Nguyễn Hồng Anh
* * *
Một người bạn tôi ở Bắc California nghe tôi đặt khách sạn ở San Jose 6 đêm trong khi ở San Francisco chỉ có 4 đêm thì đã thốt lên rằng: “Tại sao ở San Jose lâu vậy? Đấy chỉ là thung lũng điện tử có gì mà xem. San Francisco mới là thành phố đẹp có nhiều thắng cảnh nổi tiếng”.
Tôi không để ý mấy về nhận xét của người bạn sống gần nửa thế kỷ ở Bắc Cali biết vùng này như lòng bàn tay. Lý do: Tôi muốn xem sinh hoạt ở thành phố được cho là có dân số người gốc Việt đông nhất nước Mỹ, một thành phố dân số lớn hàng thứ 10 của nước Mỹ, là cái nôi của nền công nghệ, kỹ thuật điện toán lớn nhất của Mỹ và thế giới. Một thung lũng với những công ty tên tuổi và những văn phòng hãng xưởng trải dài hai bên đường khi lái xe ra khỏi phố.
Tại San Jose có nhiều phương tiện công cộng để di chuyển nhưng chúng tôi chỉ dùng toàn Uber, mỗi cuốc từ vài đô la (Mỹ kim) đến mười mấy đô nếu đi trong thành phố. Còn nếu đi các thành phố khác xa chừng 25 đến 30 cây số thì có thể tốn tới 30 đô. Gọi nhanh, đi lẹ và giá như vậy tương đối dễ chịu. Đấy là điều làm tôi thích nhất trong những ngày ở San Jose.
Phần lớn tài xế Uber là người Mễ Tây Cơ, phụ nữ trẻ cũng lái Uber. Trong các chuyến đi, tôi gặp ba tài xế người Việt. Một người nói là cháu của một ông tướng VNCH, mới qua định cư ở Mỹ, nên phê bình cộng sản hết chỗ nói. Hai người kia là dân định cư lâu năm ở San Jose; một người lái xe toàn thời, người kia làm bán thời. Theo họ, lúc này lái xe Uber cũng không còn kiếm tiền nhiều như ngày trước nhưng mỗi ngày lái 8 tiếng, có thể kiếm tới $300 Mỹ kim dễ dàng. Tuy nhiên công nhân San Jose với lợi tức trung bình $80,000 Mỹ kim ($114,000 Úc kim!) không đủ khả năng và tiêu chuẩn để mua nhà ở San Jose. Nhà ở đây nhỏ nhưng rất đắt, trung bình một triệu trở lên. Anh tài xế nói nhà ở San Jose đắt gấp đôi nhà ở Houston, nên người ta làm việc có số tiền thì dọn xuống Houston. Một người lương $100,000 vay ngân hàng khó được chấp nhận, phải hai người có lợi tức như thế mới được. Lương bổng ở San Jose rất cao so với những nơi khác, nhưng vì tiền thuê nhà đắt nên có những người đi làm, xong việc ngủ trong xe. Tôi cũng nghe một vài người khác nói về tình trạng nhà cửa đắt đỏ ở San Jose, thấy cảnh nhiều người vô gia cư ngoài đường phố nên nghĩ rằng nước Úc vẫn còn là lucky country.
Khu thương mại người Việt: từ Lion Plaza tới Vietnam Town
Từ khách sạn Best Western Lanai (trên đường Tully Road) qua khu vực buôn bán của người Việt, đi bộ khoảng 15 phút. Khu vực có quán hủ tiếu Nam Vang và văn phòng Nghị viên Nguyễn Tâm nhỏ, chỉ có chừng trên 20 cửa tiệm, trông “khiêm nhượng” không như một Little Saigon sầm uất ở Quận Cam hay một San Jose có trăm ngàn người Việt mà tôi tưởng tượng (sau này mới biết người bạn học của tôi làm chủ một dãy 10 căn trong khu này). Trên sân cỏ trước bãi đậu xe thấy có bia đá lớn ghi Alvin Center. Thế thì đây không phải là Little Saigon hay Vietnam Town?
Hỏi mấy người ở đây, có khu vực buôn bán nào của người Việt lớn hơn, họ chỉ tôi cứ đi hướng nhà thờ. Như vậy là chúng tôi không đi trên con đường Tully nổi tiếng mà đang lần mò trong những con đường nhỏ. Ở đây có rất nhiều phòng mạch bác sĩ, nha sĩ, văn phòng luật sư.
