giúp các nhà khoa học đạt được những đột phá mới trong việc đông xác chờ hồi sinh.
Những con giun này được cho là xuất hiện từ Kỷ băng hà, kéo dài từ khoảng 2,6 triệu năm đến 12 nghìn năm trước. Và trong khoảng thời gian đó, những sinh vật nhỏ này đã chung sống với những người tiền cổ.
Đây rõ ràng là một bước đột phá khoa học đáng kinh ngạc và có vẻ như những con giun này có thể chỉ cho chúng ta cách làm thế nào để bảo tồn sự sống qua hàng ngàn năm bị đóng băng hoàn toàn.
Một số nhà thiên văn học tin rằng, sinh vật này có thể được chuyển từ hành tinh này tới hành tinh khác qua các tiểu hành tinh, trong tình trạng bị đông lạnh trong suốt chiều dài chuyến đi của chúng trong không gian, và chỉ tan băng một khi chúng rơi xuống một thế giới xa lạ.
Đó là một trong nhiều giả thuyết về sự sống lan truyền khắp vũ trụ và dường như những con giun này sẽ là minh chứng cho giả thuyết này.
Theo TPO