Môi trường sống của một trong những loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi những cánh rừng ở Mã Lai đang bị chặt đi nhằm trồng sầu riêng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng với loại quả nhiệt đới này ở Trung Quốc.
Theo Guardian, những cánh rừng ở khu vực Raub, bang Pahang, Mã Lai đang bị chặt và đốt để nhường chỗ cho những khu vườn trồng sầu riêng Musang King, loại được mệnh danh là một trong những giống sầu riêng ngon nhất thế giới. Đây cũng là loại trái cây được người Trung Quốc rất ưa chuộng, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng với mặt hàng này.
Tuy nhiên, những cánh rừng ở Raub cũng đồng thời được coi là “nhà” của giống hổ Malayan, một trong những loài hổ có nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất thế giới khi chỉ còn sót lại khoảng 300 cá thể trên thế giới. Hiện thời, loài hổ này chỉ còn lại trên khu vực bán đảo Malay (Mã Lai) và mũi phía nam của Thái Lan. Các tổ chức môi trường cảnh báo rằng việc phá hủy những cánh rừng ở Raub để lấy đất trồng sầu riêng có thể gây nên tác động nghiêm trọng tới sự tồn vong của hổ Malayan.
Bà Siti Zuraidah Abidin từ tổ chức môi trường WWF Mã Lai cho biết khu vực Hulu Sempan thuộc Raub, nơi các cây sầu riêng đang được trồng, nằm sát ngay với khu bảo tồn của hổ Malayan. “Chặt rừng làm thành đồn điền sầu riêng ở Hulu Sempan có thể khiến cho cánh rừng rộng lớn bị “phân mảnh”, làm ảnh hưởng tới việc di chuyển của động vật hoang dã, trong đó có hổ”, bà Siti nhận định.
Theo số liệu của Guardian, có khoảng 1.213 héc-ta rừng ở Hulu Sempan sẽ bị chặt bỏ cho dự án trồng sầu riêng. “Các dự án (trồng sầu riêng) ở khu vực này không cần Bộ Lâm nghiệp thông qua mà vẫn được triển khai”, cơ quan lâm nghiệp Pahang xác nhận.
“Cơn sốt” sầu riêng ở Trung Quốc đã khiến giá của loại quả này tăng cao, dẫn tới diện tích canh tác loại cây này mở rộng nhanh chóng trong vòng 1 năm qua tại Mã Lai. Các tổ chức dự đoán rằng sầu riêng có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Mã Lai, thay thế cho dầu cọ. Tuy nhiên, nếu như việc khai thác dầu cọ bị cảnh báo là có thể gây ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài đười ươi có nguy cơ tuyệt chủng, thì việc chuyển qua chặt rừng trồng sầu riêng cũng có tác động nguy hại không kém với giống hổ Malayan.
Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ sầu riêng hấp dẫn. Trong 10 năm qua, giá trị nhập khẩu sầu riêng vào Trung Quốc tăng trung bình 26 %, đạt mức 1,1 tỷ USD vào năm 2016. Thái Lan, quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, mỗi năm xuất đi hơn 400.000 tấn mang lại doanh thu 495 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm hơn 300.000 tấn tương đương với 394 triệu USD.
Theo Dân Trí