Qua khỏi con đường của các chuyên gia, chúng tôi bắt đầu thấy có những khu thương mại với những tên khác nhau, như King Plaza (nằm trên đường King), Lion Plaza (nằm gần đường Tully).
Phải vài ngày đi bộ nhiều lần trên đường Tully Road đến Lion Plaza ăn trưa và tối trên đoạn đường dài khoảng một cây số với nhiều tiệm ngoài đường và các plaza ở bên kia đường Tully Road, tôi mới đoán cả khu vực này là khu vực người Việt đến định cư đầu tiên. Hình như đã từng được gọi chính thức hay bán chính thức là Little Saigon? Không có ai quen để hỏi, mà hỏi các quán thì họ cũng không buồn trả lời cho một du khách từ xa, nên tôi phải đoán.
Sự tập trung các văn phòng của các chuyên gia cho thấy sự phát triển của người Việt bắt rễ từ nơi đây và vẫn tồn tại cho đến ngày nay dù sự phát triển đó đã bùng nổ mạnh để người Việt thừa thắng xông lên mở thêm một khu thương mại mới, lớn hơn, đồ sộ hơn trên con đường Story Road cách đấy khoảng 4 cây số.
Khu thương mại mới này ban đầu có một trung tâm, một binh đinh đồ sộ với tên Grand Century Mall, nhưng sau đó cả khu đất được nới rộng ra, xây thêm nhiều tòa nhà hai tầng và rồi khu thương mại trên đường Story Road nằm giữa hai con đường McLaughlin và Senter vào năm 2007 được hội đồng thành phố chấp nhận với cái tên chính thức Saigon Business District mặc dầu đa số người Việt tị nạn muốn cái tên Little Saigon như mọi nơi khác có người tị nạn định cư.
Trước phản ứng của cộng đồng VN, vào năm 2008 hội đồng rút lại cái tên Saigon Business District nhưng cũng không chấp nhận tên Little Saigon mặc dù có khoảng 5,000 người biểu tình ủng hộ. Việc đặt tên cho khu phố ở đường Story trở thành một chuyện dài làm nữ nghị viên Madison Nguyễn đường công danh đang lên bị rớt đài trong các cuộc tranh cử vì bà ủng hộ cái tên Vietnamese Business District và sau đó là Saigon Business District, cái tên mà bà cho rằng không mang tính cách chính trị như Little Saigon. Cuối cùng hội đồng thành phố tạm thời chấp nhận cho cộng đồng Việt Nam treo mấy cái phướn trên đường Story Road chào mừng du khách đến khu vực này với dòng chữ “Welcome to Little Saigon – San Jose”, nhưng tên chính thức thì sẽ quyết định sau.
Bẵng đi một thời gian, người ta nghe tin khu phố mới do một tập đoàn thương gia gốc Hoa & Việt (TWN –Tang, Wong, Nguyen) xây dựng 260 cửa hàng khi nghị viên Madison Nguyễn mới trúng cử vào hội đồng thành phố, nộp đơn khai phá sản (Bùi Văn Phú, BBC 25.2.2013).
* * *
Đó là những gì từ Melbourne chúng tôi nghe qua báo chí. Nay đã đến San Jose, chúng tôi gọi Uber từ khách sạn Best Western Lanai ở đường Tully Road lên Grand Century ở đường Story Road. Xe dừng đúng chỗ, trước cửa vào trung tâm mua sắm có tượng Đức Trần Hưng Đạo dựng trước cửa vào trung tâm.
Từ đây chúng tôi đi bộ qua khu phố bên cạnh thấy có những tấm phướn mang chữ Vietnam Town. Khu phố mới với kiến trúc cổ điển nặng nề, tường bê tông dày với những cột trụ to bự như kiến trúc của Âu Châu thời xa xưa. Đẹp đâu không thấy, chỉ thấy tối và nặng mắt. Có nhiều căn shop trống và sau này hỏi ra mới biết những dãy phố đó có sự đầu tư của các đại gia từ Việt Nam, bán quá đắt nên không có người mua (hay tẩy chay?). Ở Vietnam Town, phố lớn người thưa, chỉ thấy có người ăn uống hay đi qua lại ở mặt tiền. Bên kia đường Story Road cũng có vài tiệm ăn.
Chúng tôi ra ngoài đường cái, đi dọc đường từ hướng Grand Century lên Vietnam Town để quan sát. Ở khu vực Grand Cemtury thấy một chữ Little Saigon khắc trên tường một ngôi nhà hai tầng, không thấy phướn Little Saigon như báo chí viết trước đây.Và ở khu Vietnam Town thì dĩ nhiên từ bên trong ra ngoài đường đều có phướn Vietnam Town.
Tôi không có dịp để hỏi những ông thổ địa như nhà văn Giao Chỉ và Nghị viên Nguyễn Tâm về danh xưng của những khu thương mại Việt Nam, nhưng qua 6 ngày ở San Jose, tôi có thể hiểu Little Saigon là khu thương mại nằm trên đường Tully Road nơi chúng tôi ở trọ, còn con đường Story Road có khu thương mại rất rộng và lớn, có hai tên Grand Mercury Mall (có trước) và Vietnam Town (có sau). Vì nằm chung trên một miếng đất, không có rào cản, xe thông thương qua lại nên thật tình cũng chẳng phân biệt đâu là Grand Century Mall, Vietnam Town!
Cũng tại nơi đây, khi kiếm quán ăn, gặp một thanh niên lạ mặt hỏi tôi có phải làm trên đài truyền hình online bên Úc không và nói hôm qua xem TVTS nghe nói tôi sẽ đi holiday nhưng bây giờ đã có mặt tại nơi đây. Anh cho biết là khán thính giả thường xuyên của TVTS online. Làm báo mạng được nhiều người xem, cũng thích.
Có vẻ như chuyện đặt tên cho khu thương mại mới và gần trung tâm thành phố San Jose (downtown) không còn là chuyện tranh cãi giữa các nghị viên thành phố, các thương gia và đại đa số cư dân gốc Việt sau hơn một thập kỷ đấu tranh, biểu tình, tuyệt thực, đòi bãi nhiệm chức nghị viên của bà Madison Nguyễn.
Khu thương mại đường Tully Road có nếp sinh hoạt như một thị xã nhỏ, êm đềm, dân dã với những con đường nhỏ có cây cối, những cửa tiệm văn phòng của một ngoại ô. Trong khi đó, khu thương mại đường Story Road trông bề thế, sang trọng của một thành phố lớn nhưng không có hồn. Phải chăng vì những sự tranh chấp mang tính chính trị và những đợt di cư của những người từ Việt Nam (mới) sau này?
* * *
Nói San Jose mà không nhắc tới một nhân vật nổi tiếng trong làng báo ở đây là một sự thiếu sót, đó là nhà báo Nguyễn Xuân Nam, chủ bút nhật báo CaliToday và là tổng giám đốc của Hệ thống CaliToday bao gồm nhật báo, website, chương trình phát thanh và truyền hình trực tuyến online.
Tôi đã có ý định đến thăm anh Nguyễn Xuân Nam để chào hỏi và làm quen nên đã viết thư, và sau đó email báo trước gần cả tháng nhưng không thấy anh trả lời. Và trước khi lên đường, nghe anh bị bệnh nằm nhà thương cả tháng mới hiểu tại sao anh không hồi đáp.
Nhìn bản đồ, thấy CaliToday nằm trên đường Tully Road cùng với khách sạn của tôi, chỉ cách cây cầu xa lộ, nhưng khi ghé ở khu thương mại Alvin Center mua simcard cho điện thoại cầm tay, tôi hỏi cô chủ tiệm tòa soạn CaliToday có xa đây không, cô nói xa lắm không đi bộ được mà nên đi xe.
Rồi khi tới khu Lion Plaza ăn uống, gặp một bà đi đường thấy chúng tôi có vẻ du khách từ phương xa, đã ân cần hỏi han và chỉ đường cho chúng tôi bằng cách nói hãy dùng iphone mà tìm đường đến tòa soạn CaliToday. Đến bây giờ chúng tôi mới biết dùng điện thoại cầm tay để đi bộ tìm đường (vì trước đây chỉ dùng khi ngồi trên xe hơi)!
Chúng tôi đi bộ từ Lion Plaza đến địa chỉ ghi trên mạng. Tôi không biết rằng ở San Jose, địa chỉ ghi ngoài đường cái là một việc, phải đi sâu vào trong mall là chuyện khác, như trường hợp tòa soạn CaliToday ở số 1460 Tully Road #601. Và như thế thì quả là bất ngờ cho người đi bộ, vì vừa xa vừa khó tìm.
Nhưng rồi chúng tôi cũng đã tới được khu có tòa soạn CaliToday, cạnh đó cũng có các văn phòng của một vài cơ quan truyền thông Việt ngữ khác. Khu vực này toàn là văn phòng/ tiệm mới xây trông như một khu townhouse ở Melbourne vậy.
Dĩ nhiên là chúng tôi không thể gặp được anh Nam vì anh chưa bình phục, nhưng vừa bước vào cửa văn phòng gặp ngay Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dũng (tôi nhận ra anh nhờ xem video) đang tiếp các thầy Phật giáo và sắp phỏng vấn thu hình gì đó. Tôi bắt tay, tự giới thiệu tên và nói anh cứ làm việc vì tôi từ phương xa chỉ đến để xem tòa soạn như một người khách. Rồi thấy một phụ nữ từ phòng thu hình bước ra chỗ có receptionist, tôi nói: “Chào cô Hương Giang”. Thấy cô có vẻ ngạc nhiên, tôi giới thiệu ngay, nói tôi quen mặt cô do xem các chương trình truyền hình trực tuyến cô cùng làm với anh Nguyễn Xuân Nam.
Cô Hương Giang đang bận rộn với công việc nhưng vui vẻ tiếp chúng tôi. Hỏi vài câu về sức khỏe của anh Nguyễn Xuân Nam, chúng tôi cáo ra về ngay để cô làm việc.
Vậy là cũng đã thấy được tòa soạn của CaliToday như cách đây 4 năm, chúng tôi đã có dịp thăm viếng báo Người Việt ở Quận Cam, được các chủ nhiệm chủ bút tờ báo này mời đi quan sát tòa soạn của tờ báo lớn nhất ở hải ngoại, đồng thời còn thăm vài trụ sở của các báo đài lớn khác ở thủ đô của người tị nạn, và đã có bài viết về những cuộc gặp gỡ các đồng nghiệp đó.
Trung tâm thành phố San Jose
Chỉ tại San Jose chúng tôi mới đặt khách sạn xa trung tâm thành phố khoảng 7 cây số. Lý do: muốn gần khu người Việt. Khách sạn này không có bản đồ thành phố và các địa điểm du ngoạn nên tôi phải kiếm thông tin trên mạng.
Như đã kể trước đây, ngày đầu tiên đến San Jose, chúng tôi ăn trưa ở Alvin Center gần đường Tully Road. Đến tối, chúng tôi chọn một địa điểm để kêu Uber lên phố: San Petro Square Market Bar, trả 7 đô. Tài xế thả chúng tôi xuống đường Market Street, con đường một chiều.
Phần lớn đường phố San Jose một chiều và nhỏ. Con đường này ở đoạn gần ngã tư San Pedro là dãy phố có nhiều nhà hàng, một số cửa tiệm mở cửa chính, luôn cả cửa sổ (bằng kính) để khách đi đường có thể thấy cảnh ăn uống bên trong, một số có bàn ăn để trên vệ đường trước tiệm. Do đó không khí sinh động, hấp dẫn khách qua đường. Chúng tôi quyết định ăn tối tại đây, không cần tìm đâu xa.
Trời bắt đầu mùa thu ở Bắc Mỹ, chúng tôi mặc áo chắn gió nhưng không thể ngồi ở vỉa hè để ăn uống và ngắm người đi qua lại như ở Sài Gòn thời xa xưa, đành ngồi bên trong.
Bạn đọc cũng đã có thể biết San Jose là thuộc địa của Tây Ban Nha từ năm 1777 và chỉ trở thành lãnh thổ của Hoa Kỳ vào năm 1850. Do đó, hầu hết địa danh là tiếng Tây Ban Nha. San Jose có nghĩa là Saint Joseph (Thánh Giuse). Cũng như cả Tiểu bang California, San Jose là nơi có nhiều người Mễ Tây Cơ sinh sống nên tại trung tâm thành phố này có rất nhiều quán ăn Mễ, quán Việt Nam cũng có nhưng ít.
Chúng tôi gọi một đĩa cá salmon, một đĩa beefsteak, một chai bia và một chai nước ngọt. Tổng cộng cả thuế là $52 Mỹ kim (khoảng $75 Úc kim) và họ không đòi hay đề nghị tiền típ như nhiều nơi khác ở nước Mỹ.
Ngày đầu tiên ở Mỹ được ăn món bi-tét thịt bò New York nấu theo kiểu Mễ, hơi cay, ướp mặn đủ đậm đà như màu da người bản xứ kèm mấy trái ớt xanh, hai củ tỏi nướng, hai món rau trộn đựng trong hai cái đĩa nhân tạo bằng củ hành và dưa leo trông nghệ thật với những miếng khoai tây thái dày.
Tôi không còn nhớ hương vị của bữa ăn đó, nhưng nhớ rằng bữa ăn rất ngon với chai bia Corona làm tại xứ Mễ (thay vì ly rượu đỏ), là đúng điệu một bữa ăn kiểu Mễ trong nhà hàng Mễ.
Nhà tôi đã có nhiều kinh nghiệm ăn nhà hàng của các nước khác, cho rằng cứ gọi món thịt bò bi-tét là bảo đảm không bực mình, nhưng hỏi món cá hồi người Mễ làm có ngon không, nhà tôi khen ngon. Thế là chúng tôi đã có một bữa ăn ngon lành trong không khí vui tươi ở giữa trái tim của Thánh Giuse.
6 đêm ở San Jose, nhưng chúng tôi cũng đã dành gần 3 ngày để gọi Uber đi tới các thành phố Newark, Fremont để họp khóa CTKD, dự gala và du ngoạn của Hội Thụ nhân nên cũng bận rộn. Nhưng 3 ngày còn lại, quả thật không biết làm gì ở thành phố mà người bạn của tôi nói chẳng có gì để xem vì đây là thung lũng điện tử, nơi các đại công ty kỹ thuật đặt bản doanh.
Vì khách sạn Best Western Lanai không cung cấp các quảng cáo du lịch vui chơi như mọi khách sạn khác, nên chúng tôi chỉ còn cách lên mạng hỏi bác boogle. Mà bác google dù có đặt đại bản doanh ở gần San Jose, cũng chẳng giúp gì tôi được với mớ thông tin hỗn tạp Anh ngữ và Việt ngữ do bác dịch bừa, vì thà đọc tiếng Anh còn dễ hiểu hơn.
Ở San Jose nơi có trên trăm ngàn người Việt, nhiều chính trị gia, văn sĩ, nghệ sĩ đếm không hết, thế mà tôi chẳng gặp được những người tôi nghe danh trên báo chí. Có lẽ tuy nói ở San Jose cho tiện nhưng có thể họ sống ở những vùng gần đó như Alamitos, Milpitas, Oakland, Berkely, thậm chí San Francisco không chừng.
Cứ nhớ qua San Jose tìm gặp những nhân vật cộng đồng nổi tiếng mà không gặp được bao nhiêu, nên khi trở về Melbourne, gặp một người bạn thân hỏi tôi có ghé thăm cô nha sĩ 3T không, tôi mới giật mình!
Người bạn nói nếu mà tôi gặp thì 3T sẽ mừng lắm vì 35 năm về trước, cô nha sĩ làm phụ dâu cho vợ tôi. Cô lại còn là bạn học cùng lớp thông dịch viên với tôi ở trường RMIT từ đầu thập niên 1980 và chỉ rời Melbourne khi lấy chồng và qua Mỹ học lại nghề nha sĩ mà cô đã học vài năm trước khi vượt biên. Nhớ lại 3 ngày ở San Jose không biết mần chi, nhiều lần đi bộ trên đường Tully Road tới Lion Plaza ăn cơm trưa hay tối ở đó, thấy các văn phòng bác sĩ nha sĩ đầy đường mà không nhớ đến người bạn thân một thời, để thăm hỏi, để cô dẫn mình đi chơi và kể cho mình biết bao chuyện cộng đồng ở đây mà một nhà báo muốn nghe. Tôi phải giận cái đầu lơ đễnh của tôi, vì có lẽ hiếm có dịp trở lại San Jose gặp lại cô bạn thân dễ mến này.
Có một ngày, sau khi ăn trưa ở Vietnam Town tại cái tiệm Phở Hà Nội “chính hiệu” được đồn là ngon nằm ở phía bên trong, chúng tôi gọi Uber lên khu Japantown, xa khoảng 5 cây số ở phía tây bắc bên kia downtown, tốn khoảng $9 Mỹ kim.
Khu phố Nhật Bản có tên JapanTown trên bản đồ là khu phố đặc trưng của người Nhật, những công nhân lao động có mặt ở thành phố này hơn cả trăm năm.
Đến nơi này không có người hướng dẫn, chúng tôi đi bộ vài con đường chính để quan sát nhà cửa và sinh hoạt của cộng đồng địa phương này. Quả là khu phố của người Nhật! Kiến trúc nhà cửa và khu phố đơn giản không cầu kỳ như của người Tàu, đặc biệt sạch sẽ và yên tĩnh, là tính cách của người Nhật, dù là Nhật ở Mỹ. Có những cặp thanh niên hay vài trẻ con/ học sinh băng qua đường, không nói chuyện ồn ào.
Tôi thấy có ngôi chùa, bảo tàng viện ở một vài con đường. Có một hai con đường có quán ăn nhưng chúng tôi đã không có cơ hội thưởng thức vì mới ăn ở Vietnam Town.
Ở khu này có nhiều cây cối mát mẻ. Người Nhật đã khéo chọn khu đất này khi tới làm công nhân và định cư, khác với khu người Việt Nam ít cây và có đồi trọc. Có một con đường mua sắm chạy sâu vào một khu nhiều bóng cây trông như là công viên nhưng chúng tôi không thể đi xa hơn dưới trời nắng. Bây giờ tôi mới thấy rằng San Jose không là sa mạc hay toàn đồi trọc như khi đang ngồi trên phi cơ.
Tôi cũng có nghe ở San Jose có một khu vườn mang tên Japanese Friendship Garden nằm đâu đó hơi xa JapanTown. Nghe nói vườn này rất đẹp,thu hút nhiều du khách đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi. Vườn Nhật Bản mà.
Vì cũng không biết làm gì cho qua ngày trước khi lên San Francisco, chúng tôi lại lên trung tâm phố đi dạo giữa trưa để xem downtown rộng như thế nào, có gì độc đáo không. Ngắm thành phố, dù bằng xe sightseing hay đi bộ, là cái thú của tôi. Ngắm cũng đủ rồi, chứ không cần thiết vào bên trong xem (vì vậy tôi mới đi bộ tới tòa soạn báo CaliToday).
Chúng tôi đi ngắm các công viên, Vương cung Thánh đường St Joseph, bảo tàng viện nghệ thuật Museum of Art, bảo tàng viện THE TECH Museum of Innovation nổi tiếng mà giới trẻ đến xem để biết con người tiến bộ đến mức nào qua những kỹ thuật mà họ phát minh và hướng tới tương lai (vé vào cửa $25 Mỹ kim).
Chúng tôi cũng thích ngồi ở những ghế đá công viên giữa trưa nắng, cạnh những tàng cây, nhìn những chiếc phi cơ bay sát các cao ốc (ở đây không có binh đinh cao, khoảng 20 tầng là tối đa) vì phi trường San Jose cũng là loại bận rộn.
Nhưng nếu bạn đi bộ trên vài con đường chính của San Jose downtown, bạn sẽ gặp những người vô gia cư, nằm ngồi bừa bãi trên lề đường. Họ là người da đen hay da màu. Có vài người trông như bị tâm thần.
Chúng tôi có nghe tên vài đại học danh tiếng như Berkeley hay Stanford nhưng nằm xa đâu đó, chứ ngay giữa thành phố thì chỉ có đại học công San Jose State University. Chúng tôi nhập bọn với các học sinh đi lang thang ở khu đại học, từ block này qua block kia, ra một cổng khác và bắt gặp một quán ăn Việt Nam bán mì ổ cho sinh viên. Định thử mì ổ Việt Nam ở đây có ngon như mì ở Melbourne không, nhưng trời nóng mà cái quán bình dân dành cho sinh viên hơi hẹp nên đã không có dịp thưởng thức dù rất nhiều lúc đi du lịch kiểu lang thang giống du khách ba-lô, chúng tôi cũng muốn ăn uống đơn giản để tiết kiệm thì giờ.
Cái thú của vợ chồng chúng tôi là ăn tối. Chúng tôi không ăn sáng. Ăn trưa rất ít, tối đa là một tô phở/ bún nhỏ, có khi ăn không hết. Nhưng buổi tối ăn nhiều, ngồi thật lâu (dù biết ăn tối nhiều không hợp với vệ sinh sức khỏe). Đó là thời gian thích nhất của tôi trong ngày.
Ăn là một cái thú. Ăn là phải có rượu bia thì mới đạt cái khoái của tứ khoái. Đi du lịch, ngoài ngắm cảnh, ăn tối là cái thú trong cuộc đời đối với tôi. Món ăn có thể không cần phải cầu kỳ hay lạ, nhưng cần có khung cảnh đẹp, êm ả, chỗ ngồi rộng và có người bạn ăn hợp ý, thì bữa ăn sẽ đạt đến tột đỉnh sung sướng, hạnh phúc
Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 26.10.2018